Những người góp sức hồi sinh làn điệu Soọng cô

15:02, 06/11/2017

Soọng cô, lối hát ví đối của người dân tộc Sán Dìu - một nét đẹp văn hóa tinh thần đã có ngàn năm tuổi. Sức sống mãnh liệt của Soọng cô tựa lửa than vùi trong lòng núi. Âm ỉ cháy, âm ỉ lan tỏa, rồi từ âm ỉ ấy mà bùng cháy thành phong trào ca hát Soọng cô, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào người dân tộc Sán Dìu.

Nhưng để có những cuộc hát dài theo dòng chảy cuộc đời, đã có rất nhiều nghệ nhân dân gian kỳ công gìn giữ, sưu tầm để bổ sung cho kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc mình không bị mai một. Những nghệ nhân ấy là người nông dân chân chất, bận rộn chuyện áo cơm mà lòng nặng niềm mê giai điệu Soọng cô. Bởi lẽ ấy nên tôi tự tìm về nơi sơn dã, tìm gặp những nghệ nhân “ẩn danh” song có nhận thức sâu sắc về nét đẹp Soọng cô.

Đang những ngày đầu Đông, nắng kèm gió hanh làm da thịt khô ráp, trên đường về xóm Na Quán, xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) tôi vẫn bắt gặp câu hát: “…Lống ny dịu sếnh diu sọi dọn/ Mú ti hố nhít tách lói sim” (tạm dịch: “Đôi ta có tình đã từ lâu/ Mỏi mong ngày gặp ở đâu hời chàng”. Chủ nhân của câu hát là ông Trịnh Ngọc Thông. Ông phiên lại câu này từ cuốn sách chữ Hán do cụ thân sinh ra ông để lại. Ông là người mang duyên, mắc nợ với Soọng cô. Ông có giọng hát đằm ngọt, luyến nhớ tới mức nhiều chị em sau đêm hát đã tự tìm đến nhà xin làm học trò, trong số đó có Mục Thị Mói, người Bàn Đạt (Phú Bình) sau này mê hát mà nên duyện vợ chồng với ông.

Ông kể: Tôi được ông nội dạy chữ Hán và để lại cho một số cuốn sách về thuật bói toán, cúng bái, giải hạn, vào nhà mới, làm ma, truyện cổ tích và sách dạy đạo làm người… Cuốn nào cũng quý, nhưng quý nhất vẫn là 2 cuốn sổ chép lại hơn 5.000 bài Soọng cô… Qua câu chuyện của ông chúng tôi biết:  Đầu năm 2011, ông bắt đầu dịch bài Soọng cô từ chữ Hán sang lời Sán Dìu và lời phổ thông. Ông dốc tâm dịch với nghĩ suy mang truyền dạy lại cho người dân trong vùng để phổ biến cho mọi người cùng hát. Trong quá trình dịch, ông có cảm nhận lời bài hát như sợi dây vô hình buộc tâm hồn ông lại, rồi nới nhẹ khiến ông không dứt được mình ra khỏi bàn viết. Chừng hơn 1 năm sau đó, khi chồng sách đặt ở góc bàn cao ngang mặt, đó là tâm huyết một đời ông đọng lại là hàng nghìn bài hát lưu lại trên trang vở. Ông vui lắm, có lúc thấy mình như một nhà thơ, rồi lặng lẽ mang từng cuốn thơ (Soọng cô) ra thị trấn huyện, phô tô thành nhiều bản, về phát lại cho những người yêu văn nghệ cùng hát.

Chợt ngoài ngõ có bà cụ đẹp lão thong thả bước vào sân. Ông Thông cho biết: Đó là bà Miêu Thị Nguyệt. Bà Nguyệt là chị tôi. Hiện bà đang làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Soọng cô xóm Na Quán. Bà có chất giọng ngọt như oanh như yến… Bà Nguyệt bước vào nhà cùng câu hát: “Són tao phú thói súi lu hoi/ Thịnh víu háo ngại dịp son thói/Câu ca thịnh vún phếnh dịu sót/ Sá phan mú sệnh ngọi do lói” (tạm dịch: “Con thuyền cập bến nước rẽ đôi/Nghe tin anh đến làng em chơi/ Về nhà nghe bạn vừa thuật lại Cơm nước quên ăn vội sang chơi”. Một sự hồn hậu, chất phác đã tạo sự cảm mến ngay lần đầu gặp.

