Cuối tháng Năm, nhưng lên đến Thiên Thị, đỉnh cao nhất của núi Tam Đảo, chúng tôi như lạc giữa biển mây, với cảm giác khoan khoái bởi hơi lạnh man mác mơn mơn lên da thịt. Từ đây có thể nhìn bao quát được một vùng đất rộng lớn của huyện Đại Từ, thấy giống bức tranh sinh động bởi màu vàng lúa chín, màu xanh đậm của nương ngô đang độ phun dâu, màu tươi non của vườn cây ăn quả. Trong bức tranh khổng lồ ấy còn có từng nương chè vồng căng như ngực sơn nữ, với ríu ran trò chuyện của những nông dân bộc trực làm bức tranh liên tục biến hóa, đẹp mắt.
Nhiều chuyên gia kinh tế khi đến Thái Nguyên, ngồi bàn thảo về phát triển du lịch đã cho rằng: Đây là một “mỏ vàng” lộ thiên của ngành Du lịch. Và từ kết quả thăm dò, khảo sát của các nhà chuyên môn, thì cả một vùng đất thuộc các xã gần chân núi Tam Đảo gồm: Quân Chu, Cát Nê, Ký Phú, Văn Yên, Mỹ Yên, Hoàng Nông, La Bằng, Phú Xuyên, Yên Lãng có thể xây dựng thành một quần thể du lịch, như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, homstay, giải trí và du lịch tâm linh. Còn ông Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tâm huyết: Tôi sẵn sàng đến cầu Đa Phúc (đoạn tiếp giáp giữa tỉnh Thái Nguyên và Thủ đô Hà Nội) để đón nhà đầu tư. Và tôi trực tiếp làm hướng dẫn viên, thuyết trình viên với nhà đầu tư. Tôi sẽ nói với nhà đầu tư về tiềm năng phát triển ngành Du lịch của tỉnh, về cải cách thủ tục hành chính của tỉnh và các chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư.
Lời ông Trịnh Việt Hùng có thể coi như một mình chứng thể hiện quyết tâm của tỉnh trong thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 16/01/2017 về Phát triển Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Và Kế hoạch số 188/KH-UBND của UBND tỉnh ban hành ngày 29-12-2017 về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”… Vâng! Làm du lịch, đồng nghĩa là làm kinh tế. Tôi chắc chắn không có doanh nghiệp nào khi bỏ vốn đầu tư làm du lịch, lại không nhìn được những tiềm năng có thể mang lại lợi ích cho mình. Tiềm năng có thể ví là việc xây dựng sân quần ngựa ở khu vực Núi Văn, Núi Võ ở hai xã Ký Phú, Văn Yên. Rồi ngay ở chân đỉnh Thiên Thị, dòng suối Chì mát lạnh, bốn mùa hào phóng chảy ra từ gầm núi, rất thuận lợi cho việc nuôi cá Tầm, cá Hồi giống như ở huyện Sa Pa, tỉnh Lao Cai.
Cũng ở xã Ký Phú còn có hồ Gò Miếu, một địa chỉ được du khách trên cả nước tìm đến để bơi, tắm, dong thuyền hóng gió và nghe thì thầm câu chuyện huyền thoại rằng: Từ xửa xưa, vùng đất này có vị thần linh thiêng, “ngài” thường cho dân trong vùng mượn nồi luộc bánh chưng ngày tết. Luộc bánh xong, người dân lại mang trả nồi cho “ngài”. Lễ trả nồi cho thần linh là một chiếc bánh chưng. Câu chuyện mộc mạc này được lưu truyền trong nhân dân từ lâu, và trở thành câu chuyện để người bên hồ đãi đằng khách đến vãn cảnh.
