Thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 28/8 cho biết: Chào mừng kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2017), chương trình “Vui Tết Độc lập” sẽ diễn ra trong suốt tháng 9/2017 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam với sự tham dự của 300 đồng bào các dân tộc, nghệ sỹ, diễn viên, sinh viên của 12 dân tộc đến từ 11 địa phương, đặc biệt là đồng bào vùng cao Hà Giang.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động tháng 9/2017 là không gian chợ vùng cao “Đến với Hà Giang - Chợ Tết cao nguyên đá Đồng Văn”. Nơi đây sẽ tái hiện không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa Hà Giang, nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, gặp gỡ giao lưu, sinh hoạt văn hóa với bức tranh đa dạng, phong phú, sinh động về sản vật, văn hóa dân tộc. Chợ vùng cao tạo sự gần gũi, giúp du khách trực tiếp cảm nhận về đời sống đồng bào vùng cao tại không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Tại phiên chợ vùng cao, ngoài các sản vật địa phương, ẩm thực truyền thống của đồng bào các dân tộc Hà Giang, còn có các chương trình dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian như: Đánh quay (tu lu), leo cột, đánh pao, đánh yến, đu dây...
Tại khu vực chợ vùng cao còn trưng bày, giới thiệu 60 bức ảnh về cảnh sắc, cuộc sống và con người vùng cao nguyên đá Đồng Văn và đặc biệt có đôi Khèn Mông kích cỡ lớn nhất Hà Nội (gần 7m) do nghệ nhân dân tộc Mông của Hà Giang chế tác tại Làng.
Đặc biệt, trong dịp tháng 9/2017, lần đầu tiên tại Làng tái hiện lễ hội bơi chải truyền thống tỉnh Phú Thọ. Đây là một lễ hội thể hiện tinh thần thượng võ, kiên cường bất khuất của cha ông. Lễ hội bơi chải truyền thống tỉnh Phú Thọ mang một giá trị tinh thần lớn lao, được truyền lại từ đời này qua đời khác, ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân và du khách thập phương.
Lễ hội cũng góp phần khơi dậy tinh thần tôn kính tổ tiên, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo nên ý thức về tình cảm, cộng đồng, về sức mạnh truyền thống của dân tộc. Hình ảnh về lễ hội bơi chải truyền thống đã góp thêm vào không gian văn hóa lễ hội những mảng màu đa sắc, khẳng định giá trị văn hóa có ý nghĩa với cộng đồng sẽ sống mãi với thời gian. Tại không gian tổ chức lễ hội - sân khấu nổi sẽ giới thiệu, trưng bày 100 bức ảnh với chủ để “Văn hóa đất Tổ - Cội nguồn văn hóa các dân tộc Việt Nam”.
Trong khuôn khổ chương trình “Vui Tết Độc lập”, Ban tổ chức cũng tái hiện “Tết rằm tháng Bảy” của đồng bào dân tộc Dao, huyện Ba Vì, Hà Nội. Với đồng bào người Dao, Tết Rằm tháng Bảy có ý nghĩa quan trọng, là một trong 3 Tết lớn nhất trong năm bên cạnh Tết Thanh minh và Tết Tạ ơn (Tết năm cùng). Đây là một tục lệ thể hiện đời sống tín ngưỡng của dân tộc Dao là thờ cúng tổ tiên, ý nghĩa nhân văn, lòng nhân ái đối với những người đã khuất.
Ban tổ chức cũng sẽ chiếu 2 bộ phim tài liệu tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đó là phim tài liệu nhựa “Việt Nam Hồ Chí Minh” sản xuất năm 1985 của đạo diễn Đào Trọng Khánh. Phim tiếp theo là “Một đất mẹ cho tất cả” mới sản xuất năm 2016 của đạo diễn Nguyễn Sỹ Bằng. Các bộ phim là những tư liệu lịch sử sống động, giúp nhiều người Việt Nam bồi đắp thêm lòng yêu nước, tự hào là công dân một đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc, trường tồn vững mạnh…/.