Thời gian gần đây, sự đổ bộ dồn dập của làn sóng web drama (phim phát hành trên mạng) đã góp phần làm sôi động hơn thị trường dịch vụ giải trí. Nhưng sự xuất hiện có phần thiếu kiểm soát này cũng đặt ra nhiều vấn đề xoay quanh việc bảo đảm giá trị nội dung, nghệ thuật phim chiếu mạng.
Khoảng hai năm trở lại đây, xu hướng thực hiện web drama trở nên phổ biến. Hàng loạt bộ phim gây chú ý liên tiếp được ra mắt trên Youtube như: Ai chết giơ tay, Thập tam muội, Nam Phi liên hoàn kế, Lala school, Bổn cung giá lâm… Thay vì phải bật ti-vi hay ra rạp để xem phim, giờ đây cộng đồng mạng chỉ cần nhấp chuột cũng có thể thưởng thức cả kho phim mới. Dù web drama không được coi là những sản phẩm nghệ thuật chính thống nhưng khả năng nhanh chóng tiếp cận đông đảo người xem nhờ sức mạnh của công nghệ khiến những nhà sản xuất phim nhanh chóng nhận ra đây là "miền đất hứa".
Xuất phát điểm từ những phim ngắn được thực hiện chỉ với vài triệu đồng, nhiều web drama hiện nay đã được đầu tư hàng tỷ đồng để sản xuất, trong đó phải kể tới sê-ri tám tập phim Ai chết giơ tay do đạo diễn trẻ Huỳnh Lập thực hiện với mức đầu tư gần bốn tỷ đồng, hay Nam Phi liên hoàn kế của diễn viên Nam Thư "ngốn" khoảng hai tỷ đồng… Nếu trước kia, web drama chỉ là sân chơi của những nhóm sáng tạo trẻ, thì giờ đây nhiều người nổi tiếng trong giới nghệ sĩ cũng lấn sân như: danh hài Việt Hương (Chết thì chịu), diễn viên-MC Ðại Nghĩa (Bơ Lang), ca sĩ Ưng Hoàng Phúc (Ông trùm-Dẹp loạn giang hồ)… với sự đầu tư công phu hơn cho diễn xuất, hình ảnh, phục trang…
Không thể phủ nhận, sự xuất hiện của những sê-ri phim ngắn trên mạng đã góp phần làm đa dạng, sôi động hơn thị trường phim giải trí; giúp rút ngắn con đường để phim đến được với công chúng. Nhiều bộ phim thu về doanh thu không nhỏ do hút được lượng người theo dõi đông đảo. Bằng chứng cho thấy xu thế làm phim này đang ngày càng "hot" là lần đầu tiên, một số web drama đã được gọi tên trong các đề cử của giải thưởng: Ngôi sao xanh, We choice…
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, sự xuất hiện theo kiểu "mạnh ai nấy làm" của những web drama hiện nay cũng gây nhiều băn khoăn về cách chuyển tải nội dung và chất lượng nghệ thuật. Sau sự xuất hiện của những bộ phim khai thác đề tài tuổi thanh xuân học đường, cổ trang cung đấu, những web drama gần đây đang có xu hướng câu view bằng cách khai thác thân phận, đời sống của những đại ca, chị đại giới giang hồ, hoặc cuộc sống của những cô gái buôn phấn bán hoa…
Không hiếm những cảnh đánh đấm, bạo lực, cảnh các băng đảng tìm cách thanh trừng lẫn nhau, cảnh anh hai, chị đại dạy dỗ đàn em… trong những phim chiếu mạng. Có những phim khai thác đề tài này đã cố gắng phản ánh những góc khuất trong xã hội một cách chân thực, qua đó chuyển tải thông điệp mang ý nghĩa nhân văn; song sự xuất hiện với tần suất quá dày, trong cùng một thời điểm những hình ảnh có tính chất bạo lực lại trở thành điều đáng lo ngại.
Chưa kể, để câu khách, thu hút người xem, một số phim không ngần ngại lạm dụng những cảnh nóng với lời thoại tục tĩu, sử dụng dàn diễn viên ăn mặc hở hang, thiếu vải. Có những kênh phim mà chưa cần xem, chỉ cần nhìn hình ảnh minh họa và tiêu đề đã cảm nhận rõ sự dung tục, nhảm nhí. Với sự xuất hiện của những web drama như thế, nghề diễn bỗng trở thành công việc dễ dàng, bởi tham gia đóng phim chỉ cần những gương mặt dễ nhìn, diễn xuất ít mà uốn éo nhiều. Không ít hot boy, hot girl bước ra từ những web drama kém chất lượng tự xưng là những diễn viên trẻ, nghệ sĩ trẻ để đánh bóng tên tuổi. Vô hình trung, web drama bỗng nhiên trở thành nơi để những cô gái không ngại khoe thân tìm kiếm cơ hội nổi tiếng.
