Có lẽ hiếm Tết nào Thái Nguyên có nắng ấm như năm nay. Đây cũng là điều kiện thời tiết lý tưởng để mọi người đi lễ đền, chùa đầu năm. Hòa trong dòng người đi lễ, chúng tôi nhận ra rằng năm nay, không những nhiều ngôi chùa có sự đổi mới trong cách bài trí mà một bộ phận người dân đã có những đổi thay trong cách đi chùa.
Thuần Lương, ngôi chùa thuộc địa phận phường Lương Sơn (T.P Sông Công) là điểm đặt chân đầu tiên của chúng tôi. Với khuôn viên được bài trí hợp lý, ngôi chùa hiện lên trước mắt chúng tôi thật thanh bình, tươi đẹp. Dù là ngày Tết, lưu lượng người đến đây vãn cảnh đông hơn ngày thường rất nhiều nhưng chúng tôi không thấy có hiện tượng ùn tắc giao thông. Bãi đỗ xe khá rộng với những chiếc xe được xếp ngay hàng, thẳng lối. Ngay phía cổng vào bãi đỗ xe, một người đàn ông đứng tuổi túc trực hướng dẫn chỉ đường và phân làn xe cho mọi người. Tại khu vực làm lễ cũng có người túc trực hướng dẫn du khách hành lễ. Ngoài ra, ngay ở cổng vào chùa đã có người trực sẵn để phát cho những chị, em diện đồ không phù hợp với cửa phật những chiếc khăn, áo màu nâu… Điều đáng nói là khi đỗ xe hay mượn khăn áo, du khách thập phương không phải trả bất kỳ một khoản chi phí nào.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để có được sự quy củ như thế này, nhà chùa đã có bảng phân công rất rõ ràng từng phần việc cho mọi người từ ngày 30 tháng Chạp của năm trước cho đến những ngày đầu năm.
Tương tự, tại chùa Hang (Kim Sơn Tự), nằm trên địa bàn thị trấn Chùa Hang (T.P Thái Nguyên), quang cảnh nơi đây cũng được bài trí bắt mắt với những chậu hoa, cây cảnh đang khoe sắc, tỏa hương. Các hoạt động trong chùa cũng được thực hiện rất trang nghiêm, có trật tự. Là ngôi chùa cổ, lượng người đến lễ phật trong những ngày đầu Xuân rất đông nhưng nơi đây không xuất hiện cảnh chen lấn, xô đẩy. Đặc biệt, nhiều người đã nêu cao ý thức khi không đặt tiền lẻ ở các bàn lễ. Chị Lê Thị Kiều Minh, tổ 1, thị trấn Chùa Hàng chia sẻ: Đến chùa là để cầu bình an nên tâm phải tĩnh tại. Chùa là chốn thanh tịnh nên việc đặt tiền không đúng với văn hóa đi cầu bình an nơi cửa phật. Bởi vậy, tôi chỉ thắp nén nhang, thành tâm lễ Phật và vãn cảnh chùa. Tôi nghĩ, nếu có tâm, mọi người chỉ cần thả chút tiền gọi là lòng thành vào hòm công đức để đóng góp vào việc chỉnh trang, cải tạo, xây dựng chùa…
Còn tại chùa Phù Liễn, phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên), dù đang tiếp tục được xây dựng nhưng lượng người đến đây rất đông, nhất là trong dịp giao thừa. Điều chúng tôi cảm thấy vui khi ý thức của người đi lễ chùa Phù Liễn đã được nâng cao. Mọi người đi lại, hành xử có văn hóa, nhất là không còn cảnh hái lộc đầu năm, khiến cho cây cối của nhà chùa trơ trọi như trước đây.
Đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động không thể thiếu của nhiều người dân dịp Tết đến, Xuân về. Phong tục này đã trở thành một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống người Việt. Những năm trở lại đây, nét đẹp này đã bị “biến tướng” khi nhiều người cho rằng đến chùa là để cầu tài lộc, giàu có, vinh hoa, phú quý… Không ít người cứ Tết đến, Xuân về sắm lễ chay, lễ mặn ê hề mang ra chùa làm lễ… Bởi vậy, những điều mắt thấy, tai nghe trong dịp đi lễ tại một số chùa vừ qua khiến tôi cảm thấy vui khi nét văn hóa đi lễ chùa đang được nhiều người nhìn nhận một cách đúng đắn như vốn có.
Tuy nhiên, những ngày đầu Xuân, tại không ít đền, chùa trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng một số người dân vứt rác bừa bãi. Nhiều nơi có đền, chùa, hàng quán mọc lên san sát, nhưng vấn đề an toàn thực phẩm tại những điểm bán hàng ăn “thời vụ” này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Thậm chí, có điểm di tích vẫn còn cảnh lộn xộn, buôn bán đồ lễ, chỗ gửi xe, hàng ăn uống… khiến du khách không mấy thiện cảm. Điều này dễ nhận thấy nhất tại khu vực đền - đình - chùa Cầu Muối, xã Tân Thành (Phú Bình)…
Thực tế cho thấy, dường như du khách đi đền, chùa cầu khấn đầu năm chỉ mang tính “phong trào”, nghe nói ở đâu linh thiêng là đi, trong khi phần đông trong số họ có thể chưa hiểu hết về lịch sử phát triển của điểm di tích, lễ nghi, cách khấn, vái đúng lễ tục. Chị Lê Thị Lựu, tổ 8, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) nói: Đi lễ đầu năm, tôi thường tìm đến những điểm bán sách để mua các ấn phẩm ghi chép về lịch sử của di tích. Tuy nhiên, điều khiến tôi cảm thấy buồn là rất ít người tìm hiểu về sự hình thành và phát triển của di tích như tôi.
Lòng chợt buồn khi nghe lời sẻ chia của chị Lựu. Mong rằng, nhiều người dân sẽ hiểu sâu sắc hơn văn hóa đi lễ đầu năm để có hành xử đúng mực mỗi khi đi lễ cửa phật, nhất là dịp Tết đến, Xuân về.