Cùng dòng chảy thời gian, vùng đất Thái Nguyên có một kho tàng di sản văn hóa phong phú, với hơn 800 di tích lịch sử ,văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Và rất nhiều những di sản văn hóa phi vật thể được khôi phục, gìn giữ, bảo tồn, trở thành nguồn tài nguyên nhân văn vô tận phục vụ cho phát triển ngành Du lịch.
Ông Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch Thái Nguyên cho biết: Cùng cả nước, Thái Nguyên hướng đến phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để đạt được mục đích thì việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ chiến lược quan trọng hàng đầu của ngành. Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể (Cục Di sản văn hóa): Những yếu tố có khả năng gắn kết di sản văn hóa với du lịch là tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa. Trong đó tài nguyên thiên nhiên gồm điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan, khí hậu. Tài nguyên văn hóa gồm bảo tàng, di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội văn hóa truyền thống, nếp sống, phong tục tập quán.
Những di tích lịch sử, văn hóa và các tập quán đẹp của người Thái Nguyên, một “mỏ vàng” vô tận đang được ngành du lịch khai thác hiệu quả. Điển hình như Khu di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hoá, với 128 điểm đến, được Chính phủ xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Ông Đồng Khắc Thọ, nguyên Trưởng ban Quản lý Khu di tích tâm đắc: Cột mốc bảo tồn, phát huy giá trị, phát triển du lịch khởi đầu từ năm 1997, khi Nhà trưng bày ATK Định Hoá được Thủ tướng Võ Văn Kiệt cắt băng khai trương. Ban Quản lý khu di tích xác định muốn phát triển du lịch bền vững phải chú trọng bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa ATK sinh thái, cảnh quan và văn hóa dân tộc thành các sản phẩm du lịch gắn với vui chơi giải trí, ẩm thực đặc trưng ATK Việt Bắc và mua sắm chợ quê miền núi.
Những di tích ở Định Hoá là nơi ở và làm việc của Bác Hồ và các cơ quan Trung ương Đảng, Chính phủ. Nơi chứng kiến sự ra đời của hàng loạt quyết sách quan trọng mang tính chất quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến. Đây cũng là nơi phát tích chiến dịch Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngoài Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hoá và các điểm di tích lịch sử văn hóa, trên địa bàn của tỉnh còn có nhiều di sản phục vụ cho phát triển ngành du lịch, như các di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ ở huyện Võ Nhai; các di tích kiến trúc nghệ thuật như đền Đuổm (Phú Lương), chùa Phủ Liễn, chùa Huống (T.P Thái Nguyên). Cùng với đó là các di sản văn hóa phi vật thể được du khách quan tâm, thưởng thức, nghiên cứu. Tiêu biểu là Rối cạn Thẩm Rộc của người Tày, Lễ hội cầu mùa của người Sán Chí, hát Soọng cô của người Sán Dìu, Lễ hội Oóc Pò của người Nùng… Đặc biệt là 2 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là Lễ cấp sắc của người Dao (Đại Từ), Múa Tắc xình của người Sán Chay (Phú Lương)… được bảo tồn, phát huy giá trị thông qua hoạt động biểu diễn giao lưu và biểu diễn phục vụ du lịch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho rằng: Bảo tồn di sản sản văn hóa và phát triển du lịchh là 2 dạng hoạt động kinh tế xã hội có mối quan hệ tương tác hữu cơ. Một mặt du lịch không thể phát triển nếu thiếu vắng các di tích lịch sử, văn hóa đã được bảo tồn, tôn tạo. Ngược lại, nếu không biết nương tựa và tận dụng thế mạnh của du lịch, thì không thể quảng bá và chuyển tải các giá trị văn hóa đến với rộng rãi công chúng. Đồng nghĩa với việc di sản văn hóa bị “đóng băng”, không có điều kiện phát huy giá trị trong đời sống kinh tế, xã hội.
Một hiển nhiên là hoạt động bảo tồn di sản văn hóa được gắn kết với du lịch, tạo động lực cho du lịch phát triển, đồng nghĩa với việc sẽ tạo ra nguồn lực đầu tư trở lại cho các hoạt động tu bổ, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa. Nhất là ở thời đại kinh tế 4.0, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, thì di sản và du lịch ví như 2 bánh con tàu, cùng chạy trên đường gòng, song hành đều đặn đưa con tàu về ga đúng hẹn.