Bảo tồn hát then, đàn tính gắn với phát triển du lịch

10:33, 28/09/2018

Hát then, đàn tính - nét đẹp văn hoá, đồng thời là hồn cốt trong cuộc sống tinh thần của đồng bào người Tày vùng Bắc, trong đó có tỉnh Thái Nguyên. Cũng bởi hát then, đàn tính mang nét nghệ thuật độc đáo, khác biệt và có sức truyền cảm lạ lẫm, nên được lưu truyền, bảo tồn rộng rãi trong dân gian, và hiện trở thành một sản phẩm độc đáo phục vụ ngành du lịch phát triển.

Ông Hoàng Văn Quý, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Ngành Du lịch có thể khai thác lợi ích từ sản phẩm nghệ thuật hát then, đàn tính. Và thông qua hoạt động của ngành Du lịch, các nghệ nhân có cơ hội tốt nhất giới thiệu rộng rãi đến du khách về nét đẹp văn hoá của dân tộc mình. Còn bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản tâm đắc: Hát then, đàn tính là một di sản văn hoá phi vật thể từng tồn tại lâu đời trong cộng đồng người dân tộc Tày. Ở Thái Nguyên, vùng đất được ví là quê hương của lời then, tiếng tính là huyện Định Hoá.

Xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc, một mường then được tỉnh đầu tư xây dựng thành khu du lịch sinh thái từ gần 10 năm nay. Hàng tỉ đồng được đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ cho ngành du lịch phát triển, nhưng với du khách thì lời then, tiếng tính mới là lực hút cho các tuor du khách tìm đến. Bà Ma Thị Lan, Đội trưởng đội hát then, đàn tính của Bản Quyên, tự hào: Nhiều du khách trong nước, quốc tế về đây đã say giai điệu then, tính đến mê mẩn. Có du khách ngồi cả đêm bên bếp lửa sàn để nghe chúng tôi đàn, hát. Và chúng tôi đã phục vụ hết mình nhưng không phải vì tiền, mà vì được đàn, hát, được giới thiệu nét đẹp văn hoá độc đáo của dân tộc mình đến với bạn bè muôn phương.

Bà Lan với tay lên hiên nhà lấy cây đàn tính, và lời then mượt như thảm cỏ ngân vang trên nền tính tẩu: “Ngọt ngào như tiếng suối ngàn reo/ Ấm áp như muôn ngọn lửa hồng”… Âm điệu rộn ràng, vui tươi như dụ dẫn du khách về miền tiên cảnh, có suối hát, rừng reo, lòng nhẹ tênh chuyện áo cơm đời thường. Chợt bà Lan dừng tay trên phím đàn làm câu hát ngưng lại. Bà bảo: Đây là ca từ bài “Lời cây đàn tính” của Quang Vũ. Một bài tủ của những người đam mê hát then, đàn tính trên quê hương cách mạng Việt Bắc.

Là cái nôi đàn tính, hát then của tỉnh, nên vùng đất huyện Định Hoá có nhiều người biết hát then, đàn tính từ thuở nhỏ. Nghệ nhân Ưu tú Lưu Xuân Lai, xóm Đồng Uẩn (Phúc Chu) là một bằng chứng. Ông tâm sự: Lời then, tiếng tính ngấm vào huyết quản tôi từ tấm bé. 10 tuổi tôi đã hát được dăm bài then cổ; 18 tuổi đi hát giao duyên. Tôi đã hát then phục vụ nhân dân, du khách ở nhiều tỉnh miền Bắc. Vì mê then, nên tôi đi sưu tầm, chép lại được khá nhiều điệu then cổ rồi truyền dạy lại cho các cháu trong vùng. Còn ông Nông Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Định Hoá, cho biết: Tôi sinh ra ở xóm Khau Diều (Định Biên). Từ lúc 6 tuổi đã tập hát then. 12 tuổi tôi hiểu được quy luật của các làn điệu then, như: Phong slư, Lượn Nàng ới, Lượn cọi, Sli, Đối lượn và hát Đình. Năm 2017, tôi xuất bản cuốn sách song ngữ Tày - Kinh với tựa đề: “Hát lời sli, lượn”, gồm 100 bài. Nhiều bài được đồng bào đón nhận, tập luyện như các bài: “Ước hẹn vằn chiêng”, “Nhạc mại đin lầu”, “Bác mà Định Hoá chiến khu”…