Bà Nguyệt tự hào: Tháng 5-2010, tôi được địa phương bình bầu là người dân tộc thiểu số tiêu biểu, về Hà Nội dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam. Chuyến đi đó, tôi gặp nhiều đại biểu là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh trên cả nước. Qua trò chuyện với mọi người, tôi nhận ra ở mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, nhưng ấn tượng, dễ nhớ là lời của bài hát bằng tiếng dân tộc. Nên ngay khi trở về nhà, tôi thực hiện công việc đi sưu tầm, chép các bài Soọng cô.

Để ghi lại được nhiều bài hát, bà chép những bài mình thuộc. Rồi tìm gặp các cụ già, hỏi thêm, và thông qua những cuộc hát giao lưu, bà sư tầm, chép lại. Có những hôm bà vừa chép bài, vừa hát từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Bà mải miết chép vì sợ ngày mai, bởi một lý do gì đó những bài hát theo bà về với thế giới người hiền. Sau gần 6 năm, bà đã chép kín 22 cuốn vở, hơn 6.500 bài hát với gần 30.000 câu hát. Cuốn vở dày nhất chép 1.200 bài,  4.800 câu hát; cuốn mỏng nhất có 350 bài, với 1.400 câu hát.

Nhớ độ xuân 2017, trời lất phất mưa, đến xóm Chí Son, cùng xã Nam Hòa, gặp các thành viên Câu lạc bộ hát Soọng cô, ông Trần Văn Thành, 82 tuổi, cho biết: Dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên có gần 45.000 người, chiếm hơn 30% tổng số người dân tộc Sán Dìu trên cả nước. Đây là một lợi thế để chúng tôi khôi phục, phát huy những nét đẹp văn hóa tinh thần của dân tộc mình thông qua việc tổ chức hát Soọng cô. Hơn thế, trong xã có ông Thông, bà Nguyệt là những người được các cụ giao lại cho báu vật của Soọng cô, đó là sách chữ Hán và kỹ thuật hát Soọng cô. Hằng ngày, ông Thông, bà Nguyệt và những người thuộc lớp cao tuổi như chúng tôi hăng hái truyền dạy lại câu hát cho lớp trẻ. Còn ông Lý Minh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Hòa cho biết: Trong những năm gần đây, kinh tế phát triển, đời sống văn hóa tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao. Vì thế về Nam Hòa, nhiều người bảo ra đường gặp câu hát.

Nói vừa dứt lời thì từ đâu đó có câu hát vút lên: “Sọng théo sếnh cô hô chệnh hụ /Hô hý son chông báo phếnh on (tạm dịch: “Nhà nước lo cho dân ta cùng làm/ Dân ta đoàn kết khó mấy cũng xong”… Mộc mạc, chân chất, nhưng bồi hồi, sâu lắng, lại sát thực với phòng trào xây dựng nông thôn mới đang được triển khai ở địa phương. Từng câu hát dài như suối, nhẹ như gió, gợi tôi nhớ hôm về xóm Hồng Cóc, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên). Bên vạt chè kề dòng suối nước Hai, tôi được nghe một cuộc ví đối “bất phân thắng bại”. Bà Lục Thị Hồng, Chi hội trưởng Người cao tuổi cho biết: Hát ví đối làm mình trẻ, khỏe, yêu đời hơn. Rồi bà nảy câu hát theo điệu Hoẹn sà: “Háng cộ lén thóng lén dẹp vòng/ Lóng kim chúy cả lói hoẹn nhòng”… (tạm dịch: “Đầm sen lá ngả màu vàng /Nước kia ai lấy để chàng mới đây”)

Từng câu hát ngân lên ấm áp. Cũng từ câu hát đã đưa bao người đến bền bờ vinh danh. Ông Diệp Minh Tài, 77 tuổi, ở xóm Tam Thái, xã Hoá Thượng (Đồng Hỷ) là một người như vậy. Năm 2015, ông được phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “nghệ nhân Ưu tú”. Để nhận được danh hiệu vinh dự này, ông đã đi gần hết một đời để tìm báu vật Soọng cô. Ông đã tìm được hơn 1.000 bài hát chữ Hán cổ, mang nhờ người dịch, rồi chép lại để phổ biến cho mọi người trong cộng đồng người dân tộc Sán Dìu.

Ông Tài, ông Thông, bà Nguyệt là những người dân tộc Sán Dìu tiêu biểu, đã góp sức, góp công cống hiến trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hoá của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Có những người như họ, câu hát Soọng cô được hồi sinh, được ngân lên như suối chảy, gió reo và không bao giờ ngừng trôi trên dòng chảy của thời gian bất tận.