Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ kéo theo những thay đổi lớn trong cách tiếp cận, thụ hưởng văn hóa của công chúng hiện đại đang đặt sân khấu truyền thống vào thế cạnh tranh khốc liệt với nhiều loại hình giải trí khác. Và trong cuộc đua ấy, sân khấu không thể đứng ngoài mà phải tận dụng những thế mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới và phát triển.
Tiên phong cho những đầu tư nghiêm túc về công nghệ để nâng tầm chất lượng nghệ thuật sân khấu thời gian qua phải kể đến những tác phẩm được dàn dựng công phu như: Tinh hoa Bắc Bộ của Công ty Tuần Châu Hà Nội; Ký ức Hội An của Gami Theme Park; Tứ Phủ của Nhà hát Việt; Ionah của Nhà hát Star Galaxy hay một số vở cải lương gần đây được Nhà hát Cải lương Việt Nam thực hiện như Hừng Đông, Mai Hắc Đế, Vua Phật với sự xuất hiện của những thiết bị nghe nhìn hiện đại… Sự đón nhận của công chúng đối với những tác phẩm này phần nào khẳng định: trong bối cảnh cách mạng 4.0, muốn ghi dấu ấn, ngôn ngữ sân khấu phải là đa phương tiện, có nghĩa bên cạnh diễn xuất của diễn viên thì thiết kế, phục trang, đạo cụ, âm nhạc, ánh sáng… cũng phải được coi là những thành tố cộng hưởng cùng tham gia chuyển tải giá trị tác phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, không nhiều tác phẩm làm được điều đó. Những bước đi của sân khấu nước nhà nhìn chung vẫn chưa bắt nhịp được sự chuyển động mạnh mẽ của công nghệ, nhất là khi bị hạn chế về cả nhân lực và vật lực.
NSND Lê Huy Quang chỉ ra thực trạng: Ở các nước, nhất là những nước có nền sân khấu tiên tiến, sàn diễn từ lâu đã được hiện đại hóa với khả năng quay nhiều chiều, nhiều tầng, lớp, có thể lên cao hay xuống thấp, mở rộng hay thu hẹp, sử dụng những cầu diễn tự động nối khán giả với nghệ sĩ để tạo điều kiện tốt nhất cho sự tìm tòi, sáng tạo trong trang trí, dàn dựng, mở ra không gian linh hoạt, biến hóa. Ở nước ta, sân khấu các rạp hát đã cũ kỹ, nghèo nàn, lạc hậu về mọi phương diện. Lâu nay, sân khấu của ta vẫn luôn chỉ là sàn diễn cố định vài chục mét vuông tồn tại từ đầu đến cuối vở diễn với những riềm, cánh gà cố định và chung cho tất cả các loại hình nghệ thuật cho nên khó tránh khỏi nhàm chán, thiếu sáng tạo. Ngay ở Hà Nội, nơi sở hữu những nhà hát vào hàng hiện đại nhất như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Rạp Xiếc Trung ương, Rạp Đại Nam, Rạp Hồng Hà… thì phần lớn cũng là những công trình được tu bổ, cải tạo lại trên cơ sở cũ, có rạp đã có tuổi đời cả trăm năm… Thêm nữa, trên thực tế, các nghệ sĩ sân khấu không thiếu tài năng nghệ thuật nhưng phần lớn còn hạn chế về khoa học công nghệ. Trong khi đó, cách mạng công nghiệp 4.0 không những đặt ra đòi hỏi phải tạo đột phá về hình thức nghệ thuật mà còn cần am hiểu công nghệ để quảng bá, truyền thông, bán vé, đưa tác phẩm đến gần công chúng. Để lấp những “khoảng trống” này rõ ràng đòi hỏi sự đầu tư đủ lớn về nhiều yếu tố.
Tại hội thảo “Sân khấu Hà Nội với cách mạng công nghiệp 4.0” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều đề xuất đã được các chuyên gia đưa ra nhằm giúp sân khấu truyền thống thích ứng được những bước tiến mới của công nghệ. NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng: Khó thu hút khán giả ngày nay bằng những cảnh trí sân khấu cồng kềnh, tốn nhiều thời gian chuyển cảnh. Hệ thống âm thanh, ánh sáng cũ kỹ, lạc hậu cũng khiến vở diễn trở nên thiếu sinh khí. Do đó, việc áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ kỹ thuật số vào sáng tạo sân khấu để nâng cao hiệu quả nghệ thuật là yêu cầu cấp bách, bắt buộc, đòi hỏi phải có sự đầu tư theo chiều sâu, hoàn thiện các trang thiết bị hiện đại cho sân khấu như ứng dụng về dựng cảnh, thiết kế sân khấu điện tử, hiệu ứng ánh sáng, âm nhạc, tiếng động… Tuy nhiên, ông cũng lưu ý sân khấu không được quá lệ thuộc vào công nghệ bởi xét cho cùng, tính duy nhất, độc đáo của mỗi vở diễn trước hết phải thể hiện bằng chính sự tương tác giữa người diễn và người xem thông qua diễn xuất, sự thăng hoa của tập thể nghệ sĩ. Thực tế, có chương trình được quảng cáo là dùng tới cả tấn đạo cụ với hàng trăm bộ trang phục của diễn viên gắn thiết bị tạo hiệu ứng đặc biệt… nhưng vẫn không thể thuyết phục được khán giả. Do đó, lạm dụng thái quá hay tẩy chay công nghệ đều không phải là hướng đi của sân khấu thời hiện đại.
Để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, không phải cứ áp dụng các kỹ thuật công nghệ, đưa vào các hiệu ứng để đổi mới sàn diễn là đủ, mà còn cần nhập cuộc bằng chính những đề tài, hướng khai thác mới. Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, trước sự vận động, phát triển mạnh mẽ của xã hội, sân khấu không thể cứ chăm chăm khai thác đề tài lịch sử mà né tránh đề tài hiện thực. Sự né tránh này sẽ khiến sân khấu rời xa thực tiễn và khán giả ngày càng quay lưng với sân khấu. Hơn lúc nào hết, cần thay đổi tư duy sáng tạo, tư duy quản lý một cách quyết liệt để không tiếp tục bị tụt dốc. Cùng quan điểm, PGS, TS Trần Trí Trắc khẳng định: Sân khấu thời 4.0 đòi hỏi phải thể hiện được chân thực những suy tư, tình cảm, khát vọng của con người đương thời, qua đó giúp công chúng hiện đại có thể sẻ chia và cùng sáng tạo với sân khấu. Thêm nữa, việc chủ động tiếp cận để quảng bá sản phẩm đến đông đảo công chúng thụ hưởng được coi là “chìa khóa” thành công của những tác phẩm nghệ thuật trong thời kỳ 4.0, cho nên cần có chính sách để đào tạo, bồi dưỡng và chiêu mộ đội ngũ nhân lực am hiểu về công tác ma-két-tinh nghệ thuật. Khi được quảng bá đúng cách và tương tác được với những đối tượng mục tiêu phù hợp, sân khấu chắc chắn sẽ không bị khán giả bỏ quên.