Trăm năm và mãi mãi

11:13, 25/08/2017

“Thời gian như bóng câu trôi qua cửa”, mới đó đã trăm năm, sử sách lưu danh những người con Anh hùng của dân tộc, dũng cảm tạo binh biến chống lại sự đàn áp hà khắc của thực dân Pháp xâm lược. Một trong những người làm nên bản hùng ca về tinh thần yêu nước - Cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 là cụ Lương Ngọc Quyến, quân sư của cụ Trịnh Văn Cấn (Đội Cấn), cùng binh lính khố xanh, các tù nhân yêu nước và nhân dân trong vùng thị xã Thái Nguyên, dưới quân kỳ “Nam binh phục quốc” đã làm rúng động đến chính quốc (nhà cầm quyền nước Pháp thời bấy giờ).

Không lu mờ bởi thời gian, không tàn phai theo năm tháng. Sử xanh khắc ghi, lòng người khắc cốt. Danh cụ Lương Ngọc Quyến mãi mãi gắn cùng cuộc khởi nghĩa như một khúc tráng ca, ngân vang trong lòng các thế hệ người Việt Nam. Cụ đi về với thế giới người hiền khi cuộc tranh đấu còn dang dở, đất nước lầm than, thuộc hạ đau đớn mai táng cụ ngay trên đường lui binh. Nơi cụ yên nghỉ có đến 15 di tích lịch sử, đó là xã Vô Tranh, huyện Phú Lương.

Cụ nằm đây, bên một triền dốc dài, có mái đình chùa Lau che chở, có bãi lúa, nương chè và dòng khe róc rách chảy vỗ về. Cảm kích trước tấm lòng trung kiên ái quốc của cụ, Phan Bội Châu, vị lãnh tụ Việt Nam Quang phục hội viết: “Thân không đầy bảy thước mà hùng mạnh bằng muôn người, tuổi không quá tứ tuần mà tinh thần suốt muôn thuở, người như thế lại không khó lắm ru! Lương Lập Nham gần như thế đấy!” (Lương Lập Nham, tên chữ của Lương Ngọc Quyến). Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng phòng Di sản Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Ngày 23-12- 2001, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn, các hậu duệ của cụ đã mang di cốt người Anh hùng về quê nhà, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây an táng.

Dù di cốt cụ không còn ở lại với vùng đất Vô Tranh, nhưng mãi còn đây một dấu tích lịch sử, nhắc nhớ cháu con muôn đời về một thời cha ông đánh giặc. Ông Nguyễn Đức Khuê, Bí thư Đảng ủy xã Vô Tranh cho biết: Tháng 8-2017, UBND tỉnh Thái Nguyên chính thức ban hành Quyết định xếp hạng Di tích lịch sử Địa điểm an táng nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến. Mộ cụ ở phía Đông Nam đồi Gò Mu, thuộc xóm Thống Nhất 3.

Về nơi năm xưa cụ an nghỉ, chúng tôi đi qua từng chặng đường bê tông, ngắm nhìn những bãi lúa, nương chè và ríu ran nông dân tất bật mùa vụ. Ông Khuê kể: Vùng đất này năm xưa hoang hóa, toàn rừng rậm, có thú dữ. Lại chuyện giặc giã khắp nơi, nên khi cụ Lương Ngọc Quyến hy sinh, nghĩa quân lặng lẽ mai táng cụ, không để lại dấu vết, nên hậu duệ của cụ phải bao năm cất công tìm kiếm…

Câu chuyện làm đoạn đường từ trung tâm xã đén xóm Thống Nhất 3 như ngắn lại, trước mắt chúng tôi là một làng quê thanh bình, yên ả, nghe thoảng thơm hương lúa nghẽn đòng bên bờ đồng Cào Ái, và rủ rỉ tiếng ngàn ru từ đồi Cây Nứa; tiếng rí rách nước chảy ngàn năm vọng lại. Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã khéo léo khiển xe máy qua đoạn đường nhỏ của một bờ ruộng thấp sang đồi Gò Mu. Ông Tuấn bảo: Mộ cụ ở khu đồi này, hàng chục năm mà dân trong vùng chẳng ai hay.

Ông Đoàn Đức Chuyền, chủ nhân của khu đồi Gò Mu kéo chúng tôi ra khu mộ cụ Lương Ngọc Quyến. Đó là một triền dốc thoải bên khe. Ông Chuyền kể: Trước đây, gia đình tôi khai phá trồng chè, trồng tre, cấy lúa, đào ao… Nhưng có một sự lạ là riêng chỗ cụ nằm, năm xưa được gia đình trồng một cây bạch đàn. Cây bạch đàn lớn rất nhanh, lúc thân to bằng cái phích đựng nước đun sôi thì đột nhiên rũ lá, chết. Bà con trong vùng cho là cây bị sét đánh. Nhưng một ngày nọ, cây nẩy mầm, sự sống tái sinh. Vì mải lo làm lụng sinh kế, nên tôi cũng như bà con trong vùng cho đó là hiện tượng bình thường của tự nhiên.

