Ngày 3/8, tại Nhà Trưng bày triển lãm Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng tư nhân Gốm sứ Hà Nội khai mạc triển lãm “Mỹ thuật ứng dụng sản phẩm Gốm Nam bộ”.
Triển lãm giới thiệu hơn 150 hiện vật gốm Nam bộ của 100 nhà sưu tập đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là các sản phẩm phục vụ xây dựng, sinh hoạt thường ngày và trang trí nội, ngoại thất. Trong khuôn khổ triển lãm, khách tham quan được tìm hiểu thêm về yếu tố “minh văn trên gốm Nam bộ”, là những câu chữ được họa sĩ vẽ gốm viết lên, có thể là niên đại, tên lò hay tên người chế tác, tên người đặt hàng, địa danh, một bài thơ cổ…
Theo các chuyên gia, những hiện vật phản ánh rõ nét hơn về lịch sử gốm Nam bộ cũng như lịch sử phát triển của vùng đất Nam bộ những năm đầu thế kỷ 20. Chữ viết trên gốm là một dạng văn tự độc đáo, dựa vào đó để hiểu đời sống kinh tế, văn hóa cũng như nhu cầu thực tế của xã hội đương thời. Chia sẻ tại buổi khai mạc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Sử học Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các hiện vật gốm được trưng bày đều có dấu ấn của thời gian và đặc biệt là luôn được tham gia vào các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người dân Nam bộ. Thêm vào đó là kỹ thuật tráng men trơn rất đặc biệt của các nghệ nhân Nam bộ cùng với các họa tiết tỉ mẫn, sắc sảo cũng phần nào thể hiện được tính cách của người Nam bộ luôn cởi mở, nhiệt tình, sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ.
Từ xưa, gốm Nam bộ đã là hàng hóa thiết yếu trong sinh hoạt của cư dân ở miền Đông và Tây Nam bộ. Hiện nay, danh từ “Gốm Nam bộ” được hiểu là loại gốm sản xuất ở vùng Xóm Lò Gốm của Thành phố Hồ Chí Minh trước đây, cùng với các sản phẩm từ các lò gốm ở Biên Hòa – Đồng Nai và Lái Thiêu – Bình Dương sản xuất từ giữa thế kỷ 19 cho đến nay. Do vậy, gốm Nam bộ hiện được tạm phân chia thành 4 dòng: Cây Mai, Sài Gòn, Lái Thiêu và Biên Hòa. Đến nay, những sản phẩm gốm vẫn còn giữ nguyên giá trị văn hóa, nghệ thuật dân tộc và được nhiều nhà sưu tập gốm trên khắp cả nước sưu tầm, bảo tồn.
Triển lãm diễn ra đến ngày 12/8./.