Cứ mặc nhiên thưởng thức không khí trong lành. Cứ tha hồ tưởng tượng, khám phá, mẹ tự nhiên hết sức tài tình, từ 230 triệu năm trước, với những đợt phun trào núi lửa, dung nham chồng lên dung nham, đợt đợt chất chồng dựng thành núi Tam Đảo. Rồi lặng lẽ chắt gạn nên bao dòng nước nuôi sống những cánh đồng nó đi qua. Suối cửa Tử là một trong hàng trăm dòng nước miệt mài chảy ra từ lòng núi Tam Đảo, chảy miên man qua các khu đồng thuộc xã Hoàng Nông. Bốn mùa, dòng nước chảy miên man, và trên dọc dài của suối có những bãi đá ngầm, đá lớn, nhỏ chồng lên nhau như xếp, đá tròn như người gọt, tạo cảnh trước mắt người. Mỗi năm, dòng Cửa Tử có hàng vạn lượt người, có cả khách nước ngoài đến đây vãn cảnh thiên nhiên. Nhiều du khách cắm trại ngủ qua đêm để nghe tiếng nước chảy, nghe tiếng gió rừng thì thầm về câu chuyện tình thủy chung của lứa đôi. Ông Triệu Văn Tuấn, một người dân bản địa trong lúc đưa tôi đi khám phá dòng Cửa Tử kể: Dòng nước này linh nghiệm lắm, nhiều đôi trai gái về đây, chân đứng dưới dòng nước, ngước mắt nhìn đỉnh Thiên Thị, nắm lấy tay nhau thề hẹn thì suốt đời thủy chung, viên mãn.
Từng nhóm người vẫn ríu ran gọi nhau đi ngược theo dòng suối. Tôi cũng hăm hở bước, song không hiểu sao khi đó lại nhớ đến câu thơ buồn viết về vùng đất xã Cát Nê: “Phong cảnh Cát Nê thật là nghèo/ Ba gian đình nát cỏ leo pheo”. Đình đổ từ lâu, vết tích không còn, cảnh vật, con người đều thay đổi. Vùng đất Cát Nê đang mở ra nhiều triển vọng mới. Bởi trong phát triển du lịch, Cát Nê có một đoạn ranh giới qua dãy Tam Đảo với xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Xã Đại Đình là Khu danh thắng Chùa Tây Thiên tọa lạc. Từ nhiều năm gần đây, các cơ quan chức năng Nhà nước đang nghiên cứu mở hầm đường bộ xuyên qua núi Tam Đảo. Đây là một phần của Dự án đường vành đai 5 Hà Nội. Nếu công trình được xây dựng hoàn thành, khoảng cách về giao thông giữa hai tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc sẽ được rút ngắn, giống như đường hầm Đèo Hải Vân (Huế - Đà Nẵng).
Thị trấn Quân Chu, điểm cuối của hành trình này của chúng tôi. Vẫn dưới trời đầy nắng lửa, vậy nhưng lúc khỏa đôi chân vào dòng nước chảy ngang qua thị trấn, một cảm giác mát lành, trong trẻo của nước núi Tam Đảo lan dọc từ xương ống chân tới đỉnh đầu. Khoan khoái, dễ chịu, mệt nhọc tan biến, nhưng tôi giật mình khi nghe thấy cô gái người Dao xóm Hòa Bình nảy thơ: “Suối Quân Chu vừa trong, vừa mát/ Đường Quân Chu lắm cát dễ đi/ Anh về thành phố làm chi…”. Tôi buột miệng nói vui: Nước mát, người đẹp thế này, về làm sao được… Lại chợt nghe tiếng mõ rơi, đều đặn thả vào khoảng trời mênh mông dưới chân núi Tam Đảo. Tĩnh tâm, lắng nghe, tôi nhận ra tiếng mõ ấy vọng ra từ di tích lịch sử chùa Thiên Tây Trúc. Ngôi chùa gắn bó mật thiết với quần thể Thiền viện Tây Thiên, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ nhiều năm gần đây, Chùa được tu bổ, tôn tạo, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời là điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, lịch sử kết nối giữa hai tỉnh Thái Nguyên - Vĩnh Phúc.
Tôi đứng lặng người để nghe tiếng mõ thả về miền thanh tịnh, lại nhưthấy vọng đến tương lai một lời mời gọi ngọt ngào. Tôi tự nhủ: Mong ở tương lai, những dự định làm hầm xuyên qua núi Tam Đảo; dự án cáp treo từ Khu du lịch Hồ Núi Cốc lên núi Tam Đảo được thực thi, chắc chắn đây sẽ là một điểm đến hấp dẫn không của riêng Thái Nguyên, mà của du khách trong cả nước và quốc tế.