Thái Nguyên đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn du khách

15:01, 24/12/2018

Ngành Du lịch Thái Nguyên có nhiều cơ hội phát triển, bởi Thái Nguyên sở hữu một nguồn tài nguyên lớn phục vụ cho du lịch. Đó là hàng loạt các di tích lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên và nét đẹp văn hoá vốn có được lưu truyền qua nhiều đời trong cộng đồng các dân tộc.

Với một số sản phẩm du lịch tiềm năng là: Du lịch lịch sử về nguồn; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; du lịch tín ngưỡng và du lịch qua những vùng chè…, Thái Nguyên đang dần trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước, quốc tế. Và để ngành Du lịch phát triển xứng tầm, tiến tới đạt mục tiêu trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2030, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách về du lịch, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch phát triển hiệu quả, đóng góp xứng đáng với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hoá (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Hiện, trên địa bàn của tỉnh có 810 di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá, trong đó có 510 điểm di tích lịch sử; 233 điểm di tích tín ngưỡng; 39 di tích danh thắng; 12 di tích khảo cổ học; 16 di tích kiến trúc nghệ thuật.

Còn ông Hoàng Văn Quý, Trưởng Phòng nghiệp vụ Du lịch chia sẻ: Thái Nguyên có di tích xếp hạng Quốc gia đặc biệt là Di tích An toàn khu Định Hoá; 40 di tích xếp hạng Quốc gia và 168 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Các di tích chính là điểm đến, đồng thời là nguồn tài nguyên phong phú, hấp dẫn phục vụ cho ngành Du lịch phát triển.

Cùng với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, hấp dẫn, Thái Nguyên còn có lợi thế ở vị trí trung tâm vùng Việt Bắc. Giao thông thuận lợi, từ Thái Nguyên, các đơn vị, doanh nghiệp làm du lịch có thể xây dựng, kết nối các tuor, tuyến đưa du khách đến các điểm tham quan tại các tỉnh vùng Đông  Bắc, Tây Bắc hoặc về Thủ đô Hà Nội và các tỉnh miền xuôi. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Thái Nguyên, Quảng Ninh và Hà Nội có thể tạo thành thế chân kiềng để xây dựng các tuor, tuyến du lịch hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thăm quan, khám phá, thưởng ngoạn của du khách trong nước và quốc tế. Và hiện trong các tỉnh vùng Việt Bắc đã đang hình thành một số tuor, tuyến du lịch mới, lấy Thái Nguyên làm điểm xuất phát, như tuyến hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) - hồ Ba Bể (Bắc Kạn) - hồ Thác Bà (Yên Bái) - thủy điện Na Hang (Tuyên Quang). Tuyến hang động được khởi hành từ hang Phượng Hoàng (Thái Nguyên); hang Khố Mỷ (Hà Giang) và động Ngườm Ngao (Cao Bằng). Rồi các tuor, tuyến du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; tâm linh; du lịch lịch sử về nguồn đều có thể được kết nối qua các tỉnh trong vùng Việt Bắc.

Tuy hạ tầng phục vụ cho ngành Du lịch còn chưa hết khó khăn, nhưng do có sự quan tâm thỏa đáng của các cấp, ngành, sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, doanh nhân làm du lịch, lượng du khách đến Thái Nguyên đã ngày một tăng. Nếu như năm 2010, tỉnh đón tổng lượng khách đạt khoảng 1,5 triệu lượt, thì đến năm 2015, tỉnh đón tổng lượng khách đạt gần 1,8 triệu lượt.Từ đầu năm đến nay, tổng lượng khách đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng đã đạt con số khoảng 2,5 triệu lượt người, trong đó số du khách quốc tế đạt khoảng 60.000 lượt. Dự kiến đến năm 2020, tổng lượng khách du lịch đến Thái Nguyên đạt 3,6 triệu lượt, trong đó khách quốc tế đạt 150 nghìn lượt; khách có lưu trú đạt 1,8 triệu lượt; tổng doanh thu của các doanh nghiệp du lịch đạt 460 tỷ đồng. Số phòng của các cơ sở lưu trú du lịch đạt trên 1.000 phòng, trong đó có từ 400 phòng trở lên đạt tiêu chuẩn hạng từ 3 đến 5 sao; khoảng 3.500 người làm việc trực tiếp trong lĩnh vực du lịch.

