Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài, thử sức trên mọi lĩnh vực: âm nhạc, truyện, thơ, hội họa… Nhưng người ta vẫn biết về ông nhiều hơn cả với tư cách là một nhạc sĩ rất mực tài hoa, tác giả của “Tiến quân ca” – ca khúc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định lựa chọn trở thành Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và sau này là của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15/11/1923 tại Hải Phòng. Ông là người thuộc thế hệ thanh niên ưu tú, giàu lòng yêu nước, được tiếp thu những tinh hoa của văn hoá Đông Tây. Những tác phẩm của ông đã mang lại cho người nghe, người xem một lối cảm thụ nghệ thuật mới.
Người nghệ sĩ tài hoa và những ca khúc trữ tình nổi tiếng
Văn Cao là một tài hoa thiên bẩm, nhạc sĩ của nhiều bài hát làm rung động lòng người, những bài hát đã trở thành một phần trong tài sản tinh thần của biết bao thế hệ người Việt. “Trong cuộc đời của một nghệ sĩ lớn như Văn Cao, về âm nhạc, ông sáng tác không nhiều. Nhưng phải công bằng mà nói rằng, những bản nhạc của Văn Cao là những viên ngọc quý hiếm, có lúc còn ẩn trong đá. Nhưng khi được khám phá, những bản nhạc của Văn Cao hiện diện như những hạt kim cương, lấp lánh sắc màu, có giá trị vượt không gian và thời gian trong vườn nhạc dân tộc”(1).
Văn Cao bước vào con đường nghệ thuật khá sớm, khi mới ở tuổi thiếu niên. Đầu tiên ông xuất hiện ở làng văn nghệ bằng những vở kịch và truyện ngắn, sau đó ông chuyển sang thơ và nhạc.
Đúng như giới văn nghệ sĩ đánh giá, Văn Cao là một nghệ sĩ tài hoa trên cả ba lĩnh vực: thơ, họa, nhạc. Ngay từ trước cách mạng, Văn Cao đã là một nhạc sĩ tài danh với những ca khúc trữ tình nổi tiếng. Bài hát đầu tay của ông viết năm 1939 tại Hải Phòng là “Buồn tàn thu”, tiếp sau đó là những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng với những ca từ đạt đến độ hoàn mỹ của “Thiên thai”, “Suối Mơ”, “Trương Chi”, “Bến xuân”, “Cung đàn xưa”, “Đàn chim Việt”...
Tuy đa phần những ca khúc đó đều chứa đựng một tâm sự buồn của bản thân ông, nhưng đó thực sự là những khúc tình ca bất hủ không chỉ của riêng ông mà còn của cả nền âm nhạc Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Bên cạnh những sáng tác nhạc trữ tình, Văn Cao còn có những hành khúc hùng tráng lấy đề tài từ lịch sử dân tộc như: “Gò Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca” viết cho tráng sinh Hướng đạo thuộc nhóm “Đồng Vọng” của Nhạc sĩ Hoàng Quý - một nhóm nhạc nổi tiếng ở Hải Phòng trước cách mạng.
Tham gia Việt Minh, Văn Cao viết những ca khúc: Chiến sĩ Việt Nam (1945), Không quân Việt Nam (1945), Hải quân Việt Nam (1945), Công nhân Việt Nam,… Năm 1947, sau chiến thắng sông Lô, Văn Cao viết Trường ca Sông Lô – được đánh giá là một tác phẩm vĩ đại, chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển Tây phương... Đây cũng là bản nhạc đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc, là đỉnh cao của nhạc kháng chiến.
Nhạc sĩ Văn Cao. |
Sau năm 1954, những ca sĩ hàng đầu của Sài Gòn như: Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thanh, Ánh Tuyết…đã trình diễn và ghi âm nhạc phẩm của Văn Cao. Đặc biệt, bản nhạc “Mùa xuân đầu tiên” (1976) của Văn Cao viết về sự kiện trọng đại của dân tộc: Mùa xuân mới đầu tiên thực sự của Nam - Bắc cùng đoàn tụ, vui chung một nhà, hòa vào tình cảm yêu thương ruột thịt, cùng nhau đón Tết! Ca khúc thể hiện đúng với lòng mong ước sáng trong của Hồ Chủ tịch: “Bắc - Nam sum họp Xuân nào vui hơn!”.
Trong lĩnh vực thơ ca, độc giả biết đến Văn Cao với những vần tự sự về chính cuộc đời ông, về quê hương, về cuộc sống tự do với bạn bè; biết đến những vần thơ đau thương nhất của ông về cuộc sống cùng cực của người dân nghèo nơi xóm ả đào, nẻo nhà ga, lề đường, góc chợ.
Đối với Văn Cao, “người làm thơ phải đi tìm những tư tưởng, cảm xúc và cảm giác trong thực tế ở những con người đang hàng ngày túi bụi xây dựng”. Với bài thơ đầu tiên “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế” và tiếp theo là: “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”, “Bến Ngự trên thương cảng”, “Ngoại ô mùa Đông năm 1946”, “Những người trên cửa biển”, “Với Nguyễn Huy Tưởng”, “Với Nguyên Hồng”…, ông đã để lại trong lòng độc giả nhiều thế hệ những tình cảm đặc biệt.
Nói đến Văn Cao, người ta không thể không nhắc đến lĩnh vực hội họa. Ở lĩnh vực này, ông là một họa sĩ sử dụng cọ và màu cũng sắc sảo, mặn nồng không thua gì các họa sĩ chuyên nghiệp. Ông đã có những bức tranh minh họa, những bìa sách và nhiều bức sơn dầu nổi tiếng. Đặc biệt, với lối vẽ tranh sơn dầu bằng hình thức và nội dung mới, bức họa đầu tay “Cuộc khiêu vũ của những người tự tử” được Văn Cao trưng bày tại Phòng triển lãm Duy nhất (Hà Nội-1944) đã làm giới mỹ thuật ngạc nhiên về bút pháp và màu sắc.
