Lão nông mê hát Sấng cọ

08:21, 07/03/2018

“Biết rằng xuân bất tái lai, trai tài tìm vợ gái ngoan tìm chồng/ Sấng cọ là mỗi tơ hồng/ Trao duyên gắn kết mặn nồng uyên ương/ - Say sưa ngân nga những câu hát truyền thống, ông Lâm Công Bình, xã Phú Xuyên (Đại Từ) chậm rãi bảo: Sấng cọ của người Sán Chay gắn bó với tôi như hơi thở vậy. Gắn bó với Sấng cọ là thế, nên nhiều năm qua, ông Bình đã bỏ nhiều công sức để lưu giữ và đưa lời ca đến với những người dân của mảnh đất Đại Từ....

Ông Bình lớn lên cùng những lời Sấng cọ của bà, của mẹ. Theo những làn điệu êm đềm, lúc trầm lúc bổng, tình yêu với Sấng cọ cũng lớn dần trong ông. Ông Bình nhớ lại: Sấng cọ chủ yếu hát đối đáp nam nữ theo lối giao duyên nên phải đến khi 17 tuổi tôi mới được một người cậu đồng ý dạy cho. Cái thứ Sấng cọ này hễ đã hát là say lắm! Hai cậu cháu ngồi từ khi mặt trời đứng bóng ban trưa đến khi ánh nắng tắt hẳn. Tối ăn cơm xong tôi lại lấy vài mẩu giấy nhỏ ra ghi chép lời bài hát. Thời đó giấy là thứ xa xỉ lắm nên chỉ tận dụng được chút nào thì dùng thôi, những mẩu giấy nhỏ được tôi kẹp cẩn thận và coi như báu vật vậy.

Đến năm 20 tuổi, ông Bình đi bộ đội. 9 năm sau, ông trở về quê nhà ổn định cuộc sống gia đình và phát triển kinh tế. Vừa bước ra khỏi quân ngũ, gánh nặng cơm áo gạo tiền cứ thế vây lấy ông và cả gia đình, theo đó giai điệu trầm bổng của Sấng cọ phải tạm gác sang một bên. Tuy vậy, tình yêu với những làn điệu truyền thống chưa giây phút nào tắt trong ông.

Mãi đến sau này, khi đã ngoài tuổi lục tuần, ông Bình mới có thời gian tìm lại những lời hát mà cả cuộc đời ông nhớ thương da diết. Tuy vậy, lúc này, trải qua những thăng trầm của thời gian với nhiều loại hình giải trí đa dạng, Sấng cọ đã dần bị mai một khá nhiều. Ông Bình đem trăn trở này chia sẻ với những người bạn cùng dân tộc Sán Chay có chung niềm say mê với Sấng cọ và quyết định sẽ cùng nhau giữ gìn và bảo vệ điệu hát này. Năm 2014, ông Bình đã cùng với một số người bạn ở xã Phú Thịnh có  thành lập nên CLB hát Sấng cọ xã Phú Thịnh. Ông bảo: Dù không cũng xã nhưng tôi vẫn xin gia nhập vì “nặng tình” với Sấng cọ quá!

Nặng tình như vậy nên ông Bình đã cùng với một số thành viên nòng cốt trong CLB lặn lội khắp xã, vừa tập hợp thành viên, vừa đi tìm, sưu tầm lại các tập sách có ghi chép những bài hát Sấng cọ lời cổ. Nếu nghe được thông tin ở đâu còn lưu giữ những tập sách ghi chép các bài hát Sấng cọ, ông Bình cùng với những thành viên CLB lại bắt đầu lên đường tìm sách những mong sưu tầm đủ bộ sách quý của Lưu Tam. Ông Bình tiết lộ: Dân gian lưu truyền là có 12 tập sách, nhưng đến nay, chúng tôi mới tìm được 6 tập, do các ông Hầu Văn Vượng, Lý Văn Thọ, Hầu Ngọc Thiết… ghi chép từ những năm 30 của thế kỷ XX. Tôi không đếm nổi chúng tôi đã đi tìm sách biết bao nhiêu lần. Nhiều lần về tay không tuy cảm thấy chán nản nhưng chỉ cần nghe được thông tin nơi nào có là chúng tôi lại tiếp tục lên đường tìm sách quý.

