Ngày 19/9 tại Hà Nội,Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày mất của danh nhân Đào Tấn (1907-2017). Đây là dịp để khẳng định những đóng góp nghệ thuật của danh nhân Đào Tấn với sân khấu nước nhà; giúp công chúng và nghệ sỹ trẻ thêm yêu mến, hiểu biết hơn về danh nhân Đào Tấn cũng như giá trị của nghệ thuật tuồng Việt Nam...
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết: Kỷ niệm 110 năm Ngày mất của Đào Tấn là dịp để thế hệ sau tôn vinh danh nhân văn hóa kiệt xuất của đất nước, tích cực hành động nhằm kế thừa, phát triển các di sản vô giá mà ông để lại, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ trưởng Vương Duy Biên khẳng định: Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa mà danh nhân Đào Tấn để lại là một phần không thể thiếu trong sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay. Để làm tốt điều đó, trước hết, cần tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn, phổ biến có hiệu quả các tác phẩm bất hủ của ông. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các đơn vị nghệ thuật tuồng, các đơn vị sân khấu cả nước có kế hoạch tái tạo các kiệt tác của Đào Tấn theo cách mới để phục vụ công chúng. Tỉnh Bình Định phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam để phát huy hiệu quả giá trị Khu nhà thờ Đào Tấn ở huyệnTuy Phước, Bình Định.
Là người dành nhiều thời gian, tâm huyết nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn, Giáo sư Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hoá dân tộc Việt Nam nhấn mạnh: Đào Tấn là một nhà nho yêu nước, 30 năm làm quan, trong đó 3 lần làm Tổng đốc, 4 lần làm Thượng Thư. Dù ở vị trí nào, ông cũng dốc lòng chăm lo cho nhân dân, giữ gìn văn hóa dân tộc. Ông là một tài năng về nghệ thuật, được tôn vinh là “hậu tổ” nghệ thuật hát bội (tuồng). Ông đã để lại cho dân tộc một di sản văn hóa đồ sộ với khối lượng kịch bản tuồng, vở diễn tuồng, văn thơ cũng như lý luận về sân khấu. Nhiều trích đoạn tuồng của ông đã được khai thác, biểu diễn và quay thành phim để phục vụ công chúng và công tác nghiên cứu giảng dạy ở các trường nghệ thuật sân khấu cả nước. Bên cạnh đó, Đào Tấn còn là một bậc thầy đã đào tạo nhiều nghệ sĩ tuồng tài năng. “Học bộ đình” do ông mở ra ở thành phố Vinh, Nghệ An là trường dạy nghệ thuật sân khấu đầu tiên ở nước ta từ thế kỷ 19.
Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, Đào Tấn là “ông quan nghệ sĩ” với bút pháp hiện thực. Giới trẻ hôm nay học tập được ở Đào Tấn rất nhiều. Các nhà biên kịch học được ở ông cách phá vỡ các nguyên tắc cũ trên sân khấu. Ngoài ra, ngôn ngữ, ca từ trong các tác phẩm của Đào Tấn cũng đáng để học tập.
Đào Tấn sinh năm 1845, tại làng Vinh Thạnh, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; mất năm 1907. Ông là nhà hoạt động văn hóa toàn tài với sự nghiệp trước tác phong phú, đồ sộ. Được coi là hậu tổ của nghệ thuật Tuồng, Đào Tấn sáng tác, chỉnh lý, cải biên, dàn dựng hàng trăm vở tuồng; đưa nghệ thuật tuồng nước nhà lên đỉnh cao với nhiều kiệt tác như: “Hộ sanh đàn”, “Trầm hương các”, “Diễn võ đình”… Ông là tác giả của nhiều làn điệu độc đáo trong âm nhạc tuồng, là tác giả tập sách lý luận sân khấu đầu tiên của Việt Nam mang tên “Hí trường tùy bút”.
Đào Tấn sáng lập và chủ trì hoạt động của rạp hát “Như Thị Quan” ở Nghệ An và hai gánh hát kiêm trường đào tạo nghệ thuật tuồng mang tên “Học bộ đình” tại Nghệ An và Bình Định để đào tạo nghệ sĩ tuồng xuất sắc nhiều thế hệ. Ngoài ra, Đào Tấn còn được coi là một nhà văn lớn của đất nước khi sáng tác hơn 1.000 bài thơ, từ và bút ký. Tên ông đã được đặt làm tên đường ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành trong nước.
Nhân dịp này, một chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm nhiều trích đoạn tác phẩm của Đào Tấn được tổ chức phục vụ khán giả Thủ đô./.