“Tiến quân ca” - Quốc ca mang hồn thiêng sông núi
Tiến quân ca ra đời năm 1944, trong bối cảnh lịch sử đặc biệt khi đất nước sắp bước sang một thời kỳ mới. Còn với nhạc sĩ Văn Cao, bài hát đánh dấu bước ngoặt lớn của cuộc đời khi ông tìm được lý tưởng sống. Sau khi được đồng chí Vũ Quý giác ngộ cách mạng, ông đã tham gia hoạt động bí mật. Vũ Quý đã động viên ông viết những bài hát yêu nước như Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca… Vũ Quý đề nghị Văn Cao thoát ly hoạt động cách mạng, và nhiệm vụ đầu tiên là sáng tác một bài hành khúc cho đội quân Việt Minh. Văn Cao viết bài hát đó trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền. Ông có viết lại trong một ghi chép của mình như sau: “…Tôi chỉ đang làm một bài hát. Tôi chưa được biết chiến khu, chỉ biết những con đường Phố Ga, đường Hàng Bông, đường Bờ Hồ theo thói quen tôi đi. Tôi chưa gặp các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, trong khóa quân chính đầu tiên ấy, và biết họ hát như thế nào. Ở đây đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị cho họ có thể hát được…”.
Bài hát viết xong, Văn Cao gặp và hát cho Vũ Quý nghe. Vũ Quý rất hài lòng, giao cho Văn Cao tự tay viết bài hát lên đá in. Và lần đầu tiên Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của báo Độc Lập tháng 11/1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết. Nguyễn Đình Thi khi nghe Văn Cao hát bài hát này, đã xúc động thật sự, và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó Nguyễn Đình Thi viết được bài Diệt phát xít, Văn Cao viết thêm bài Chiến sĩ Việt Nam, cả hai bài hát này đều phổ biến rộng rãi trong công chúng.
Có lẽ lúc đó, Văn Cao không ngờ rằng chỉ một thời gian ngắn sau, lần đầu tiên vào ngày 17/8/1945, khi diễn ra cuộc mít-tinh của công chức Hà Nội, bài hát Tiến quân ca được hàng ngàn người hòa nhịp cất cao tiếng hát trước Quảng trường Nhà hát Lớn. Văn Cao đã kể lại những kỷ niệm của buổi hôm đó: “Bài Tiến quân ca đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra. Chung quanh tôi, hàng ngàn giọng hát cất vang lên theo những đoạn sôi nổi. Ở những cánh tay áo mọi người, những băng cờ đỏ sao vàng đã thay những băng vàng của chính phủ Trần Trọng Kim. Trong một lúc, những tờ bướm in Tiến quân ca được phát cho từng người trong hàng ngũ các công chức dự mít-tinh…”.
“Tiến quân ca” thực sự trở thành hồn dân tộc, hồn nước, làm xốc dậy tinh thần của những quân du kích, những binh đoàn, những quân đoàn và cả những người dân Việt Nam bình thường nhất.
Ngày 13/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17/8/1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát Lớn, bài Tiến quân ca đã được cất lên. Cũng tại quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 19/8/1945, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài Tiến quân ca chào lá cờ đỏ sao vàng. Ngày 2/9/1945, Tiến quân ca chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy.
Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn Tiến quân ca làm quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca". Qua bao thăng trầm của lịch sử, Tiến quân ca ngày nay vẫn được chọn là quốc ca của Việt Nam. Năm 1993, Quốc hội nước Cộng hoà XHCN Việt Nam một lần nữa khẳng định vị trí bất di bất dịch của Tiến quân ca là Quốc ca nước Việt Nam.
Bài hát Tiến quân ca của Văn Cao đã ra đời như thế, trong thời đại lịch sử đánh dấu một “buổi bình minh mới” của dân tộc, đất nước.
Với “ chữ tâm – chữ tài” nguyện hiến dâng hết thảy cho quê hương, đất nước, Nhạc sĩ Văn Cao xứng đáng là một tác gia lớn của nền âm nhạc nước nhà. Tên tuổi ông mãi là niềm tự hào vô bờ của quê hương, dân tộc, nó trường tồn, bất tử như những khúc khải hoàn ca ngân mãi, vang mãi. “... Văn Cao đã ở mãi trong lòng mọi người với niềm tin yêu phấn khởi, trong bất cứ không gian nào, mỗi khi có dịp lắng lòng và nghiêm trang được nghe lại giai điệu hùng tráng thiêng liêng của bản “Tiến quân ca” lịch sử”.
Với những cống hiến to lớn cho cách mạng, cho đất nước, nhạc sĩ Văn Cao đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thưởng Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất tại Sắc lệnh số 32-SL ngày 25/4/1949, với nội dung “Ông Văn Cao, nhạc sĩ có tài, người đã có công sáng tác bài Quốc ca”. Ngoài ra, ông còn được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập Hạng Nhất (1993) và truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, Nghệ thuật đợt 1 (năm 1996). Thực hiện tâm nguyện của Nhạc sĩ Văn Cao, vợ và 5 người con của ông đã cùng ký tên hiến tặng bản "Tiến quân ca" cho Nhà nước. Chiều 15/7/2016, Văn phòng Quốc hội tổ chức lễ tiếp nhận bài Tiến quân ca và truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố Nhạc sĩ Văn Cao. |
(1), (2): Trích bài viết “Văn Cao - Một lòng vì Tổ quốc" của tác giả Nguyễn Thanh (Tạp chí Văn nghệ ngày 12/09/2016)