Bên cạnh sưu tầm sách, lời hát cổ, để phát triển và truyền bá Sấng cọ, đều đặn hàng tuần, CLB hát Sấng cọ xã Phú Thịnh lại tổ chức sinh hoạt CLB tại nhà văn hóa xóm Đồng Chằm, xã Phú Thịnh để cùng nhau tập hát và trao đổi kinh nghiệm. Những thành viên tham gia CLB đều tham gia rất nhiệt tình mọi hoạt động trong CLB. Không phân biệt nam nữ, già trẻ, có tinh thần văn hóa dân tộc và tự nguyện tham gia xây dựng CLB. Dù công việc bận rộn nhưng hàng tháng, các thành viên đều cố gắng dành thời gian vào buổi sáng ngày mùng 5, 15, 25 tổ chức sinh hoạt CLB. Từ 22 thành viên khi bắt đầu hoạt động, đến nay CLB đã có 30 hội viên. Chủ yếu là độ tuổi ngoài 50, hội viên cao tuổi nhất năm nay đã ngoài 80. Họ có thể là những người nông dân chân lấm tay bùn, hay là những cán bộ, giáo viên… nhưng bỏ xuống cây cuốc, viên phấn... họ lại trở thành nghệ sĩ, người “giữ lửa” cho làn điệu truyền thống. Mỗi ngày hội hè, lễ tết, họ lại ngân lên nhưng câu Sấng cọ thiết tha thể hiện tâm tư, tình cảm và nhắn nhủ, khuyên răn con cháu nhớ đến công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của ông bà, cha mẹ. Sự có mặt của CLB luôn nhận được sự cổ vũ của đông đảo nhân dân địa phương. Ông Lâm Văn Tùng, một thành viên CLB vui vẻ khoe: Ngoài những lần điệu truyền thống thì chúng tôi cũng “bắt kịp” thời đại lắm. Trên nền giai điệu cũ, chúng tôi đã sáng tác thêm những lời hát về phòng chống tệ nạn xã hội, nông thôn mới, tai nạn giao thông…

Là thành viên cốt cán của CLB, ông Bình luôn trăn trở suy nghĩ phải làm thế nào để thay đổi nội dung sinh hoạt cho phong phú, sinh động, để thu hút nhiều bà con tham gia và để dân trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần cho người dân trong địa bàn xã Phú Thịnh. Ông Bình thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ với các xóm, xã khác. Bên cạnh đó, ông còn tăng cường giới thiệu với lớp trẻ để thế hệ trẻ tiếp thu và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Ông Bình chia sẻ: Hiện nay, lớp trẻ như thế hệ con cháu chúng tôi rất ít người nói được tiếng San Chay, vì thế mà hát Sấng cọ có nguy cơ bị mai một. Giờ đây, không chỉ hát, chúng tôi còn sưu tầm, ghi chép lại những câu hát Sấng cọ để lưu giữ lại cho thế hệ con, cháu.  

Để các câu lạc bộ hoạt động đều đặn, thường xuyên, UBND xã Phú Thịnh đã tạo mọi điều kiện để nét văn hóa truyền thống được đưa vào nếp sống bà con. Theo ông Lâm Văn Vi, cán bộ văn hóa xã Phú Thịnh: Hàng năm, xã đều trợ giúp kinh phí hoạt động cho câu lạc bộ, cùng với đó tạo điều kiện để một số nhà hảo tâm tài trợ chi phí hoạt động của câu lạc bộ. Việc duy trì được câu lạc bộ hát Sấng Sọ sẽ góp phần không nhỏ trong việc gắn kết cộng cồng bà con các dân tộc trên địa bàn xã.