Thế gian có rất nhiều thứ men làm say đắm lòng người, trong đó có thơ. Chất men được chắt gạn từ đáy tim, lặng lẽ đi vào cuộc sống xã hội và lặng lẽ thẩm thấu làm bao người mê thơ phiêu hồn. Để tôn vinh thơ ca, từ năm 2013, tại Văn miếu Quốc Tử Giám (Thủ đô Hà Nội), Ngày Thơ Việt Nam được tổ chức. Rồi Ngày Thơ lan tỏa khắp các tỉnh, thành trên cả nước đều tổ chức Ngày thơ vào Rằm tháng Giêng.
Thái Nguyên tự hào là vùng đất Thủ đô gió ngàn, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị từng ở, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Cũng ở chiến khu Việt Bắc, năm 1948, Người sáng tác bài thơ “Nguyên tiêu”. Sau này bài thơ được các nhà chuyên môn bình chọn, chép lại ở Văn miếu Quốc Tử Giám. Bởi lẽ ấy mà trong suy nghĩ của nhiều người, ngày Thơ ở Thủ đô Hà Nội và Thủ đô gió ngàn luôn gần gụi, thương mến và hết sức long trọng. Bởi thơ là một đúc kết tâm hồn, được mọi người trong xã hội chân trọng. Nhà thơ A.Musset (Pháp) có luận điểm nổi tiếng: “Hãy đập vào trái tim, thiên tài là ở đó!”. Còn nhà thơ Valéry (Pháp) cho thơ là “Ngày hội tưng bừng của trí tuệ”.
Xuân qua, xuân lại, mới đó đã là ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16. Không ít gương mặt thơ quen đã về miền thiên cổ; nhiều tài thơ tóc đã đổi màu sương và cũng có nhiều tài thơ mới xuất hiện trên văn đàn. “Tre già măng mọc”, có ai tránh được quy luật sinh, lão, bệnh, tử, chỉ thơ là trẻ, trẻ đến muôn đời.
Ví cụ Nguyễn Du là bậc thơ tiên, dù nhiều năm ôm mộng về thế giới người hiền, nhưng Thúy Kiều, Thúy Vân vẫn là thiếu nữ: “Khuôn trang đầy đặn nét ngài nở nang”. Còn nhà thơ Raxun Gazatop (Cộng hoà tự trị Đaghextan thuộc Liên bang Nga): “Thơ vừa là chỗ nghỉ ngơi, vừa là việc đầy lao lực/Thơ vừa là chỗ dừng chân, vừa là cuộc hành trình”. Thế mới bảo ở đời có người thanh thản làm thơ, cũng có người làm thơ nặng nhọc đến lao lực. Tất cả cũng bởi si mê, đa tình và tâm huyết để lý giải một góc kín đáo của tâm hồn. Hay như Tiên thơ Tản Đà: “Túi thơ đeo khắp ba kỳ/Lạ chi rừng biển, thiếu gì gió trăng". Mê mẩn đến mức: “Quê hương thời có, cửa nhà thì không/Nửa đời Nam, Bắc, Tây, Đông/Bạn bè sum họp, vợ chồng biệt ly”. Ở đời chắc chỉ có cụ là như thế. Mà tôi nghĩ: Phải như thế các hiền nhân mới có những áng thơ giống chiếc đinh đóng vào cuộc đời.
Mà nhà thơ thì “thời nào cũng có”. Khắp năm châu, bốn biển đều có các thế hệ kế tiếp nhau đi trên con đường thơ ca. Nhưng chắc chắn trên thế giới, duy nhất Việt Nam có Tuyên ngôn độc lập bằng thơ là bài “Nam quốc sơn hà”. Theo truyền thuyết: Bài thơ này do thần linh đọc giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1077. Và vì thơ là “rượu” của thế gian, thứ “rượu” được ủ chín, chưng cất bằng chất men tinh thần, nên trong mọi hoàn cảnh đều xuất hiện người làm thơ, như thơ đả phá quan lại cường hào thời phong kiến, thơ cách mạng, thơ trữ tình…
Vùng đất nửa núi, nửa đồng Thái Nguyên cũng sản sinh ra những nhà thơ. Rất nhiều người biết nói chuyện bằng thơ và làm thơ. Thơ không phân biệt giới tính, đẳng cấp giàu, nghèo, già, trẻ, ai cũng có thể làm thơ, mê thơ, thậm chí là chơi thơ. Có người nhờ làm thơ mà sống tốt, cũng có người vì làm thơ mà khốn đốn.
Một số nhà thơ có tên tuổi ở Thủ đô gió ngàn tự bạch, những bài thơ tâm đắc, để đời không phải ngẫu nhiên nhặt được, bởi suốt nhiều năm mất ăn, mất ngủ, bôn tẩu, trải nghiệm và nghiền ngẫm mới có được vần ý mong đợi. Tuy nhiên, trong đời cũng có nhà thơ “tức cảnh sinh tình”, chốc lát đã làm được bài thơ hào hoa, phong nhã, thậm chí là thơ để đời - họ là thiên tài.
Trước một áng thơ hay, độc giả như đứng trước một bức tranh ngôn ngữ được vẽ bằng không gian ba chiều, nhìn mỗi góc độ lại phát hiện một ly kỳ hấp dẫn, mới lạ bởi “Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau/ Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết, chắc đâu đã thành”. “Gửi bạn làm thơ”, Trịnh Huy Trụ, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.