Tín hiệu vui về nghệ thuật hát xẩm

07:22, 26/11/2018

Sau bao thăng trầm và ít nhiều bị mai một, thất truyền, hát xẩm đang dần được khôi phục bởi những tấm lòng nhiệt huyết và đam mê với nghệ thuật truyền thống. Từ một loại hình diễn xướng dân gian phổ biến nơi đông người qua lại như bến sông, hè đường, góc chợ… và là phương tiện cho không ít người khiếm thị mưu sinh, xẩm đã lên sân khấu trong các chương trình nghệ thuật, phục vụ khách du lịch.

Trong chương trình biểu diễn “Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu” vừa được tổ chức tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (số 50 phố Đào Duy Từ, Hà Nội), công chúng yêu xẩm đã được thưởng thức các làn điệu xẩm vang bóng một thời như chợ Đồng Xuân, Hà liễu, Thập ân phụ mẫu... từ các nghệ nhân nổi tiếng. Dưới vai người dẫn dắt câu chuyện, nghệ nhân Đào Bạch Linh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chiếu xẩm Hải Thành (Hải Phòng) đã đưa người yêu thích hát xẩm quay trở về từng chặng đường phát triển của xẩm, đồng thời giúp công chúng hiểu về những loại nhạc cụ được sử dụng trong bộ môn nghệ thuật này. Trong quá khứ, hát xẩm thường diễn ra ở những nơi đông người qua lại như bến sông, bãi chợ và là một nghề để kiếm sống, nhất là đối với những người khiếm thị. Nghệ thuật hát xẩm hết sức đặc biệt, có môi trường diễn xướng đặc thù, thường ở nơi tập trung đông người như hội đình, hội làng, hội chùa và sau này là các bến xe, bến tàu, góc chợ, góc phố nơi đô thị. Cũng bởi vậy, đây là loại hình nghệ thuật hết sức gần gũi, bình dị, gắn bó với đời sống của nhân dân. Hiện tại, môi trường biểu diễn như vậy không còn, thay vào đó là các sân khấu ít nhiều ảnh hưởng bởi yếu tố chuyên nghiệp hóa khiến xẩm mang dáng dấp phố thị. Dù được sân khấu hóa, được mở rộng không gian biểu diễn, xẩm vẫn luôn gần gũi với người dân lao động, không mất đi giá trị truyền thống. Lời ca xẩm là tiếng nói của nhân tình thế thái. Bằng tiếng đàn, tiếng hát, người hát xẩm kể những câu chuyện đời với nội dung đa dạng, phong phú, đủ cả hỉ, nộ, ái, ố... Tuy nhiên, để trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc, một di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam, những làn điệu, câu hát xẩm đã nổi chìm qua một hành trình dài đầy thăng trầm của lịch sử với biết bao biến cố.

Trên sân khấu của chương trình, bà Nguyễn Thị Mận, con gái nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu đã thể hiện bài xẩm Dạt nước cánh bèo bằng tất cả cảm xúc và những tinh túy mà mẹ bà đã truyền dạy, từ cách lấy hơi, buông hơi, nhả chữ, luyến láy…, đưa khán giả thả hồn phiêu lãng với hình ảnh cánh bèo trôi lênh đênh trên mặt nước. Lời ca cất lên chầm chậm như lời tự bạch, xoáy sâu vào thân phận người phụ nữ, kéo người nghe trở về một thời dĩ vãng xa xưa. Thể hiện bài xẩm do mẹ mình đặt lời và biểu diễn khi còn sống, bà Nguyễn Thị Mận không khỏi xúc động khi cho biết: “Trải qua bao thăng trầm, tôi không ngờ có ngày những làn điệu xẩm lại được vang lên trên sân khấu, không còn ở hè đường như trước đây. Xẩm bây giờ được truyền dạy, biểu diễn ở khắp nơi và nhận được sự yêu mến từ công chúng. Có thể thấy điều này qua hoạt động của các câu lạc bộ xẩm và nhiều chương trình biểu diễn xẩm thời gian qua”.

