Võ Nhai là địa phương có nhiều địa danh, địa điểm gắn liền với thời kỳ đầu hoạt động cách mạng và chống thực dân pháp của các đồng chí lãnh đạo Đảng. Để phát huy những giá trị của các di tích lịch sử, thời gian qua, huyện Võ Nhai đã từng bước đầu tư tôn tạo và có nhiều giải pháp để quản lý hiệu quả hơn...
Trong thời kỳ đầu cách mạng, xóm Cao Lầm, xã Phú Thượng là địa điểm đầu tiên được đồng chí Đặng Tùng (một đảng viên ưu tú của Chi bộ ở hải ngoại được cử về nước giác ngộ cánh mạng trọng tầng lớp thanh niên) đã lựa chọn xây dựng cơ sở. Sau đó, một số lãnh đạo Đảng, như: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đã chọn làm nơi đây để hoạt động, gây dựng cơ sở cách mạng và được nhân dân địa phương đùm bọc. Ngay từ những ngày đầu, nhiều người con ưu tú của đồng bào các dân tộc của Võ Nhai được giác ngộ cách mạng và đã trở thành những chiến sĩ cộng sản kiên chung. Trong đó, có đồng chí Chu Văn Tấn, Lục Văn Đủ, Nông Văn Cần. Vào 6-1937, cơ sở Đảng đầu tiên của huyện Võ Nhai đã được thành lập tại xóm Cao Lầm, với 3 đảng viên là thanh niên người địa phương. Từ đây, phòng trào đấu tranh chống lại áp bức bóc lột của thực, phong kiến trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có bước phát triển mới, do có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng. Sau khi xây dựng cơ sở vững chắc tại đây, phong trào cách mạng đã phát triển mạnh sang các xã, như: Tràng Xá, Lâu Thượng... Võ Nhai đã trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc trong phong trào đấu tranh giành chính quyền.
Một trong những địa điểm được nhiều người biết đến là rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá. Nơi đây đánh dấu sự ra đời của Trung đội Cứu Quốc quân II (tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) ngày 15-9-1941, với 36 chiến sĩ. Trong đó, có 22 chiến sĩ là những người con ưu tú của quê hương Võ Nhai. Năm 1994, địa điểm rừng Khuôn Mánh được công nhận là di tích cấp Quốc gia... Mặc dù được công nhận là di tích Quốc gia, nhưng có những thời điểm, do việc quy hoạch và công tác quản lý, bảo vệ giữa các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ khiến di tích này bị xâm hại, ảnh hưởng không nhỏ tới cảnh quan, môi trường quan khu di tích. Hiện nay, công tác quản lý tốt hơn, cảnh quan thiên nhiên tại Di tích lịch sử Rừng Khuôn Mánh đã được khôi phục và tôn tạo đẹp hơn trước. Trong tương lai không xa, đây sẽ là điểm kết nối với khu danh thắng Hang Phượng Hoàng để thu hút du khách đến thăm quan...
Anh Hoàng Ngọc Thịnh, Bí thư Đoàn thanh niên xã Tràng Xá chia sẻ: Vào Ngày kỷ niệm thành lập Trung đội Cứu Quốc quân II, các đoàn viên thanh niên của xã và Đoàn Trường THPT Hoàng Quốc Việt thường đến dâng hương, dọn dẹp vệ sinh khu đài tưởng niệm khu di tích rừng Khuôn Mánh để tưởng nhớ công lao của các chiến sĩ trong Trung đội. Bên cạnh đó, vào Ngày thành lập Đoàn 26-3, chúng tôi tổ chức lễ kết nạp đoàn viên tại đây để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Ngoài các di tích lịch sử Quốc gia rừng Khuôn Mánh, huyện Võ Nhai còn có các di tích lịch sử cấp tỉnh, như: Địa điểm thành lập cơ sở đảng đâu tiên của huyện tại xóm Cao Lầm (Phú Thượng); đồn Đình Cả (thị trấn Đình Cả) - nơi đóng quân của thực dân, phong kiến, nhằm cai trị nhân dân sinh sống ở Phú Thượng và Lâu Thượng trong thời kỳ cai trị của Pháp. Do bị các chiến sĩ Trung đội Cứu Quốc quân II bao vây nên ngày 10-4-1945 quân địch buộc phải rút khỏi đây. Việc đánh chiếm được đồn Đình Cả đã tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân toàn huyện tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền; nơi giành chính quyền cách mạng đầu tiên của Võ Nhai, tại xã La Hiên; di tích Là Ghe, xã Liên Minh (Bác Hồ chọn là nơi ở và làm việc từ ngàu 15-10-1974 đến ngày 17-11-1947)... Những địa điểm trên đều được công nhận là di tích cấp tỉnh.
Để nghi nhớ những sự kiện lịch sử, công lao của thế hệ cha anh đi trước, những năm gần đây, huyện Võ Nhai đã phối hợp với cách ngành của tỉnh quan tâm đầu tư tôn tạo, tu sửa những di tích lịch sử, như: Rừng Khuôn Mánh, nơi thành lập cơ sở đảng đầu tiên của huyện, nơi khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng đầu tiên của huyện... Đồng thời quan tâm, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của quê hương Võ Nhai. Đây không chỉ là nơi lưu giữ, tưởng nhớ công lao của thế hệ đi trước mà còn là địa chỉ “đỏ” để giáo dục truyền thống cho các thế hệ đi sau.