Khoảng 2-3 năm trở lại đây, tranh tường đang trở thành trào lưu khi những hình ảnh ngộ nghĩnh, độc đáo xuất hiện ngày càng phổ biến tại nhiều quán cà phê, trường học trên địa bàn tỉnh. Bằng đam mê, khiếu thẩm mỹ và kỹ thuật đã qua đào tạo, một nhóm bạn trẻ Khoa Đồ họa, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên) đã và đang biến các bức tường vô tri trở nên sống động, đẹp mắt.
Vào một buổi sớm, một nhóm bạn trẻ đã có mặt tại Trường Tiểu học DPA, phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) với lỉnh kỉnh đồ đoàn, từ bảng màu, cọ vẽ đến những hộp sơn đủ sắc màu. Sau khi hội ý về cách triển khai 2 bức tranh do Nhà trường đã đặt từ trước, ba thành viên: Đặng Vương Cao Nguyên, Bùi Hương Giang và Nguyễn Duy Quang nhanh chóng bắt tay vào công việc. Vừa nhanh tay phủ lớp sơn lót đầu tiên, em Bùi Hương Giang vừa kể cho chúng tôi nghe về lý do thành lập nhóm: Em có sở thích vẽ tranh từ nhỏ và bắt đầu đi học vẽ từ năm lớp 11. Khi vào đại học, ngoài giờ lên lớp, em thường nhận vẽ tranh trên toan, lụa cho một cửa hàng áo dài. Còn bạn Nguyên thì đã có kinh nghiệm vẽ tranh tường từ năm nhất đại học. Từ chung sở thích, đam mê và hợp nhau về tính cách, năm 2016, chúng em quyết định rủ thêm 2 bạn nữa và thành lập nhóm gồm 4 người, nhận vẽ theo yêu cầu trên các chất liệu.
Từ những bức tranh tường ban đầu tại các quán cà phê, hầu hết khách hàng đều hài lòng và giới thiệu địa chỉ cho bạn bè, người thân. “Điều quan trọng nhất là chất lượng, chỉ khi khách hàng thật hài lòng thì chúng em mới bàn giao tác phẩm. Dù đây chỉ là công việc làm thêm của nhóm nhưng giúp chúng em thỏa sức sáng tạo, thỏa đam mê nên ai nấy đều vui vẻ, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao” - em Đặng Vương Cao Nguyên chia sẻ.
Bắt nguồn từ tranh mẫu hay ý tưởng của khách hàng về các chủ đề như: phong cảnh, học đường, tuổi thơ… các thành viên trong nhóm sẽ linh hoạt thể hiện tác phẩm theo cảm nhận của riêng mình. Quy mô của các bức tranh cũng không giới hạn, từ 7-8m2 cho tới hàng chục mét vuông, với nhiều công đoạn như: sơn lót; tạo khối xa, gần; lên chi tiết; cuối cùng là sửa và hoàn thiện tác phẩm. Được biết, chất liệu sử dụng của tranh tường chủ yếu là sơn acrylic. Một bức tranh tường có thể giữ màu đẹp trên 10 năm, với không gian ngoài trời, màu dễ bạc hơn thì chỉ giữ được từ 5-7 năm.
So sánh vẽ tranh trên lụa và trên tường, em Bùi Hương Giang cho rằng, vẽ trên tường thoải mái hơn hẳn do được thỏa sức sáng tạo trên những mảng tường vốn đơn điệu. Dù vậy, công việc vẽ tranh tường cũng có những vất vả đặc thù. Em Đặng Vương Cao Nguyên cho biết thêm: Với công trình trang trí tại các quán ăn hay quán cà phê, chúng em thường phải leo lên giàn giáo mới có thể thực hiện được. Đặc biệt, chúng em sẽ phải xử lý rất lâu đối với những bức tường gồ ghề do khó đi màu. Với bức tranh sao chép đơn giản, giá dao động từ 200.000-250.000 đồng/m2, với không gian lớn, bố cục cầu kỳ, chi tiết thì tiền công khoảng 350.000-450.000 đồng/m2. Trung bình một bức tranh có diện tích khoảng 20m2, 3 người vẽ có thể hoàn thiện trong vòng 3-4 ngày với thù lao khoảng gần 10 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, các bạn trẻ thu về 5-6 triệu đồng/tác phẩm.
Không tốn quá nhiều chi phí, trong khi đề tài khá đa dạng và đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, do vậy, ngày càng có nhiều người tìm đến nhóm để đặt vẽ. Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ quán cà phê PiPi (T.P Thái Nguyên) cho biết: Tôi thiết kế quán theo phong cách riêng, những hình vẽ trên tường cũng phải thật độc đáo và phù hợp với các vật dụng, bàn ghế bên trong. Đó là lý do tôi chọn tranh vẽ tường thay vì dùng giấy dán. Còn cô Vũ Thị Thủy, quản lý Trường Tiểu học DPA, phường Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) cho rằng: Những bức tranh tường với hình vẽ ngộ nghĩnh, tươi sáng không gian đầy màu sắc, tạo tâm lý hứng khởi cho các con khi đến lớp.
Ngoài vẽ tranh tường, nhóm còn nhận vẽ theo yêu cầu trên nhiều chất liệu khác nhau. Hy vọng rằng, với sự sáng tạo, niềm say mê, các sản phẩm tranh tường của nhóm sẽ ngày càng nhận được sự tin tưởng của khách hàng, tô điểm thêm sắc màu cuộc sống.