Trong buổi đầu của xã hội nguyên thủy, chó rừng đã được thuần hóa để phục vụ mục đích cá nhân. Với ý nghĩa về sự gắn bó đó với con người nên việc tham gia vào quá trình kiến tạo hệ thống biểu tượng văn hóa của xã hội loài người như một lẽ dĩ nhiên. Chó được con người trên khắp thế giới hình dung với nhiều ý nghĩa biểu tượng khác nhau nhưng nổi bật đó là thể lưỡng phân: thiện – ác, âm – dương.
Loài chó mang ý nghĩa biểu tượng về tính thiện, sự mạnh mẽ - dương tính
Trong Hồi giáo, họ thừa nhận 52 đức tính của loài chó, trong đó phân chia tính thiện – ác. Về tính thiện, họ ca ngợi loài chó với các đức tính như sự thức tỉnh, trung thành và kiên nhẫn…
Loài chó được xã hội phương Tây hình dung như người anh hùng khai hóa, thủy tổ của loài người. Chúng là loài đã mang lửa trời xuống cho con người. Một số cộng đồng khác còn hình dung loài chó như một biểu tượng đầy tính dục. Điều này được lý giải có thể xuất phát từ sự ham muốn nhục dục của con người, mà tính tham lam của loài chó trong lĩnh vực này có thể tương đương với tính háu đói của chó.
Trong xã hội phương Đông, với đại diện là Trung Quốc, biểu tượng về con chó khá đa dạng. Chó được xếp vào trong 12 con giáp – trong vòng tuần hoàn lịch âm của Trung Quốc. Trung Quốc cũng có câu thành ngữ nói về lòng trung thành của loài chó như sau: “Cẩu bất hiền gia bần” nghĩa là chó không chê chủ nghèo. Với ý nghĩa biểu tượng ấy, loài chó còn được coi là người bạn trung thành của người tu đạo trong xã hội Trung Quốc.
Tượng chó đá thời kỳ Hậu Hán.
Thời kì phong kiến, trong hệ thống văn hóa phong kiến xuất hiện một tạo hình văn hóa – Thiên Khuyển (chó trời). Hình ảnh con chó trời ra đời dựa vào những truyền thuyết cổ xưa, người Trung Quốc hình dung cái hỗn mang dưới hình thức một con chó khổng lồ lông dài, có mắt nhưng không thấy gì, có tai nhưng không nghe thấy gì, nó không có lục phủ ngũ tạng nhưng nó vẫn sống. Con chó này biểu trưng cho tính thiện, kẻ thù của nó là con cú mèo – biểu trưng cho sự ma quái và chiến tranh. Để không cho cú mèo ảnh hưởng đến mình, họ nhéo tai con chó để chúng cất tiếng sủa, xua đi những điều ma quái.
Một trong những hình dung về Thiên Khuyển trong văn hóa Trung Quốc.
Một biểu tượng khác, điển hình của văn hóa Trung Quốc biến thể của loài chó là những con chó rơm. Đó được coi là những “thánh vật” để lọc những bùa yểm. Điều này đã được nêu và thừa nhận trong các sách Đạo giáo.
Tại đất nước Mặt Trời Mọc – Nhật Bản, loài chó nhận được rất nhiều cảm tình của con người. Ở đây, loài chó mang ý nghĩa biểu tượng như một vị thần thiện – bảo trợ cho trẻ em và sản phụ.
Loài chó – biểu trưng cho sự ác độc, âm tính
Mặt khác trong sự thừa nhận của đạo Hồi là minh chứng rõ nhất cho âm tính và dạ tính của loài chó. Họ biến con chó thành những gì xấu xa dơ bẩn nhất. Theo Shabestari, quyến luyến cõi trần thế tức là tự đồng hóa bản thân với con chó ăn xác chết, chó là biểu tượng của tham lam, sự tham ăn. Chó cũng là biểu tượng về sự nhơ bẩn. Các thần Jnu`n thường xuất hiện dưới dạng những con chó đen, tiếng chó sủa cạnh nhà là điềm báo trước cái chết. (Thần Jnu`n hay còn gọi là Jinn trong văn hóa Islam – một tạo vật của Ahlla.)
Hình ảnh về loài chó được cách điệu trong xã hội Ai Cập cổ đại.
Theo thánh Mohammad, bình nào mà bị chó uống vào phải rửa 7 lần. Một huyền thoại khác, ông cũng cấm giết chó, vì ông tin rằng giết chó – một loài vật ô uế cũng làm cho con người tự vấy bẩn, ô uế bản thân mình, người ta nói, giết một con chó như giết 7 người, giống như tin rằng cho chó thêm 7 kiếp sống làm vấy bẩn con người (kinh coran 18- dẫn theo từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, trang 185).
Trong văn hóa của một bộ phận người sống ở khu vực Trung Á, loài chó trở thành đại diện của con người phản bội. Một số truyền thuyết kể lại rằng, loài chó được Thượng đế tin cẩn giao cho việc canh giữ con người, ngăn cho quỷ dữ không chạm được tới, nhưng chúng đã bị kẻ thù mua chuộc. Cái giá cho sự phản bội là con chó từ một kẻ lõa thể phải khoác lên mình tấm lông – được tạo ra từ nước bọt của quỷ. Họ còn tin rằng, ngoài sự trừng phạt ấy, loài chó bắt buộc phải chịu trách nhiệm với những gì xấu xa trong xã hội loài người, chúng phải sống mãi mãi trong hình dạng như vậy, và chịu lời nguyền từ Đấng tối cao:
“Ngươi sẽ mãi mãi khổ sở vì đói, ngươi sẽ phải gặm xương, ăn những thức ăn thừa của loài người, và họ sẽ đánh đập ngươi không chút thương xót” (dẫn theo – Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, trang 186).
Đỉnh điểm của đồ thị phát triển của loài chó trong quan niệm này là con chó bị chó sói xé xác – theo tư tưởng của những nhà giả kim học, hay những nhà hiền triết trong xã hội phương Tây thì đó là sự “Tẩy rửa vàng” – lớp da của quỷ dữ bị lột bỏ, con chó được trở về với tính thiện ban đầu.
Nhìn chung, với sự gần gũi của loài chó từ thuở sơ khai đã tạo điều kiện cho con người phát huy tính sáng tạo trong sự tạo lập ý nghĩa biểu tượng của loài vật này. Sự sáng tạo này khá phong phú càng chứng minh sự đa dạng văn hóa trên khắp thế giới đồng thời là minh chứng rõ ràng cho tâm thức” vạn vật hữu linh” và tục thờ con vật, cây cối không chỉ xuất hiện ở các nước phương Đông./.