Nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam tin tưởng rằng: "Các đạo diễn trẻ sẽ đưa điện ảnh Việt ra thế giới."
Vài năm trở lại đây, các hãng phim Nhà nước không cho ra đời một phim truyện điện ảnh nào. Nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam vẫn tin tưởng rằng, nếu có sự chung tay của các cơ quan chức năng, những người làm phim trẻ sẽ đưa điện ảnh Việt Nam ra thế giới.
Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 5 vừa diễn ra tại Hà Nội là một hoạt động thường niên nhằm tôn vinh những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu, là dịp các nước tham gia quảng bá hình ảnh đất nước, con người thông qua tác phẩm.
Việt Nam tham gia với vai trò là nước chủ nhà, song điện ảnh của chúng ta những năm gần đây không có gì khởi sắc. Điện ảnh Việt Nam sẽ đi về đâu trong xu thế hội nhập này?
Các ban, ngành vào cuộc để điện ảnh khởi động trở lại
PV: Trong những năm gần đây, các hãng phim Nhà nước không sản xuất được tác phẩm nào, trong khi đó các nhà làm phim tư nhân sản xuất được khá nhiều tác phẩm giải trí. Bà nhìn nhận như thế nào về điều này?
Khoảng 6, 7 năm nay, phim điện ảnh không có tác phẩm nào do các hãng phim Nhà nước sản xuất, trong khi đó ở miền Nam mỗi năm có hàng chục bộ phim được làm rất công phu của các hãng phim tư nhân ra đời.
Điều này đáng mừng nhưng cũng đáng lo. Mừng vì đời sống điện ảnh vẫn khá sôi động; khán giả, nhất là khán giả trẻ đến rạp đông. Nhưng làm ra nhiều phim không có nghĩa là chất lượng phim luôn tốt.
Tôi cảm thấy rất buồn bởi hãng phim Nhà nước không sản xuất được phim nào mặc dù kịch bản hay không thiếu. Tình trạng này đáng báo động. Các ban, ngành phải vào cuộc để điện ảnh Việt Nam khởi động trở lại.
PV: Trước đây, những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh cách mạng được sản xuất trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, có vị trí trong lòng công chúng và bạn bè quốc tế. Nhưng hiện nay, điện ảnh đang hết sức ảm đạm?
Đó là điều hết sức đáng buồn. Tôi làm ở Hội bao năm nay, nhận được rất nhiều kịch bản của bạn bè gửi đến, có nhiều kịch bản hay có thể cho ra đời những tác phẩm điện ảnh có sức nặng, giàu giá trị nghệ thuật.
Tuy nhiên, để sản xuất một bộ phim phải qua rất nhiều thủ tục, mà kinh phí do Nhà nước cấp cũng không được bao nhiêu, phải chờ không biết bao giờ mới đến lượt.
Trong khi đó, các hãng phim tư nhân họ mạnh dạn đầu tư, tự quyết mọi việc nên dự án triển khai nhanh. Phim họ sản xuất thu hút được một lượng lớn khán giả đến rạp.
PV: Những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam thường làm phim remake, chuộng kịch bản ngoại. Theo các nhà phê bình điện ảnh, đó là một tín hiệu buồn, chứng tỏ sự thụt lùi của tay nghề biên kịch. Là một người quản lý trong Hội Điện ảnh Việt Nam, bà nghĩ sao về tình trạng này?
Người ta chọn cách làm này là vì an toàn. Việt Nam làm remake những bộ phim nước ngoài hay, chất lượng tốt cả về nội dung lẫn nghệ thuật, diễn xuất của diễn viên cũng xuất sắc.
Với những bộ phim hay như thế việc làm lại là giải pháp tối ưu khi mà tình trạng phim trong nước đang đình trệ. Tuy nhiên, với tư cách là một người viết kịch bản, tôi không thích cách làm này, bởi vì tác phẩm của cá nhân là thành quả của sự sáng tạo và phải đổ công sức. Mình làm lại sản phẩm của nước ngoài thì hầu như không có sự sáng tạo và đổi mới.
Các nhà làm phim phải biết tư duy và học hỏi hơn nữa
PV: Một số bộ phim quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tạo được dấu ấn thời gian gần đây như bộ phim Việt Nam “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, hay phim “King Kong” của nước ngoài. Những bộ phim này sau khi công chiếu, không ít khán giả đã tìm đến những địa danh trong phim. Theo bà có nên làm phim thiên về quảng bá như thế hay không?
Cách làm phim của nước ngoài rất thông minh. Họ biết khai thác triệt để những thế mạnh. Ví như bộ phim “King Kong” được quay tại Việt Nam, những danh lam thắng cảnh của Việt Nam được đưa vào phim rất đạt, gây hiệu quả cao. Họ biết lồng ghép con người, thiên nhiên, đất nước... vào trong câu chuyện. Tại sao mình không làm được như thế. Phải biết tư duy và học hỏi hơn nữa. Và muốn có phim hay phải khai thác kịch bản hay.
Cách quảng bá đất nước, con người phải khéo, biết lồng ghép trong câu chuyện của phim một cách tinh tế. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô ba Sài Gòn” đã làm được điều này. Muốn quảng bá tốt cần những bàn tay biên kịch và đạo diễn giỏi.
PV: Bà có nhận xét gì cách làm phim của các đạo diễn trẻ? Cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam của họ như thế nào?
Tôi vừa nhắc đến 2 bộ phim mà khán giả yêu mến là “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ và phim “Cô ba Sài Gòn” của Ngô Thanh Vân.
Đó là những đạo diễn trẻ, có tay nghề, có tâm và làm phim rất chuyên nghiệp, nhiều sáng tạo và bứt phá. Điều này cho thấy một thế hệ đạo diễn trẻ chắc tay đang kế thừa và phát huy những thành quả của điện ảnh Việt Nam. Tôi tin là các bạn sẽ còn tiến xa, đem lại sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.
PV: Với tư cách là thành viên Ban giám khảo của Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, bà muốn nhắn gửi điều gì với những người làm phim nước nhà?
Trong xu thế hội nhập với nền điện ảnh thế giới, điện ảnh Việt Nam cần phải đầu tư nhiều hơn nữa về đề tài, tiền của, cách làm... để tạo ra những sản phẩm có giá trị về nội dung và nghệ thuật, có tính nhân văn.
Điều này cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng, những nhà sản xuất có tâm, có tài, khai thác những kịch bản chất lượng. Chúng ta có quyền tin rằng, những nhà biên kịch, đạo diễn trẻ sẽ tìm được lối đi khác biệt để làm ra những bộ phim hay, đưa tác phẩm điện ảnh nước nhà ra thế giới.
Xin cảm ơn bà!