Giữ gìn nét đẹp truyền thống của ngày “Tết thầy” trong dịp Tết

15:33, 18/02/2018

“Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy.” Câu thành ngữ phản ánh phong tục đẹp của dân tộc trong ngày tết cổ truyền: hướng về cội nguồn, “tôn sư trọng đạo” với tấm lòng thành kính.

Nét đẹp của người Việt

 

Với người Việt, Tết là khoảng thời gian để cả gia đình trở về quây quần, sum vầy bên nhau, cùng nhau gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa, mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Do đó, “mùng 1 Tết cha” có nghĩa là sáng ngày mồng 1 Tết, vợ chồng con cái, anh em ruột thịt sẽ tập trung bên nội để cúng bái gia tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính.

Sang đến ngày mùng 2 Tết, vợ chồng con cái sẽ “khởi hành” sang thăm hỏi và chúc Tết bên nhà ngoại với các nghi thức cũng trang trọng và thành kính như bên nhà nội.

Sang mùng 3, người Việt thường dành riêng để đi Tết thầy giáo. Ngày xưa, tuy chế độ thi cử rất nghiêm ngặt với ba kỳ thi hương, thi hội, thi đình, song lại rất ít giáo chức, rất ít trường công, hầu hết là các lớp tư. Có thể thầy mở lớp dạy học tại nhà, cũng có thể một gia đình khá giả mời thầy tới nhà, nuôi thầy dạy con ăn học, xóm làng xung quanh gửi con đến thụ giáo, không phải nộp học phí, chỉ ngày lễ tết, cha mẹ học trò mới tới cám ơn thầy, lễ tết tùy tâm, tùy cảnh. Giàu có thì thúng gạo nếp, con gà, bộ quần áo..., nghèo thì cơi trầu, be rượu cũng là quý. Vật chất tuy không nhiều nhưng sự trọng thị, tri ân thì thật là cung kính.
Thầy ở đây cũng không bó hẹp trong phạm vi thầy giáo dạy chữ mà cả những người thầy dạy nghề như nghề mộc, nghề may, nghề bốc thuốc..., thầy dạy các bộ môn nghệ thuật như đàn, hát, vẽ, múa... Vào ngày này, các trò dù ở độ tuổi nào, địa vị ra sao, đều cố gắng tụ tập ở nhà trưởng tràng, cùng các bạn đồng môn tới thăm hỏi và chúc Tết thầy cô cùng gia đình. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ, vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và chúc nhau gặp nhiều điều may trong những ngày Tết đến, Xuân về.

Lễ vật mang theo để dâng kính thầy cô khi xưa không nặng về vật chất. Không phân biệt chức vụ, vị trí xã hội, lũ học trò cứ tự phục vụ bánh kẹo, rồi ngồi quây quần tâm sự, nghe thầy cô hỏi chuyện và thông báo cho thầy cô về công việc, gia đình năm qua cũng như những dự định sắp tới… Mùng 3 Tết thầy trôi qua trong bầu không khí đầm ấm tình thầy trò như vậy và nó đã trở thành nét đẹp truyền thống không thay đổi trong tâm thức của những học trò năm xưa...

Cần được lưu giữ và phát huy

Kể từ khi Nhà nước lấy ngày 20/11 hằng năm là ngày Hiến chương các nhà giáo, ngày mùng 3 Tết thầy dường như đã chuyển dần sang ngày này.

Và theo quan điểm của nhiều người, “Tết thầy” ngày nay đã có nhiều thay đổi, có vẻ như nó đã bị thương mại hóa. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cá biệt. Bởi đa số học trò đến “Tết thầy” vẫn với cả tấm lòng, ý nghĩ tốt đẹp, trân trọng và biết ơn.

Với tinh thần “tôn sư trọng đạo,” người Việt luôn quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy) và người Việt cũng thường nhắc nhau “Không thầy đố mày làm nên” để nói về công lao dạy dỗ của các thầy, cô giáo trong cuộc đời mỗi con người.

Nhưng ở thời hiện đại “Tết thầy” cũng trở nên “đặc biệt.” “Đặc biệt” là thay vì trực tiếp đến chúc Tết thầy cô giáo, học sinh gửi lời chúc thầy cô qua điện thoại hay qua Facebook.

Nhưng dù chúc qua facebook, tin nhắn điện thoại hay đến trực tiếp thì vẫn đáng trân trọng vì đó là tình cảm chân thành của các em học sinh. Học trò thời nay rất thoải mái, tự nhiên, gần gũi khi thể hiện tình cảm với thầy cô trong suốt năm học.

Trên facebook, các bạn viết yêu cô, nhớ cô hay dùng “icon” dễ thương như “bắn tim,” “thả tim,” biểu tượng yêu mến là bình thường. Qua Facebook, thầy cô trở thành người bạn lớn, kiêm nhà tư vấn tâm lý chuyện 'tình yêu tuổi ô mai.' Hơn nữa, thầy cô giáo sẽ hiểu thêm về tính cách, cuộc sống gia đình, bạn bè của học trò.

Các thầy, cô giáo dù xưa hay nay vẫn vậy, với những người thầy chân chính, món quà không tỷ lệ thuận với tấm lòng của học trò đối với thầy, dù theo thời gian hình thức Tết thầy xưa và nay đã ít nhiều thay đổi. Nếu ngày xưa trò đến thăm thầy với gói trà, lạng mứt... thì ngày nay món quà Tết thầy đã phong phú và đa dạng hơn, song bản chất tốt đẹp của việc Tết thầy vẫn không thay đổi vì luôn thể hiện tấm lòng, tình cảm và sự biết ơn của trò đối với thầy, cô giáo.

Dẫu “Tết thầy” thời nay có nhiều thay đổi, nhưng trong tâm thức mỗi người Việt, nhớ về người thầy trong những ngày vui Tết là truyền thống không bao giờ mất. Theo giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Minh Thuyết (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội): Để tồn tại đến ngày nay, thì nó phải có cái nguyên cớ, và cái nguyên cớ ấy chính là sức mạnh nội sinh của dân tộc, đó là sức mạnh của văn hóa dân tộc, tôi rất mong các bạn trẻ sẽ giữ mãi những truyền thống đẹp của dân tộc, nhiều cái có thể phai nhạt đi, mất đi nhưng những truyền thống quý báu nhất của dân tộc thì không bao giờ cho phép được mất đi./.