Vài năm trở lại đây, trò tranh phết tại Hội phết Hiền Quan (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) đã bị biến tướng, trở thành “cướp phết”, tạo ra nhiều hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng an ninh, trật tự và an toàn cho người dự hội. Ở lễ hội vừa qua, do không thực hiện đúng với cam kết với tỉnh Phú Thọ và ngành văn hóa, nội dung tranh phết đã bị đình chỉ. Qua đó, vấn đề đặt ra là làm gì và làm như thế nào để Hội phết Hiền Quan thật sự trở về nguyên gốc với những giá trị nhân văn tốt đẹp.
Khảo sát thực tế tại dịp tổ chức lễ hội đầu xuân 2019, chúng tôi thấy tình trạng biến tướng dẫn đến “vỡ trận“ của Hội phết Hiền Quan vừa qua xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Một là, do dân số tăng nhanh, cho nên lễ hội đã có phần quá tải (số lượng nhân khẩu của Hiền Quan hiện đã tăng gấp 2,5 lần dân số bình quân một làng ở trung du và châu thổ Bắc Bộ). Cũng vì vậy, nếu chỉ tổ chức trò tranh phết giữa trai đinh trong làng thôi cũng đủ tạo ra sự đông đúc, quyết liệt hơn trước. Thứ hai và đồng thời là nguyên nhân sâu xa của những bất cập trong tổ chức lễ hội này là vài năm gần đây, việc tranh phết có sự tham gia đông đảo của thanh niên nhiều địa phương trong huyện, thậm chí là từ cả các huyện và thị xã Phú Thọ bên cạnh, có khi còn xa hơn nữa, thu hút rất đông người dự tranh phết. Đáng lưu ý, những thanh niên này tham gia hội với ý thức kém. Do quan niệm “giành được phết trong hội Hiền Quan sẽ được may mắn, không chỉ cho cá nhân, gia đình, mà còn cho cả dòng họ, làng xã”, cho nên thanh niên, thiếu niên nhiều làng xã đã tổ chức thành đoàn đến hội để “cướp” bằng được phết; thậm chí nhiều tốp thanh niên của nhiều làng xã còn để đầu trọc, cởi trần lộ các hình xăm trên người, nhằm tạo ra “uy thế” đối với người xã Hiền Quan.
Theo phản ánh của nhân dân địa phương, trong những kỳ hội gần đây, có một số công ty, doanh nghiệp ở quanh xã Hiền Quan cũng thành lập “đội cướp phết”, đông tới vài chục thanh niên để tranh phết “lấy may” cho công ty, doanh nghiệp. Một cá nhân ở một làng trong huyện Tam Nông giành được quả phết đã được cả cộng đồng làng, thậm chí các làng trong xã tổ chức “đón phết” và rước phết, ăn mừng khắp làng xã. Vì vậy, sức cuốn hút của trò giành phết ngày càng lớn, hội ngày càng có đông người đến xem và đông thanh niên tham gia “cướp phết”. Sự quá đà, biến tướng trong hội ngày càng gia tăng, gây mất an ninh, đến mức vào chiều 16-2 (12 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã phải yêu cầu Ban Tổ chức lễ hội Hiền Quan “dừng tiết mục cướp phết trong ngày chính hội (13 tháng Giêng)”. Việc tạm dừng này đã gây ra phản ứng gay gắt trong cộng đồng dân làng Hiền Quan. Nhiều người lo lắng, nếu cứ tiếp tục bị tạm dừng phần “cướp phết”, hội phết Hiền Quan có danh tiếng từ bao đời sẽ không còn tính hấp dẫn, dẫn đến trở thành một hội bình thường. Đông đảo dân làng đều có ý kiến, trò giành phết trong hội Hiền Quan phải được duy trì, theo phương thức “trả hội Hiền Quan cho người Hiền Quan”.
Tuy nhiên, “trả lại hội cho người Hiền Quan” bằng cách nào đang làm cho ngành văn hóa tỉnh Phú Thọ và chính quyền địa phương cũng như Ban Tổ chức lễ hội lúng túng. Chủ trương của UBND tỉnh và Ban Tổ chức hội xã Hiền Quan lập ra hai đội “cướp phết” và tổ chức các lớp an ninh rất kỹ lưỡng để bảo đảm an ninh, trật tự đã bị “vỡ trận”, vì không thể ngăn nổi hàng nghìn thanh niên, chủ yếu từ các địa phương khác “vượt rào an ninh, xô vào cướp phết”.
Nhiều khách thập phương và nhiều nhà khoa học tham dự Hội phết Hiền Quan cho rằng, trước thực trạng số lượng người tham gia cướp phết quá đông, nên tăng số lượng quả phết được đưa ra “cướp”, để giảm tải việc tranh giành, tăng cơ hội giành phết cho nhiều người. Ý kiến này không được nhiều người dân trong làng, nhất là các bậc cao niên đồng tình, vì “lệ tục, truyền thống của làng từ xưa như vậy, không thể thay đổi”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, xã hội ngày nay đã biến đổi rất mạnh mẽ, các yếu tố văn hóa, tín ngưỡng truyền thống tự thân cũng đã thay đổi và các chủ thể văn hóa đó cũng phải thay đổi theo; nếu cố giữ truyền thống sẽ không có lợi cho sự phát triển. Một số yếu tố văn hóa, lệ tục có từ nghìn đời, song không còn phù hợp với cuộc sống đương đại cũng được vận động bỏ, hoặc đưa ra chủ trương bỏ, điển hình là tục đốt pháo Đồng Kỵ. Bên cạnh đó, một số hội ở miền bắc cũng phải bỏ một số lễ thức không phù hợp, như tục chém lợn giữa sân đình tại hội làng Ném Thượng (tỉnh Bắc Ninh).
Thứ hai, để “trả hội Hiền Quan cho người Hiền Quan”, cần có không gian trò diễn của hội dành riêng cho dân làng, không thể để thanh niên các địa phương khác tham dự với tư tưởng cay cú, ăn thua, với một “tâm thế xấu”. Quan sát khuôn viên đền Hiền Quan và khu vực chung quanh - nơi tổ chức “cướp phết”, chúng tôi thấy, phía bên phải đền hiện còn một diện tích ao và ruộng khoảng ba mẫu (hơn 1 ha), theo các bậc cao niên, đây là đất nhà đền đang sử dụng. Nên chăng, cần san lấp, quy hoạch nơi đây thành “sân chơi hội phết”, như một sân vận động, có khán đài, chỗ ngồi để dân làng dự xem trai đinh trong làng tranh tài; phía ngoài có các cửa kiểm soát. Mỗi kỳ hội, có bán vé (hoặc phát vé) cho người làng, vừa để hạn chế người ngoài vào “phá đám”, vừa có thêm một nguồn thu cho hội; các cửa ra vào chỉ cần một lực lượng an ninh nhỏ cũng có thể bảo đảm trật tự để trò giành phết diễn ra hấp dẫn, sôi nổi; hội vẫn được duy trì thường xuyên; không phải “cướp phết” trong sự hỗn loạn, phản cảm, dẫn đến phải “dừng”, có nguy cơ không còn tiếp tục được tổ chức. Giải pháp này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, cho nên cần có sự “vào cuộc” quyết liệt của các cấp, ngành tỉnh Phú Thọ, huyện Tam Nông.
Điều quan trọng là trong khi giải pháp trên đây cần có thời gian để thực hiện và trở thành hiện thực, nên tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị và thể thức của Hội phết Hiền Quan cho khách tham dự hội, bằng các biện pháp: Phát thanh, phát tờ rơi… Các bậc cha mẹ, gia đình, dòng họ, cộng đồng làng xóm và các hội, đoàn thể ở các địa phương cần nhắc nhở, tuyên truyền để người thân, thành viên của mình tuân thủ văn hóa nơi công cộng khi đi dự hội, tôn trọng các quy định trong hội và các giá trị văn hóa của làng Hiền Quan, như của làng mình. Cần thiết phải đề ra và thực hiện các quy định xử phạt những người có hành vi phá đám tại lễ hội.