Không chỉ biết hát then, chơi đàn tính, ông Ma Đình Sung, xóm Đá Bay (Bình Yên) còn biết làm cây đàn tính có âm sắc tinh tế. Nhiều người thạo âm luật về nhạc cụ dân tộc đánh giá: Cây đàn tính do tay ông Sung làm thể hiện được trường độ, âm vực có thể đạt tới 3 quãng tám, tức là loại đàn tốt nhất của đồng bào. Ông Sung kể: Năm 12 tuổi, bố tôi bảo, làm đàn tính là một thứ nghề đặc biệt còn quan trọng hơn cả tiền bạc. Vì công việc của người thợ là gìn giữ, lưu truyền, bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa truyền thống của dân tộc mình. Tôi bắt đầu được bố cho cầm cưa, bào, chàng, đục, tập làm các loại đàn “cẩu căm” và “chất căm”, tức cần đàn dài đủ 9 hoặc 7 nắm tay…

Ông Sung say sưa kể cho chúng tôi nghe chuyện về nghề làm đàn tính của mình. Đàn làm ra chủ yếu cho tặng người biết hát then, chơi đàn tính. Cuối năm 2007, ông bán cây đàn tính đầu tiên cho du khách với giá 80.000 đồng. Và hiện ông làm 2 loại đàn tính: Loại dùng để phục vụ nghi lễ then và nghệ nhân hát then; loại nữa là đàn bán cho khách du lịch với giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng/cây đàn. Du khách mua về treo làm cảnh trên tường nhà.

 Nói về hát then, truyền dạy hát then - sẽ thật có lỗi nếu không nhắc đến nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Bích Hồng, tổ 23, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Khi bà ôm cây đàn tính vào lòng thì lời rừng, lời núi đổ về, tiếng tính, lời then quyện nhuyễn tha thiết, tươi vui rộn ràng, chan chứa một sức hấp dẫn lạ kỳ, líu kéo, chào mời làm bậc chính nhân quân tử dùng dằng chắng muốn bước. Từ gần 20 năm nay, bà không ngơi nghỉ công việc truyền dạy kỹ năng hát then, chơi đàn tính cho người mê then. Hàng trăm người trong, ngoài tỉnh Thái Nguyên là học trò của bà.

Bà cho biết: Then có nhiều đường, như: Păng khoăn, Thống đằm, cấp sắc, Cầu hoa. Trong then lại được chia ra làm nhiều dạng, mỗi dạng lại có nhiều điệu hát khác nhau, như trong cúng tế có điệu: Khẩu tu (vào cửa trời), pây mạ (đi ngựa), đông mèng đông quảng (vào rừng ve), gọi vía, chèo thuyền vượt khái… Then dùng hát trong các buổi chữa bệnh, gồm hát: Hái hoa, nối số, giải hạn và then tiêu hao tàn (dành cho người chết)... Nhiều du khách về Thái Nguyên, uống trà, thưởng then, nghe đàn tính thì mê mẩn không muốn về.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá tỉnh cho biết: Hát then, đàn tính của Thái Nguyên đã giành được nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, Cờ thi đua xuất sắc tại nhiều hội diễn khu vực và toàn quốc. Điển hình như tổ khúc then: “Khửn tàng pây cầu an” (Lên mường trời cầu bình an cho gia đình và làng bản). Khúc then này gồm 10 chương trích đoạn trong then cổ của dân tộc Tày, gồm: “Páo pháp páo slay” (Trình tấu đức Phật, thần linh, các thánh được làm lễ); “Thái vế” (Giải uế, làm sạch đàn trang cho cuộc lễ); “Khảm lệ” (Múa chầu kiểm tra lễ vật trước khi lên đường); “Pây tàng” (Đoàn quân Then lên đường); “Khảm hải” (Vượt sông Ngân Hà); “Khẩu tu va” (Vào cửa đức vua); “Nộp lệ” (Nộp lễ vật); “Ký slư lồng đang” (Phán truyền cầu phúc); “Tán đàn, tán lệ” (Múa chầu tán đàn, tán lễ) và “Hồi binh, khao mạ” (Khao quân binh).

Chợt từ đâu đó tiếng đàn tính rổn rảng, câu then cất lên ngọt ngào. Tôi lắng nghe trong lời then, cảm nhận thấy ở đó đong đầy niềm tự hào của đồng bào dân tộc Tày Thái Nguyên. Đồng bào luôn biết gìn giữ, lưu truyền lại cho cháu con đời đời một nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc mình. Và góp thêm một sản phẩm nghệ thuật độc đáo cho ngành Du lịch của tỉnh phát triển.