Mới đây, một nữ diễn viên của bộ phim truyền hình "Quỳnh búp bê" thẳng thắn bày tỏ quan điểm không thừa nhận những diễn viên khoe thân trên web drama là đồng nghiệp. Theo cô, việc ăn mặc hở hang, bất chấp đóng cảnh nóng trong web drama là lạm dụng, câu khách rẻ tiền chứ không phải hy sinh vì nghệ thuật. Ðiều này làm ảnh hưởng đến những người làm nghề chân chính. Phát ngôn này sau đó tạo ra tranh luận gay gắt trong cộng đồng mạng, nhưng nhìn chung nhận được nhiều ý kiến đồng tình từ những người yêu nghệ thuật chân chính.
Ðiều đáng suy ngẫm là dù không ít web drama có nội dung hời hợt, tính nghệ thuật thấp, thậm chí bị đánh giá là thảm họa vẫn thu hút vài triệu lượt xem. Với mức phủ sóng của công nghệ như hiện nay, nhiều người lo ngại sự bùng nổ của những phim chiếu mạng dạng này sẽ làm dễ dãi hóa người xem, kéo thấp thị hiếu nghệ thuật của công chúng và gây lệch lạc, ảnh hưởng tới nhận thức, lối sống của người trẻ bằng những hình ảnh tục tĩu, bạo lực.
Ai cũng hiểu, doanh thu của web drama chủ yếu dựa vào bán quảng cáo trên cơ sở thu hút lượng người xem. Với nghệ sĩ, sản xuất web drama còn giúp tăng lượng người theo dõi trang Youtube cá nhân, từ đó thu về những nguồn lợi cả hữu hình và vô hình. Nhưng bất chấp mọi cách, kể cả lạm dụng các yếu tố sex, bạo lực trong web drama để thu hút người xem là điều không thể chấp nhận. Bởi suy cho cùng, đã là phim, dù được chiếu trên truyền hình, phát hành ngoài rạp hay chiếu trên mạng cũng cần thể hiện sự đầu tư cho nội dung và nghệ thuật.
Theo đạo diễn Phan Ðăng Di, trách nhiệm một phần thuộc về những nhà làm phim nhưng phần khác thuộc về nhu cầu xã hội. Muốn hạn chế sự ảnh hưởng của những web drama kiểu này, không cách nào khác là phải lấy xây để chống, có những giải pháp để nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật cho công chúng. Bởi trên môi trường mạng, mọi sự cấm đoán đều khó khả thi. Ðã chấp nhận tham gia vào một cuộc chơi mang tính "mở" với thế giới, việc có thể tiếp cận nhiều sản phẩm từ thượng vàng đến hạ cám là thực tế không tránh khỏi. Chỉ khi gu thẩm mỹ được cải thiện, mỗi người mới tự có "màng lọc" để lựa chọn thưởng thức những tác phẩm giàu giá trị nội dung, nghệ thuật.
Ðây được coi là giải pháp hữu hiệu, là câu trả lời xác đáng để đẩy lùi tất cả những thứ phản cảm, độc hại nhân danh nghệ thuật tồn tại trên môi trường mạng. Ðây cũng là đích đến mà muốn chinh phục cần sự đầu tư thời gian, quyết tâm và sự vào cuộc của cả xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng, trước mắt, trong bối cảnh chưa thể trông chờ vào sự tự ý thức, tự biết giới hạn thế nào là đúng - đủ của cá nhân, đơn vị sản xuất web drama, cũng như sự chủ động sàng lọc sản phẩm phù hợp của người xem, trong đó phần lớn là giới trẻ còn hạn chế về vốn sống, kiến thức để cảm thụ nghệ thuật; cơ quan quản lý văn hóa nghệ thuật và thông tin truyền thông cần bắt tay để kiểm duyệt chặt chẽ hơn nội dung cũng như cách thể hiện những bộ phim chiếu mạng thông qua những quy định, chế tài rõ ràng, cụ thể tránh tình trạng thả nổi những web drama kém chất lượng trên môi trường mạng như hiện nay. Bên cạnh đó, cần có cơ chế phối hợp với đội ngũ duyệt nội dung trên những nền tảng dịch vụ trực tuyến, phổ biến nhất hiện nay là Youtube để hạn chế sự xuất hiện của những bộ phim có nội dung, hình ảnh độc hại; để web drama thật sự trở thành một hướng đi, cơ hội giúp các nhà làm phim cống hiến những giá trị nghệ thuật đích thực.