Tôi lặng lẽ quan sát, cố lục tìm tại khu mộ xem có gì khác biệt. Nơi này có gì đó chất chứa, tiềm ẩn một niềm đau, nhưng kiêu hãnh lạ kỳ. Từng câu nói của ông Chuyền mộc mạc, bình dị, song gợi lòng người luyến nhớ về một con người, một nhân cách yêu nước Lương Ngọc Quyến. Sử sách chép lại: Tháng 10-1905, theo tiếng gọi của phong trào Đông Du, cụ cùng em trai là Lương Nhị Khanh xuất dương sang Nhật, được Phan Bội Châu sắp xếp cho học Trường Chấn Võ học hiệu (Simbugaka). Đây là trường võ bị đặt ở Đông Kinh (Tokyo), chuyên đào tạo sĩ quan hệ ba năm và hai năm cho quân đội Trung Hoa.

Năm 1908, Nhật Bản trục xuất tất cả các chí sĩ yêu nước Việt Nam. Cụ lên tàu đến Quảng Đông (Trung Quốc), vào học ở trường Lục quân, rồi lên học tại Trường Sĩ quan học hiệu Bắc Kinh, chuyên tâm học hành nghiệp võ. Năm 1914, cụ bí mật về Sài Gòn để tổ chức lực lượng khởi nghĩa. Do bị thực dân Pháp phát hiện, truy lùng gắt gao, cụ phải trốn sang Hương Cảng. Năm 1914, cụ  bị cảnh sát Anh bắt, đưa sang Quảng Châu, giao cho mật vụ Pháp đưa về Việt Nam xét xử với mức án chung thân cấm cố. Chúng giam cụ ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Cao Bằng, Sơn Tây, Phú Thọ rồi đưa trở lại Hỏa Lò. Ngày 25-7-1916, chúng chuyển cụ lên Thái Nguyên, giam giữ tại Nhà tù Thái Nguyên.

Sống trong ngục tối, nhưng cụ vẫn luôn tìm cơ hội giác ngộ lòng yêu nước, ý chí đấu tranh cho các bạn tù và binh lính khố xanh, trong đó có Đội Cấn. Đêm 30, rạng sáng ngày 31-8-1917, cụ Cấn và anh em binh lính khố xanh nổi dậy khởi nghĩa, giết Giám binh Noen và Phó quản Lạp, phá nhà lao, giết chủ ngục, giải thoát cho toàn bộ tù nhân. Vì bị liệt một chân, cụ Lương Ngọc Quyến được binh lính cõng sang Trại lính khố xanh để mời vào Hội đồng Quân sự, giữ chức “Quân sư” trong Bộ Chỉ huy khởi nghĩa. Trong cảnh “nước sôi, lửa bỏng”, cụ làm chủ xướng việc nghĩa quân lấy lá cờ nền vàng có năm ngôi sao làm kỳ hiệu, lấy kỳ hiệu bên dưới có hàng chữ “Nam binh phục quốc” làm quân kỳ, lấy quốc hiệu là Đại Hùng, lấy tên cho đội quân khởi nghĩa là Quang phục quân.

Ngày 31-8-1917, cụ nhuận sắc (sửa chữa) bản “Tuyên ngôn lần thứ nhất” của cuộc khởi nghĩa, do cụ Nguyễn Gia Cầu, một chính trị phạm soạn thảo. Ngày 1-9-1917, cụ soạn thảo bản “Tuyên ngôn thứ hai” của cuộc khởi nghĩa gửi đồng bào cả nước. Bản tuyên ngôn thể hiện niềm tin tất thắng vào chính nghĩa của dân tộc, vừa như một bản tuyên ngôn độc lập. Sáng 4-9-1917, quân Pháp tấn công vào trung tâm thị xã, cụ bị trúng đạn địch, hy sinh tại chỗ và được nghĩa quân mai táng trên đường rút chạy.

Hưởng dương 32 năm, một cuộc đời ngắn ngủi, nhưng đáng sống hơn bao kiếp người. Ông Nguyễn Văn Xuyên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Vô Tranh nói: Tất cả chúng ta đều biết danh hùng của cụ, nhưng tất cả chúng ta đều không biết cụ đã nằm đây. Ông Lê Sĩ Nghị, Bí thư Chi bộ xóm Thống Nhất 3 bảo: Sau cùng, nơi cụ từng an nghỉ đã được hậu duệ tìm thấy. Cơ quan chức năng đã quan tâm, nghiên cứu, xây dựng, tôn tạo thành di tích lịch sử, để cháu con đến khói hương, tưởng nhớ đến vị Anh hùng dân tộc đã đứng dậy làm nên Cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên.

Chợt từ đình Chùa Lau, một cơn gió man mác nhẹ thổi, mang theo từng giọt mưa lạnh ào qua, tựa nước mắt nơi trời xanh rớt xuống.

Gần cả buổi ông Chuyền không nói năng gì. Ông muốn giấu đi cảm xúc riêng tư. Rồi từ trái tim mách bảo, ông quả quyết: Tôi sẽ rất vinh dự khi được hiến cho Nhà nước 24m2 đất vườn, đúng vị trí cụ nằm, để nay - mai Nhà nước xây dựng di tích lịch sử Địa điểm an táng nhà yêu nước Lương Ngọc Quyến.

Tôi thấy khuôn mặt ông Chuyền rạng ngời một niềm vui. Vâng! Tròn trăm năm khởi nghĩa nghĩa Thái Nguyên; tròn trăm năm ngày giỗ cụ Lương Ngọc Quyến (1917-2017), nơi cụ từng an nghỉ sẽ được tôn tạo thành một Di tích lịch sử.: