Những năm gần đây, nhu cầu đến rạp xem phim của khán giả ngày một tăng, nhiều kỷ lục doanh thu phòng vé liên tiếp được xác lập đã cho thấy thị trường điện ảnh Việt Nam đang có tiềm năng to lớn mà nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước không thể bỏ qua.
Về mặt lý thuyết, sự cạnh tranh giữa các cơ sở phát hành, phổ biến phim trong nước và các cơ sở liên doanh nước ngoài có thể góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hấp dẫn của sản phẩm điện ảnh, cũng như chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, “cuộc chiến” này vẫn đang diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đối với điện ảnh Việt Nam.
Phát hành phim trong nước yếu thế
Mới đây, Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam công bố báo cáo tóm tắt tình hình thị trường điện ảnh Việt Nam, trong đó nhấn mạnh thực trạng doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị phần, có biểu hiện kinh doanh trái phép, chèn ép doanh nghiệp Việt Nam, cụ thể là Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (gọi tắt là CGV) hiện đang nắm tới hơn 40% thị phần rạp chiếu và hơn 60% thị phần phát hành phim tại Việt Nam.
Đây không phải lần đầu CGV bị “tố” là cạnh tranh thiếu lành mạnh. Năm 2016, tám doanh nghiệp điện ảnh trong nước đồng loạt gửi đơn kiện CGV, sau đó, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã có công văn trả lời, các doanh nghiệp này chưa tuân thủ đúng thủ tục khiếu nại vụ việc cạnh tranh, thông tin nêu trong đơn chưa rõ ràng, đầy đủ và chưa có các bằng chứng kèm theo. Tuy nhiên, dưới áp lực của dư luận, CGV vẫn hứa sẽ điều chỉnh những hoạt động kinh doanh bất hợp lý.
Chỉ sau một thời gian, theo các nhà phát hành phim trong nước thì CGV lại tiếp tục áp đặt những điều khoản bất lợi cho các nhà phát hành phim Việt Nam. Cụ thể, thông cáo của Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho biết: Phim Việt Nam do CGV phát hành ở hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%); còn nếu các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỷ lệ này chỉ còn 45/55 (tức nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV vẫn hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần).
Theo kiến nghị của các hãng phát hành, tỷ lệ này chưa từng xảy ra trên thế giới khi hệ thống rạp chiếu phim lại nhận được doanh thu lớn hơn nhà sản xuất và phát hành, song họ buộc phải chấp nhận bởi CGV sở hữu nhiều cụm rạp lớn, hiện đại, ở những vị trí “đắc địa” và còn là đại lý phát hành phim của nhiều hãng phim nổi tiếng trên thế giới. Chưa kể, tỷ lệ phim Việt Nam ít so với các phim “bom tấn” nước ngoài, hoặc nếu được phát hành thì cũng vào phòng chiếu nhỏ, giờ chiếu không “đẹp”…
Chỉ trong vài năm, thị phần của CGV trong lĩnh vực phát hành phim Việt Nam gia tăng nhanh chóng: ước tính từ 25% trong năm 2015 lên 44% trong năm 2016 và 61% trong chín tháng đầu năm 2017. Doanh thu bán vé từ các phim Việt Nam do CGV phát hành từ năm 2015 đến hết quý III năm 2017 là 881,6 tỷ đồng. Như vậy, trong khi CGV thu lợi từ cả hai mảng rạp chiếu và phát hành, các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam ở thế yếu, hưởng lợi nhuận ít và dần đứng trước nguy cơ không còn đủ sức đầu tư, cạnh tranh trên thị trường.
Tại tọa đàm “Điện ảnh Việt Nam - Thực trạng và một số vấn đề đặt ra hiện nay” do Văn phòng Quốc hội phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuối tháng 10 vừa qua, Giám đốc Trung tâm Chiếu phim quốc gia Nguyễn Danh Dương nêu ý kiến: “Trước mắt và nhìn thấy rất rõ là “cái chết” của các đơn vị chiếu phim nhỏ lẻ khi không có điều kiện trang trải kinh phí. Mặt khác, thị trường điện ảnh Việt Nam dù có tiềm năng phát triển lớn nhưng nếu vẫn tồn tại trong tình cảnh phụ thuộc như hiện nay thì rất nguy hiểm”.
Quả thật, khi hệ thống phát hành phim và chiếu bóng ở các địa phương hoạt động cầm chừng và tê liệt dần, thì ở các thành phố lớn, kinh doanh điện ảnh vẫn như “gà đẻ trứng vàng” với tốc độ tăng trưởng từ 20 đến 25%/năm. Nếu doanh thu phòng vé cả nước năm 2008 là 100 tỷ đồng thì đến năm 2015 đã chạm mốc 2.800 tỷ đồng. Tính đến đầu tháng 12-2017, cả nước có 630 phòng chiếu phim, trong đó 65% số phòng chiếu thuộc về doanh nghiệp nước ngoài. Do vậy, lo ngại điện ảnh Việt Nam “thua trắng trên sân nhà”, “người Việt sẽ không còn xem phim Việt”… không phải là không có cơ sở.
Cần có giải pháp cân bằng giữa kinh tế và văn hóa
Cục trưởng Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Ngô Phương Lan cho biết, trong các nội dung kiến nghị của Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, đáng chú ý là việc CGV liên tục khuyến mãi, đơn phương giảm sâu giá vé xem phim, nhờ có ưu thế về tài chính, lại nắm thị phần nhập khẩu phim lớn và hệ thống rạp chiếu tại thị trường Việt Nam. Việc làm này tuy không phạm luật, nhưng buộc các cụm rạp khác cũng phải hạ giá vé và chật vật để duy trì, gây tâm lý bất an về một cuộc cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp có thị phần lớn của nước ngoài với các doanh nghiệp có thị phần nhỏ hơn của Việt Nam.
Phía CGV Việt Nam cũng chính thức có văn bản gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, giải trình CGV không vi phạm những nội dung mà Hiệp hội đã thông tin cho báo chí, dư luận. Trong khi sự việc chưa ngã ngũ, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã đề cập đến việc phim chiếu rạp tại Việt Nam đang có dấu hiệu bị các doanh nghiệp nước ngoài chèn ép, thâu tóm; và đề xuất nếu luật còn tồn tại “kẽ hở”, thì cần sớm nghiên cứu, tham mưu sửa đổi kịp thời để bảo đảm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Không thể phủ nhận sự thay đổi từ khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào thị trường chiếu phim ở Việt Nam, nhưng văn hóa nghệ thuật được xem là lĩnh vực kinh doanh đặc thù, liên quan đến nhận thức, thẩm mỹ, cảm xúc của con người cho nên nhà đầu tư không thể tùy tiện. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải hoạt động theo tinh thần thượng tôn pháp luật; việc phát hành phim, chiếu phim cần tuân thủ chặt chẽ quy định tại Luật Đầu tư, Luật Điện ảnh, Luật Cạnh tranh và các quy định khác của Nhà nước, đồng thời phải phù hợp các công ước quốc tế.
Trước thực tế là thị phần của các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim ngoài nước ngày càng mở rộng; các doanh nghiệp trong nước bị thu hẹp, hạn chế; với chức năng của mình, các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp cân bằng giữa lợi ích kinh tế và văn hóa, tránh tình trạng để các doanh nghiệp nước ngoài lấn át các doanh nghiệp trong nước, đưa văn hóa ngoại nhập chiếm lĩnh thị trường.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã chủ trì cuộc họp về công tác phát hành và phổ biến phim, chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ thực trạng, các yếu tố tác động để xây dựng các giải pháp tháo gỡ, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim ở trong và ngoài nước. Cục Điện ảnh nói riêng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung đã triển khai một số biện pháp xử lý, bao gồm các cuộc họp với doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim Việt Nam; cũng như làm việc với CGV nhằm chấn chỉnh hoạt động, yêu cầu chấp hành pháp luật, không được lấn át và chèn ép các doanh nghiệp Việt Nam trong việc phát hành, phổ biến phim.
Cũng tại các tọa đàm, hội thảo về phát triển điện ảnh, nhiều ý kiến đã thẳng thắn chỉ ra điện ảnh Việt Nam còn lúng túng trong cả mục tiêu và phương pháp phát triển. Thống kê năm 2017, có khoảng 50 phim Việt Nam được sản xuất và ra rạp đều đặn, đây là con số “đáng mơ ước” nếu so với trước đây vài năm, khi chỉ vào dịp lễ, Tết thì phim Việt Nam mới bùng nổ. Tuy nhiên, vấn đề chất lượng mới thật sự đáng bàn, bởi ngoại trừ những phim được đầu tư lớn, có kịch bản tốt (trong đó nhiều kịch bản làm lại của nước ngoài)… thì những phim còn lại vẫn nhạt nhòa, ít được khán giả quan tâm hay nhớ đến. Trong khi chưa tìm được tiếng nói chung giữa các nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước, các đơn vị sản xuất và phát hành phim Việt Nam cần chủ động và nỗ lực hơn nữa để tìm hướng đi cụ thể, sản xuất những bộ phim có chất lượng, mang bản sắc văn hóa, tình cảm con người Việt Nam.