Chuyện “người giữ cửa”

15:06, 27/09/2018

“Người giữ cửa”, câu nói bình dị của người dân về những người giữ chìa khóa nhà văn hoá (VH) xóm, tổ dân phố. Còn nói theo góc độ quản lý Nhà nước, thì họ là nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ tại các thiết chế VH cơ sở. Họ có thể là bí thư chi bộ; trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng dân phố, hoặc một người có lòng nhiệt tình ở khu dân cư. Hễ xóm, tổ dân phố có việc là đến mở cửa nhà VH phục vụ; hết giờ, đến kiểm tra, dọn dẹp, đóng cửa, bảo đảm an toàn cho khu vực nhà VH.

Bà Hà Mai Hiên, Phó Phòng Xây dựng đời sống Văn hóa và Gia đình (Sở VH, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện trên địa bàn của tỉnh, cấp xóm, tổ dân phố có 3.032 người tham gia quản lý thiết chế nhà VH. Họ làm việc tự nguyện, tự trau dồi kiến thức và tích cực tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà VH.

Không đòi hỏi tiền thu lao, nhưng nhiều năm liên tục, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Nhà VH Khu phố Phù Liễn 2 (T.P Thái Nguyên) luôn đều đặn mở cửa Nhà VH phục vụ bà con mỗi ngày. Ông Hùng cho biết: Đây là Nhà VH liên tổ, gồm các tổ 15, 17 và 18 thuộc phường Hoàng Văn Thụ. Do có 3 tổ dân phố cùng chung 1 Nhà VH, nên hầu như ngày nào Nhà VH cũng được mở cửa. Trong nhà VH có tủ sách thư viện, gồm hơn 300 cuốn sách do Thư viện Thành phố ủng hộ, và hàng nghìn cuốn sách, tạp chí và đầu báo do nhân dân địa phương tặng. Để đáp ứng nhu cầu đọc sách, báo, ngoài các ngày trong tuần, tôi còn mở cửa Nhà VH phục vụ bà con vào các tối thứ Tư, thứ Năm và thứ Sáu.

Chuyện mở cửa nhà VH phục vụ nhân dân, ông Nguyễn Văn Tám, Tổ trưởng tổ 7, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên), cho biết: Hiện, tổ có gần 100 hộ dân cư, gần 350 nhân khẩu. Tuy cuộc sống của người dân bận rộn, nhiều hộ còn có đời sống kinh tế khó khăn, nhưng hầu như ngày nào khu Nhà VH của tổ cũng được mở cửa cho bà con tập thể thao, hội họp, giao lưu văn nghệ.

Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Từ nhiều năm gần đây, phong trào xây dựng đời sống VH đã “sâu rễ, bền gốc” tại các khu dân cư. Hầu hết mọi người dân đều nhận thức được các điều kiện gồm nhà VH và nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quan trọng của thiết chế VH. Cũng vì thế mà các công trình nhà VH được xây dựng đều huy động được công sức đóng góp của nhân dân.

Theo ông Nguyễn Thành Luân, Trưởng phòng Phòng Xây dựng đời sống Văn hóa và Gia đình: Chỉ trong thời gian 5 năm gần đây, toàn tỉnh có khoảng 500 tỉ đồng để xây dựng nhà VH, trong đó hơn 125 tỉ đồng ngân sách Trung ương hỗ trợ; hơn 39 tỉ đồng ngân sách tỉnh hỗ trợ; gần 66 tỉ đồng ngân sách huyện, thị, thành phố hỗ trợ; hơn 6 tỉ đồng ngân sách xã, thị trấn hỗ trợ, còn lại là nguồn xã hội hoá. Kết quả xây mới và sửa chữa được 1.382 nhà, trong đó có 874 nhà xây mới; 508 nhà sửa chữa nâng cấp. Nâng tổng số nhà VH xóm, tổ dân phố từ 1.822 nhà lên 2.696 nhà hiện nay, trong đó có 1.432 Nhà văn hóa - Khu thể thao đạt chuẩn; 100% số nhà VH xóm, tổ dân phố đều có người làm nhiệm vụ trông nom bảo vệ.

Để hiểu hơn về những “người giữ cửa” nhà VH, chúng tôi đến thăm một số nhà VH cơ sở, được nghe bà con kể chuyện về phong trào giúp đỡ nhau giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; bảo vệ an ninh trật tự… Bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm Bầu, xã Phấn Mễ (Phú Lương) tự hào: Xóm được huyện cấp Bằng công nhận Làng Văn hóa giai đoạn 2005-2008. Năm 2009, xóm đón nhận Bằng công nhận Khu dân cư có thành tích xuất sắc trong cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa do Trung ương MTTQ Việt Nam tặng. Mọi việc chung của xóm đều được tổ chức tại khu Nhà VH.

 Ông Lương Văn Toàn, Trưởng xóm Làng, xã Yên Đổ (Phú Lương) tâm đắc: Xóm có 182 hộ, hơn 700 nhân khẩu, được làm “người giữ cửa” nhiều khi cũng thấy vinh dự. Vì ngoài các cuộc họp chung của xóm, còn có các cuộc họp của từng khối đoàn thể, mà việc nào cũng do tôi đến mở cửa, đóng cửa Nhà VH.

Còn ông Dương Văn Bảy, Trưởng xóm Trại, xã Úc Kỳ (Phú Bình) tự hào: Xóm có phong trào văn nghệ mạnh, nên mỗi ngày đến mở của Nhà VH cho bà con tập luyện, với tôi đó là một ngày vui.

Về huyện Đồng Hỷ, đến xóm Mỹ Hòa (Cây Thị), gặp ông Nguyễn Trọng Cường, Trưởng xóm; sang xóm Na Quán (Nam Hòa), gặp ông Trịnh Ngọc Long, Trưởng xóm, chúng tôi đều nhận được câu trả lời: Làm “người giữ cửa” nhà VH, đó là niềm vinh hạnh. Vì chúng tôi được góp sức mình trong việc phát huy giá trị thiết chế vật chất nhà VH cơ sở. Ngoài hội họp chung, nhà VH còn là nơi lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp VH truyền thống của dân tộc.

Bà Hiên cho biết thêm: Hiện nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ tại các thiết chế văn hóa, thể thao xóm, tổ dân phố cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tế. Nhiều người trong số họ hằng năm được tham gia các lớp tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Qua tập huấn, đội ngũ những “người giữ cửa” nhà VH cơ sở được tiếp cận với các văn bản chính sách và nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, chuyên môn cũng như phương pháp tổ chức hoạt động tại các nhà VH, thể thao.

Có hàng nghìn “người giữ cửa” đang hết mình phục vụ nhân dân tại các nhà VH xóm, tổ dân phố. Họ làm công việc này không mảy may đòi hỏi lợi ích cá nhân, mà vì lợi ích chung. Đổi lại mỗi ngày khi bình minh thức dậy gọi mặt trời, họ nhận được bao nụ cười tươi tắn của những người mình quen thân.