Thực tế các doanh nghiệp, doanh nhân làm du lịch đã bắt đầu khai thác có hiệu quả những di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh và những nét đẹp văn hoá độc đáo của đồng bào các dân tộc. Hầu hết các điểm di tích, danh thắng và nét đẹp văn hoá dân gian đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí, hoặc bằng nguồn xã hội hoá để phục dựng, tôn tạo, trao truyền và phục vụ du khách. Bà Nhiện cho biết thêm: Nếu các di sản vật thể, phi vật thể sau tôn tạo, phục dựng rồi cất giữ, thì sẽ chẳng có giá trị gì. Còn nếu mang phục vụ cho ngành Du lịch, thì các di sản ấy được phát huy giá trị. Bởi thông qua hoạt động du lịch, giá trị di sản được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi tới nhân dân, du khách. Theo đó, hàng nghìn người dân nơi có di sản được tạo việc làm mới, tăng thu nhập.

Nói đến du lịch Thái Nguyên, nhiều du khách trong nước, quốc tế nhắc ngay tới các điểm đến là Di tích lịch sử An toàn khu huyện Định Hoá; Di tích khảo cổ học thời kỳ đồ đá cũ Thần Sa (Võ Nhai); hệ thống các di tích kiến trúc nghệ thuật chùa chiền, đình, đền như: Đền Xương Rồng, đền Đội Cấn, chùa Hang, chùa Linh Sơn, chùa Huống (T.P Thái Nguyên), đền Đuổm (Phú Lương). Các khu thiên nhiên đẹp mắt, như: Hồ Ghềnh Chè (T.P Sông Công), hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (Võ Nhai), suối Tử Thần (Đại Từ)…

Các di sản văn hoá phi vật thể đặc sắc được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục văn hoá phi vật thể Quốc gia là: Múa Tắc Xình của người Sán Chay, Lễ cấp sắc của người Dao, rối cạn Thẩm Rộc của người Tày, Lễ hội cầu mùa của người Sán Chí, hát Soọng Cô của người Sán Dìu. Mới đây, ngày 30-10-2018, Nghi lễ cấp sắc của người dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Các mô hình mới nổi là du lịch cộng đồng xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hoá); Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên)...

Cùng việc khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân làm du lịch chủ động liên kết, hợp tác, tạo thêm các sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, tỉnh đã tích cực tổ chức các đợt hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, như tổ chức khai mạc mùa du lịch hằng năm; hoạt động hội chợ, hội thảo và nhiều các hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch vào dịp lễ, Tết.

Thông qua cơ quan chức năng của tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động ở lĩnh vực du lịch đã ký kết hợp tác xây dựng tour du lịch với 6 tỉnh Việt Bắc, với Thủ đô Hà Nội và chương trình liên kết hợp tác du lịch 4 tỉnh: Thái Nguyên - Bắc Giang - Hải Dương - Quảng Ninh. Qua đó, các đơn vị, doanh nghiệp quảng bá được thương hiệu, đồng thời khai thác, phát huy các sản phẩm du lịch đặc trưng của Thái Nguyên phục vụ du khách, như: Sản phẩm về chè và văn hoá trà; các điểm đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và văn hoá dân gian truyền thống dân tộc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên cho biết: Hiệp hội hiện có hơn 90 thành viên. Hằng năm, Hiệp hội phối hợp cùng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ lễ tân khách sạn; phục vụ buồng; hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Nhờ vậy trình độ chuyên môn của đội ngũ lao động trong lĩnh vực du lịch được nâng cao. Và để bảo đảm quyền lợi cho du khách, Hiệp hội luôn khuyến khích các thành viên quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ du khách. Với các cơ sở lưu trú 3 sao trở lên, khi hết hạn đăng ký, Hiệp hội vận động cơ sở tiếp tục đăng ký, hoặc rỡ bỏ biển quảng cáo về chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi về hưởng thụ dịch vụ cho du khách.

Ngành Du lịch được mở ra với nhiều cơ hội phát triển, nhưng đồng thời cũng có nhiều thách thức, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành, như việc có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vốn vào lĩnh vực du lịch. Theo đó giữa các doanh nghiệp, doanh nhân tăng cường phối hợp, tạo chuỗi liên kết trong tuor du lịch, chủ động đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động và chất lượng dịch vụ phục vụ du khách…