Niềm vui đến từ trang sách

08:23, 16/03/2018

Là thư viện thân thiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, những năm qua thư viện Trường THPT Bình Yên đã góp phần hình thành văn hóa đọc, tăng cường khả năng đọc hiểu của học sinh tại vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số…

Bận rộn với công việc tiếp đón bạn đọc là các em học sinh, Anh Ma Khánh Lâm, nhân viên thư viện trường THPT Bình Yên, xã Bình Yên (Định Hóa) vui vẻ chia sẻ: Từ khi thư viện được đầu tư khang trang, nhiều đầu sách mới thì văn hóa đọc của học sinh đã được cải thiện đáng kể…Hàng ngày các học sinh thường xuyên đến đọc, mượn sách, truyện tại thư viện trường.

Được biết, trước kia, thư viện trường THPT Bình Yên cũ kỹ, xuống cấp. Thư viện lúc đó chỉ là kho sách tạm bợ, số lượng tài liệu ít và không có cán bộ thư viện đảm nhiệm. Đến năm học 2003, Trường được đầu tư xây dựng phòng đọc sách nằm trong khuôn viên nhà trường. Tuy nhiên, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, số lượng sách thiếu thốn, nên phòng đọc hoạt động không mấy hiệu quả. Mãi tới năm 2010, nhờ chủ trương xã hội hóa, thư viện Trường THPT Bình Yên đã được nâng cấp xây dựng mới khang trang và thuận lợi hơn. Cùng với sự phát triển của nhà trường, đến nay thư viện cũng đã có những bước đột phá đáng kể, góp phần cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu đọc sách của cán bộ giáo viên trong nhà trường. Hiện nay, thư viện Trường THPT Bình Yên có tổng diện tích là 130m2 nằm yên tĩnh trong một góc trong khuôn viên trường. Gồm một phòng đọc cho cán bộ giáo viên và học sinh với diện tích 75m2, 50 chỗ ngồi thoáng mát, yên tĩnh, có đủ ánh sáng và vị trí thuận lợi; diện tích kho sách là 25m2 với 14 giá sách và một tủ trưng bày giới thiệu sách mới. Thư viện hiện tại có 8 máy tính kết nối internet. Một tủ tra cứu sách theo tên sách, tên tác giả…

Để thư viện có thêm nhiều đầu sách, Ban giám hiệu Nhà trường đã khuyến khích các thầy cô giáo tổ chức các đợt quyên góp sách ngoài sách được Sở Giáo dục và Đào tạo cấp và sách do chính nhà trường tự mua. Thầy giáo Chu Anh Hào, bộ môn Toán chia sẻ: Tập thể giáo viên thường xuyên tổ chức các ngày hội quyên góp sách. Mỗi giáo viên đều hăng hái tham gia quyên góp sách vì chúng tôi biết rằng các em học sinh ở đây điểu kiện để đọc và tiếp cận với các loại sách báo mới còn nhiều hạn chế. Hiện nay, số lượng sách trong thư viện gồm gần 15.000 đầu sách các loại như sách giáo khoa, sách hướng dẫn, sổ tay, từ điển, văn học, truyện thiếu nhi… các loại báo, tạp chí như báo Nhân Dân, Thái Nguyên, Lao động, Thiếu nhi Dân tộc, Thiếu niên Tiền phong, Hoa Học Trò…

Tại thư viện, có những góc để cho các em tự mình sáng tác, vẽ và trưng bày… Những ngày lễ như 8-3, 20-11 nhà trường đều tổ chức các cuộc sáng tác thơ văn vẽ, để sưu tầm lại đóng thành quyển lưu lại tuyên truyền tại thư viện Nhà trường. Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, Nhà trường lại tổ chức ngày hội đọc sách, hay thi chuyển thể các tác phẩm thành tranh vẽ…

Trong không gian rộng rãi, các loại sách được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn theo từng loại sách, đầu sách, các học sinh có thể thoải mái lựa chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, sở thích của mình. Chọn cuốn sách mình yêu thích, em Hà Ngọc Linh, lớp 6A3 chia sẻ: Cháu học nội trú tại trường nên ngoài thời gian học trên lớp cháu thường xuyên lên thư viện để đọc sách, hoặc mượn truyện về đọc… thỉnh thoảng chúng cháu được đọc sách báo trên internet. Các thầy cô giáo rất vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ trong việc chọn sách, tìm sách để đọc.

Em Phạm Thị Quỳnh, lớp 6A4, một thành viên thường xuyên có mặt tại thư viện để đọc sách, truyện, chia sẻ: Đọc sách giúp em có thêm nhiều kiến thức mới, bổ ích mà trong sách giáo khoa không có đủ. Thư viện có đa dạng các loại sách nên em có thể thoải mái lựa chọn loại sách mình yêu thích.

Là trường THPT ở miền núi nên ngoài các em học sinh, người dân trên địa bàn cũng trông chờ rất nhiều vào thư viện của nhà trường, thư viện cộng đồng phục vụ nhân dân. Anh Ma Khánh Lâm cho hay: Khu thư viện mở xác định là thư viện cộng đồng, nên chúng tôi thường mở cho người dân trong khu vực vào xem sách. Thời gian mở hàng ngày, từ thứ 2 đến thứ 7, thư viện mở cửa thêm cả ca tối để phục vụ các em nội trú và người dân trên địa bàn.

Để thu hút thêm nhiều bạn đọc, cô Nông Thị Hảo, Hiệu trường Trường THPT Bình Yên, cho biết: “Hàng tháng Nhà trường có giao cho tổ bộ môn Văn, Sử cùng các giáo viên bộ môn khác soạn thảo phần tóm tắt nội dung sách theo chủ đề, loại sách khác nhau nhằm định hướng cho người đọc. Bằng nhiều phương pháp thúc đẩy văn hóa học nên số lượng học sinh tới đọc sách đã tăng lên 20.000 lượt người đọc trong năm 2016-2017. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tổ chức thêm nhiều dịp quyên góp sách, lắp thêm hệ thống điều hòa tại phòng đọc để thu hút thêm nhiều bạn đọc.