Từng có giai đoạn vắng bóng và có nguy cơ thất truyền, nhưng xẩm vẫn bền bỉ bám trụ. Không đơn thuần là hình thức giải trí, một nghề để kiếm sống, xẩm đã trở thành một loại hình nghệ thuật dân tộc độc đáo, được truyền dạy qua các thế hệ, là món ăn tinh thần của người dân lao động trước đây và đông đảo công chúng ngày nay. Ngay trong chương trình biểu diễn vừa qua, khán giả không chỉ ngạc nhiên, vui mừng được nghe những làn điệu tưởng như đã mai một do các nghệ nhân dân gian và các nghệ sĩ hát xẩm trình diễn trong một không gian sân khấu hoàn toàn khác lạ, mà còn được gặp gỡ, giao lưu với các thế hệ tâm huyết lưu giữ, duy trì hát xẩm. Tiêu biểu là NSND Xuân Hoạch, người được xem là “trưởng lão” của làng xẩm Việt Nam đương đại với nhiều năm nghiên cứu, kế thừa và phát triển tinh hoa của các thế hệ đi trước, đồng thời là người có công phục chế nhiều loại nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn nhị, đàn đáy, đàn nguyệt. Bên cạnh đó, có nghệ nhân dân gian Lê Minh Sen đến từ Thanh Hóa, một “cây đa, cây đề” trong làng xẩm, từng ôm cây đàn nhị ra mặt trận trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, mang lời ca hóm hỉnh, tiếng cười sảng khoái động viên tinh thần các chiến sĩ, thôi thúc ý chí quyết tâm chiến đấu của quân và dân Thanh Hóa. Đặc biệt là nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, học trò của nghệ nhân Hà Thị Cầu, một trong những nghệ nhân hát xẩm ít ỏi của Việt Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chiếu xẩm Hải Thành của Hải Phòng, một người trẻ luôn đau đáu với trách nhiệm phải gìn giữ loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Những làn điệu xẩm chợ, xẩm tàu điện, xẩm thậm vang cùng thanh âm réo rắt của đàn nhị, đàn bầu, nhịp sênh, nhịp phách hòa quyện, đan xen cùng giọng hát lúc trầm, lúc bổng của các nghệ nhân dân gian cho thấy sự chuẩn bị công phu, đầu tư kỹ lưỡng của chương trình biểu diễn “Nghệ thuật hát xẩm - Từ hè đường đến sân khấu”. Đây được coi như cuộc hội ngộ của những người hát xẩm toàn quốc khi có sự tham gia của đại diện các hội, nhóm, câu lạc bộ đang thực hành truyền dạy hoặc biểu diễn hát xẩm được nhiều người biết đến như nhóm Đình làng Việt, Chiếu xẩm Hải Thành (Hải Phòng), Chiếu xẩm Hà Thị Cầu (Ninh Bình), Trung tâm âm nhạc truyền thống Thăng Long (Hà Nội), Câu lạc bộ Sen Tây Hồ… Cuộc hội tụ này tại Hà Nội, một trong những cái nôi sản sinh ra các làn điệu xẩm, là sự khẳng định các giá trị trường tồn của xẩm, động viên các nghệ nhân, nghệ sĩ trong công cuộc bảo tồn và phát huy các giá trị tinh hoa của nghệ thuật truyền thống.

Từ chương trình nêu trên, có thể thấy những tín hiệu vui về sự hồi phục của nghệ thuật hát xẩm. Tuy nhiên, để xẩm lan tỏa sâu rộng hơn trong đời sống, rất cần sự quan tâm hơn nữa của các nhà quản lý văn hóa và các nhà tài trợ, để xẩm có cơ hội được thường xuyên đến với đông đảo công chúng, thâm nhập vào đời sống và được quan tâm, bảo tồn, phát huy như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác.