Còn mãi với nước non

08:36, 18/12/2018

"Rét Thái Nguyên, rét về Yên Thế”… Câu thơ này thật đúng với mảnh đất nửa đồng, nửa núi Thái Nguyên. Rét mà tê buốt, căm căm; gió lạnh thổi theo hướng đông - bắc, bị dãy núi Tam Đảo - Núi Hồng chặn lại, tức tưởi, phả vào mặt người những cơn se sắt. Song không vì thế mà làm giảm đi sự hối hả trên công trường tôn tạo lần thứ ba Khu tưởng niệm nơi hy sinh của 60 đội viên TNXP Đại đội 915 thuộc Đội 91 TNXP Bắc Thái vì bom B52 của Mỹ chiều tối ngày 24/12/1972 tại ga Lưu Xá...

BẤM VÀO ĐÂY ĐỂ XEM NỘI DUNG CUỐN SÁCH
ĐẠI ĐỘI 915 - CÒN MÃI VỚI NƯỚC NON

 

Và điều này cũng để kịp cho sự kiện kỷ niệm lần thứ 46 năm ngày hy sinh của các đội viên thanh niên 915 khánh thành giai đoạn 1 khu di tích vào giai đoạn hoàn thiện qua chương trình truyền hình trực tiếp tối 21/12 của Đài Truyền hình quốc gia. Anh Trịnh Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, Trưởng Ban tổ chức sự kiện tri ân đầy ý nghĩa này cho biết: “Tỉnh đang tập trung chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội cuối năm, rất bận rộn. Nhưng tri ân lịch sử lại có ý nghĩa to lớn, đòi hỏi sự cố gắng không đo đếm. Việc tôn tạo lần này của khu tưởng niệm có chiều sâu và toàn diện hơn, xứng tầm một công trình văn hóa, tâm linh tương xứng với sự kiện bi tráng nhất của hậu phương trong chống Mỹ…”

Chiều 17/12, chúng tôi (Tôi và nguyên Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Xuân Đương) trở về từ Hà Nội dự buổi gặp mặt tri ân của cơ quan văn học nghệ thuật tỉnh. Anh Phạm Xuân Đương với những câu thơ ca ngợi sự hy sinh tức tưởi của những cô gái TNXP, nghe đến ai cũng trào dâng nước mắt, rồi nâng tầm lên thành những linh hồn dân tộc luôn phù hộ cho quốc thái dân an. Hợp xướng “Vinh quang hồn dân tộc” do dàn nhạc giao hưởng Quốc gia công diễn nhiều lần làm người nghe xúc động, ghi nhận là tác phẩm âm nhạc xuất sắc.

Phải đến năm 2010, đi công tác tại Hợp Chủng quốc Hoa Kỳ, qua trò chuyện với một công dân nước này về lễ Noel, tôi mới nảy ra cái tít Noel màu lửa. Sao vậy? Bà người Mỹ có tên Ronan sinh ra và trưởng thành tại Thành phố San Francico nói rằng một năm người Mỹ có 2 ngày quan trong: Noel và Tết Dương lịch. Noel là ngày của chúa, ngày của hòa bình xanh trong, tinh khiết, ngày của sự chiêm nghiệm, ngày không ai làm điều ác… Tôi bảo vậy tại sao ngày của chúa năm 1972, người Mỹ lại đem bom đạn, đem màu lửa hủy diệt người Việt Nam?

Bộ phim tài liệụ "Noel màu lửa" công chiếu năm 2012, do tôi cùng phóng viên Ngô Thu Hường và đạo diễn hình Nguyễn Hữu Thiện thực hiện, sở dĩ được hoan nghênh, cá nhân tôi được nhận Bằng khen của Thủ tướng chính phủ là do đã cắt nghĩa rõ nét sự kiện bi tráng này. Đó là, chiến dịch Linebacker 2 của không quân Mỹ đánh miền Bắc từ 19 - 29/12/1972 thực chất là một cơn dãy chết của Mỹ. Cảng Hải Phòng Mỹ phong tỏa ngư lôi, Hà Nội là tâm điểm đánh phá. Con đường vận chuyển hàng quân sự duy nhất lúc này là đường sắt Lưu Xá-Kép - Đồng Đăng - Bằng Tường… Sáng sớm ngày 24/12/1972, ga Lưu Xá còn 4.000 tấn hàng, bằng đôi tay, đôi chân và đôi vai của các cô gái mười tám đôi mươi đến 17 giờ đã giải tỏa chỉ còn 40 tấn. Riêng việc làm này đã phi thường và rất xứng đáng Anh hùng. Các chị vĩnh viễn ra đi khi trúng bom Mỹ, để lại 60 nắm cơm của bữa chiều chưa kịp ăn. Vậy mà phải mất 37 năm sau, đến năm 2009 họ mới được trả đúng tên của sự kiện phi thường…

Những tác giả có tác phẩm xuất sắc được tôn vinh.

Trong nhiều việc đã làm, nhân dịp kỉ niệm 46 năm sự kiện, tỉnh Thái Nguyên đã phát động 1 phong trào sáng tác văn học nghệ thuật, báo chi nhằm lưu giữ giá trị nghệ thuật cho lâu dài. Các tác phẩm sân khấu, phim, âm nhạc, hội họa dịp này có chất lượng khá, tiếp nối được những gì đã làm trước đó. Có điều đặc biệt, nhờ phát động các cuộc tìm hiểu, sưu tầm cho nên đã phát hiện những điểm mới, những con người, những nhân chứng có giá trị bổ sung cho trang sử 915 - trang sử Thái Nguyên. Theo Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Hoàng Anh Trung tỉnh Thái Nguyên thì chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí đợt này đáp ứng được với kỳ vọng của tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, nhà văn Nguyễn Thúy Quỳnh - Phó Chủ tịch phụ trách Hội văn học nghệ thuật Thái Nguyên, Tổng Biên tập báo Văn nghệ Thái Nguyên tâm đắc: Việc tổ chức sáng tác, nghiên cứu, sưu tầm Hội văn học nghệ thuật Thái Nguyên thấy 2 cái được lớn. Đó là: Chỉ trong 6 tháng, số lượng sáng tác đưa về khá đầy đặn, tư liệu nhiều, bổ ích. Văn nghệ sĩ Thái Nguyên và cả ngoài tỉnh vào cuộc một cách háo hức, trách nhiệm, tình cảm của mọi người với sự hy sinh anh dũng của các đội viên TNXP là đáng ghi nhận. Thứ 2: Giới văn học nghệ thuật tỉnh coi đây là dịp được tri ân các anh hùng liệt sĩ, đóng góp vào phong trào đền ơn đáp nghĩa của tỉnh.

Là người từng hai lần tham gia chỉ đạo tổ chức sự kiện, đồng chí Phạm Xuân Đương hết sức tâm đắc với hoạt động tri ân lần này đối với Đại đội 915. Anh cho rằng: “Mục tiêu mà nhiều năm qua Bắc Thái - Thái Nguyên phấn đấu là xây dựng khu tưởng niệm TNXP 915 thành một trung tâm sinh hoạt tâm linh, văn hóa, thực hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đã trở thành hiện thực một cách sinh động nhất”.

Cho đến năm 2006 bộ phim tài liệu của Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất đầu tiên có tên: “Ký ức không thể nào quên” được phát sóng, có nhiều người biết hơn về sự kiện bi tráng này, riêng Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Nguyên cũng đã tổ chức chương trình và truyền hình trực tiếp 4 lần, sản xuất các bộ phim có giá trị như: Noel màu lửa, Những người ở lại. Khi bài báo này được đăng trên trang Congluan.vn (Cơ quan ngôn luận của Hội Nhà báo Việt Nam) thì cũng là lúc chương trình kỉ niệm 46 năm ngày hy sinh của các đội viên thanh niên 915 khánh thành giai đoạn 1 khu di tích vào giai đoạn hoàn thiện. Một chương trình đặc sắc do VTV thực hiện 20h10’ ngày 21/12 chắc chắn sẽ để lại ấn tượng sâu sắc./.