Một đô thị văn minh được biểu hiện thông qua rất nhiều tầng lớp yếu tố cơ bản, trong đó trước tiên có lẽ là yếu tố diện mạo. Gương mặt đẹp của một đô thị không chỉ là biểu hiện của một quy hoạch khoa học, bài bản mà còn cho thấy trình độ quản lý cũng như trình độ nhận thức thẩm mỹ của chính quyền và cư dân nơi đó. Song lâu nay, trong quá trình phát triển đời sống xã hội và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, hầu hết các đô thị lớn nhỏ trong cả nước đều đã và đang quá chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà xem nhẹ, thậm chí bỏ qua yếu tố thẩm mỹ đô thị.
Khi trang trí nơi công cộng được xã hội hóa
Từ nhiều năm nay, trang trí đô thị chủ yếu diễn ra nhân các sự kiện kỷ niệm, lễ tết quan trọng và được coi là một nhiệm vụ chính trị, do các cơ quan nhà nước đảm nhiệm. Song bên cạnh đó, mấy năm gần đây đã xuất hiện các hình thức xã hội hóa công tác này, với sự tham gia của ngày càng nhiều các công ty tư nhân và tổ chức hoạt động xã hội, kể cả từng nhóm cộng đồng dân cư. Cộng hưởng với sự phát triển của các kênh báo chí và truyền thông xã hội, thông tin về ý nghĩa và những nét mới lạ của các hoạt động này nhanh chóng được lan rộng, tạo thành những cơn sóng dư luận lớn nhỏ, thúc đẩy việc nhân rộng những mô hình tương tự.
Từ ý tưởng “con đường gốm sứ ven sông Hồng”, hoàn thành năm 2010 tại Hà Nội với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự tham gia tài trợ của rất nhiều công ty trong nước và tổ chức phi chính phủ quốc tế, chủ nhân của nó đã phát triển một công ty tư nhân chuyên doanh phát triển các dự án trang trí bằng gốm sứ và sơn vẽ trang trí ở những địa chỉ công cộng như vườn hoa, sân bay... Mô hình chuyên doanh này đã và đang được nhân rộng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các công ty tư nhân lớn nhỏ chuyên trang trí tranh tường từ ngoại thất đến nội thất các công sở, trường học, bệnh viện, tư gia... Từ một thú vui nghịch ngợm vẽ tranh phun sơn trên mặt một vài con phố vắng, một số mảng tường công trình cũ kỹ, bỏ hoang, bắt nguồn từ châu Âu Graffiti nhanh chóng trở thành một lựa chọn cho trào lưu trang trí nơi công cộng ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, từ giữa những năm 2000.
Từ một cuộc vận động nho nhỏ với mục đích tự trang trí làm đẹp cho nơi ở của mình bằng các bức tranh gốm, đất nung, ở một ngõ xóm Hà Nội, việc hình thành nên các bức tranh tường trong cộng đồng dân cư đã dần lan rộng ra nhiều khu vực khác, với đa dạng hình thức như tranh vẽ tả thực, tranh mở ra ba chiều không gian (3D). Trong phong trào trang trí công cộng này, không chỉ có người địa phương tham gia mà có không ít các cá nhân nước ngoài cùng chung tay. Những bức tường dài hàng trăm mét phủ đầy Graffiti và tranh 3D do hơn 20 họa sĩ nước ngoài cùng hoàn thành trong một con ngõ trên phố Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ, Hà Nội, gần đây là một minh chứng sống động. Một ví dụ khác, từ thành công điển hình với dự án làng bích họa Tam Thanh (thị xã Tam Kỳ, Quảng Nam) hoàn thành trong năm 2016, thu hút sự chú ý của dư luận cả nước, Quỹ giao lưu văn hóa Hàn Quốc hiện đang xúc tiến hợp tác gây dựng một không gian trang trí công cộng tương tự ngay tại nội thành Thủ đô Hà Nội.
Có thể nói, xu hướng xã hội hóa hoạt động trang trí nơi công cộng đã góp phần làm thay đổi không nhỏ diện mạo nói chung của một đô thị, đáp ứng một phần nhu cầu thay đổi đa dạng, liên tục về thẩm mỹ thị giác của cư dân đô thị, phần nào giúp họ được giải tỏa hoàn toàn miễn phí những ức chế, căng thẳng từ áp lực cuộc sống.
Và những nguy cơ tràn lan “rác văn hóa”
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của trào lưu trang trí, làm mới lạ diện mạo các không gian công cộng lớn nhỏ trong đô thị, những hệ lụy tiềm ẩn từ nguyên do cốt lõi là việc xã hội hóa một cách tự phát của trào lưu này không hề nhỏ.
Sau những hiệu ứng dư luận rất tốt, đặc biệt là với sự kiện được UNESCO trao bằng Kỷ lục bức tranh tường lớn nhất thế giới, ngay khi nó còn chưa được hoàn thành, “con đường gốm sứ ven sông Hồng” lại sớm trở thành một nơi thu hút nhiều ánh mắt quan ngại của dư luận. Sự xuống cấp nhanh chóng của “bức tranh” khổng lồ này, sự thiếu tầm nhìn, chắp vá, tạm bợ trong tất cả các khâu lựa chọn địa điểm, thiết kế và thi công, dẫn đến nguy cơ một ý tưởng làm đẹp đô thị lại trở thành nguyên do ra đời một đống rác thải văn hóa đô thị rất khó thu dọn. Cho đến nay, công tác duy tu bảo dưỡng “bức tranh” này gần như chỉ được làm cho có, không thể khắc phục được sự xuống cấp, nứt vỡ tại rất nhiều phân đoạn, dẫn đến một sự lãng phí nguồn lực tài chính, cho dù đó là nguồn tài chính được xã hội hóa hay trích từ ngân sách dành cho các hoạt động văn hóa, chỉnh trang đô thị của chính quyền địa phương thông qua Ban quản lý chỉnh trang đô thị thuộc Sở Xây dựng và nay là Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội, những đơn vị thay nhau quản lý công trình này.
Gần đây nhất, hình ảnh “500 cột điện nở hoa” và trước đó là loạt các bức tranh Graffiti “nửa mùa” tại TP Hồ Chí Minh cũng vấp phải không ít ý kiến nhận xét của giới chuyên môn mỹ thuật về nguy cơ tương tự như “con đường gốm sứ” của Hà Nội, trở thành rác thải văn hóa đô thị một cách đáng tiếc. Rõ ràng, chủ nhân của các ý tưởng trên đã bỏ qua một khâu quan trọng trong quá trình thực hiện công việc tưởng là vì cộng đồng, làm đẹp hơn cho môi trường sống chung quanh này: đó là ý thức đầy đủ về tác động thị giác, tác động thẩm mỹ trước mắt và lâu dài của những hình ảnh mà họ đưa ra công cộng tới rất nhiều người thuộc đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ nhận thức.
Điều đáng nói là, hầu hết các hoạt động này đều được sự ghi nhận của cơ quan chức năng, tuy nhiên, hoạt động này, trong nhiều trường hợp, lại được nhìn nhận là hoạt động xây dựng… và được tiến hành khá tự phát, mà không có sự phê duyệt về nội dung của cơ quan chức năng.
Rõ ràng, đã đến lúc vấn đề trang trí đô thị cần phải được đẩy lên một tầm mức mới, đòi hỏi một sự nhìn nhận nghiêm túc từ phía giới chức quản lý đô thị đến mỗi người dân. Mọi hoạt động liên quan đến chuyên môn mỹ thuật, cho dù diễn ra nhỏ lẻ trong một cộng đồng dân cư như xóm, thôn, cụm, tổ dân phố, rộng hơn là cả một cung đường đô thị, cũng cần được xây dựng trên một nền tảng ý thức và quy định chặt chẽ, đầy đủ hơn về tác động rộng dài của nó tới môi trường và nhận thức thẩm mỹ của nhiều tầng lớp người dân trong xã hội, để từ đó có các kế hoạch thực hiện bài bản hơn, thay vì chỉ tự phát với cái nhìn hạn hẹp trước mắt.
Khi bàn về quy hoạch kiến trúc đô thị Việt Nam hiện đại, bà Trần Thanh Vân, một kiến trúc sư cảnh quan giàu kinh nghiệm, từng dùng từ “bàn tay sắt nhân văn” để nói đến một sự thay đổi quyết liệt từ chính giới chức quản lý liên quan để đưa công tác kiến trúc quy hoạch về đúng vai trò kiến tạo vẻ đẹp và phong cách đô thị, thay vì chỉ phục vụ một số nhóm lợi ích và lợi nhuận cục bộ của nhà đầu tư. Rõ ràng trong vấn đề trang trí làm đẹp đô thị hiện nay, cũng rất cần đến một “bàn tay sắt nhân văn” để quản lý, hạn chế tối đa nguy cơ hình thành các đống rác thải thẩm mỹ và văn hóa đô thị không thể thu dọn một sớm một chiều.
Một trong những vấn đề liên quan mật thiết đến thẩm mỹ đô thị là việc nâng cao sức hấp dẫn thị giác của đô thị thông qua mạng lưới các công trình nghệ thuật (mỹ thuật) công cộng được thiết kế xây dựng phía trước các tòa công sở, công trình dân dụng, các trụ sở công ty, tổ hợp thương mại, trong công viên, vườn hoa công cộng,… Được biết, sau rất nhiều bàn thảo trong quá trình xây dựng Nghị định số 113/2013/NĐ-CP về hoạt động mỹ thuật, mục tiêu đưa ra quy định kinh phí gồm một số phần trăm nhất định cho việc xây dựng các công trình nghệ thuật (mỹ thuật công cộng) nêu trên gần như không thực hiện được, mà chỉ dừng lại ở quy định chung chung về kinh phí dành cho mỹ thuật của các công trình văn hóa, thể thao, du lịch, chứ không phải dành cho tất cả các công trình xây dựng công cộng. Đây là một điều đáng tiếc, cho thấy vấn đề thẩm mỹ đô thị nói chung chưa thật sự được giới chức quản lý liên quan quan tâm. |