Nhìn vào thị trường xuất bản hiện nay cho thấy phần lớn sách cho thiếu nhi là sách dịch, sách dạy kỹ năng, truyện tranh nước ngoài. Ngày càng ít nhà văn chuyên tâm viết cho trẻ em. Ðể tìm đọc được tác phẩm của các cây bút nhỏ tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường còn khó khăn hơn nữa.
Hiếm hoi người viết
Ngành xuất bản Việt Nam trung bình mỗi năm xuất bản gần 300 triệu bản sách, 76% trong số đó là sách giáo khoa; trong 24% còn lại có tới 10% là sách dành cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng, tương đương 29 triệu bản. Cơ cấu đó cho thấy nhu cầu sách cho trẻ em là rất lớn, các nhà xuất bản có doanh thu đứng đầu hiện nay đều là những đơn vị chuyên làm sách cho trẻ em. Nhưng điều đáng buồn là số tác phẩm văn học trong nước viết cho thiếu nhi chỉ như một chấm nhỏ xíu trên tấm bản đồ rộng lớn đó.
Viết cho thiếu nhi nổi bật nhất đến thời điểm này, vẫn chỉ một cái tên Nguyễn Nhật Ánh. Ông được một số nhà phê bình gọi đùa là "ngôi sao cô đơn" trong bầu trời văn học thiếu nhi, vì trong văn học Việt Nam hiện nay, tìm một người chuyên tâm viết cho trẻ em được yêu mến như ông gần như không có. Song chúng ta cần những thế hệ tiếp nối trong văn học, nhất là mảng văn học thiếu nhi, vì sự lớn lên về tâm hồn, nhân cách của trẻ em không thể thiếu vắng các tác phẩm văn học. Trong thế kỷ 20 đã có những thời kỳ văn học thiếu nhi phát triển rực rỡ cả về số lượng người viết và tác phẩm. Nhiều thế hệ người Việt Nam đã lớn lên với những cuốn sách gối đầu giường, như: "Những ngày thơ ấu" (Nguyên Hồng), "Gió lạnh đầu mùa" (Thạch Lam), "Quê nội" (Võ Quảng), "Ðất rừng phương Nam" (Ðoàn Giỏi), "Búp sen xanh" (Sơn Tùng), "Tuổi thơ dữ dội" (Phùng Quán) "Khi mùa xuân đến" (Lê Phương Liên), "Góc sân và khoảng trời" (Trần Ðăng Khoa), "Miền xanh thẳm" (Trần Hoài Dương)... Tuy nhiên, trong gần 20 năm đầu tiên của thế kỷ 21, số tác giả, tác phẩm viết cho thiếu nhi để lại ấn tượng mạnh mẽ đang vô cùng hiếm hoi. Ngoài một cái tên Nguyễn Nhật Ánh làm "khuynh đảo" nền văn học thiếu nhi trong nước với hàng loạt tác phẩm được trẻ em đón nhận nhiệt tình, thì thảng hoặc có một vài tác giả chú tâm vào mảng đề tài này, nhưng cũng chỉ trong một vài cuốn sách chứ không đi đường dài với bạn đọc nhí. Nguyễn Ngọc Thuần, một trong những nhà văn thế hệ 7X được kỳ vọng ở mảng thiếu nhi, sau các tác phẩm "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ", "Một thiên nằm mộng" cũng đã chuyển hướng viết cho người lớn. Những nhà văn trẻ sung sức như Nguyễn Ngọc Tư, Ðỗ Bích Thúy, Phan Hồn Nhiên, Vũ Thị Thanh Tâm, Vũ Ðình Giang... đều có tác phẩm viết cho thiếu nhi, nhưng dường như đây là mảng đề tài họ "ghé chơi" chứ không chuyên tâm "cày cuốc" lâu dài.
Dạo một vòng quanh các nhà sách có thể nhận thấy sách văn học cho thiếu nhi luôn chiếm một không gian lớn, nhưng phần lớn là truyện tranh, truyện dịch của các tác giả Nhật Bản, Ðài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc; số lượng sách của các tác giả trong nước rất ít. Trong đó, chỉ một vài tên tuổi được ưa chuộng vì tác phẩm viết đúng tâm lý, gần gũi với trẻ em; còn lại phần lớn là của các nhà văn tuổi không còn trẻ, viết cho thiếu nhi trong âm hưởng kể lại tuổi thơ của chính mình. Không gian, thời gian, câu chuyện, kỷ niệm trong các tác phẩm này đều là của quá khứ; rất khó để các thế hệ trẻ hôm nay có thể chia sẻ, thấy mình trong đó. Lứa nhà văn tuổi 20 rất khó để tìm ra người viết cho thiếu nhi. Không có, hoặc rất hiếm tác giả viết văn từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường; cho thấy công tác nuôi dưỡng tài năng văn học đang bị bỏ rơi, xao nhãng.
Cần sự quan tâm đúng mức
Văn học thiếu nhi thật sự không bé nhỏ như tên gọi cho nên rất cần sự quan tâm của hội nghề nghiệp từ trung ương đến địa phương, của các cơ quan truyền thông, báo chí và ngành giáo dục trong hoạt động chăm sóc, ươm mầm tài năng trẻ. Ngoài việc chăm chút để có một lực lượng người viết đủ mạnh tham gia, cần thiết hơn là phát hiện, bồi dưỡng những em nhỏ ngồi trên ghế nhà trường có khả năng sáng tác. Bởi các em chính là những người thể hiện chính xác nhất những ước mơ, mong muốn, tư duy, suy nghĩ của thế hệ mình và dễ dàng nhận được sự đồng cảm của bạn đọc. Một vài tác giả trẻ có những trang viết được chú ý từ tuổi học trò, được xem là có yếu tố "thần đồng" như Ðỗ Nhật Nam, Ðặng Chân Nhân, Ngô Gia Thiên An… lẽ ra phải được sự quan tâm nhiều hơn, nhất là Hội Nhà văn Việt Nam. Trước đây, trong số các hạng mục trao giải hằng năm của Hội có trao giải cho tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc, nhưng đến nay không còn nữa. Các hội văn học, nghệ thuật địa phương cũng không hơn, gần như xem nhẹ sáng tác cho thiếu nhi. Những tờ báo, tạp chí dành cho tuổi trẻ, tuổi mới lớn, thiếu niên, nhi đồng cho đến nay vẫn giữ được vị thế của mình trong việc cung cấp thông tin phục vụ bạn đọc nhỏ tuổi, nhưng ngặt nỗi, "đất đai" dành để đăng tải tác phẩm văn học thiếu nhi, tôn vinh các tác giả nhỏ tuổi ngày càng thu hẹp; thay vào đó là những thông tin giải trí bắt mắt đuổi theo xu hướng nghe nhìn là chính.
Nhà báo Nguyễn Như Mai, một trong những người sáng lập Hội bút Hương Ðầu Mùa lừng lẫy một thời của Báo Hoa Học Trò đóng góp cho đời sống văn học nhiều gương mặt nhà văn trẻ, nhận định: "Trẻ em thời nào cũng thích làm thơ, viết văn. Vấn đề của chúng ta là phát hiện ra các em có khiếu văn chương thật sự, khích lệ đưa các trang viết đó của các em đến với bạn đọc thông qua các kênh truyền thông, báo chí; từ đó nuôi dưỡng lòng say mê để các em tiếp tục viết. Nếu được quan tâm xứng đáng, nhiều cây bút trẻ tuổi học trò hôm nay sẽ có thể trở thành những nhà văn lớn trong tương lai".
Nhìn lại, các thập niên 80, 90 của thế kỷ 20, những tờ báo như Thanh Niên, Tiền Phong, Hoa Học Trò, Thiếu niên tiền phong, Áo Trắng, Mực Tím đã góp phần rất lớn vào việc hình thành nên một thế hệ nhà văn tuổi học trò. Các bút nhóm, hội bút hoạt động rất sôi nổi; các cuộc thi sáng tác liên tục được mở, tác phẩm dự thi đăng tải đều đặn trên các ấn phẩm hằng tuần. Nhiều trại sáng tác cho thiếu nhi của Hội Nhà văn, bên cạnh các nhà văn tâm huyết với đề tài thiếu nhi còn thu hút nhiều trại viên là các bạn trẻ viết văn đang ngồi ghế nhà trường. Ðây cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều tác phẩm hay viết cho tuổi mới lớn; rất nhiều nhà văn học trò ngày đó nay đã trở thành những cây bút chủ lực của đời sống văn học.
Xã hội có nhiều thay đổi trong hai thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21. Thời kỳ cách mạng công nghệ bùng nổ, nhiều hình thức giải trí, văn học đang phải nhường chỗ cho nhiều loại hình nghệ thuật. Bạn đọc của văn học thiếu nhi hôm nay cũng khác rất nhiều cả về nhu cầu đọc lẫn tâm lý tiếp nhận tác phẩm. Ðiều này đòi hỏi phải có một cuộc thay đổi trong chính những người làm công tác văn học, từ chăm chút tài năng đến việc "đỡ đầu" các tác phẩm cho nhà văn, nhất là nhà văn trẻ. Bên cạnh khuyến khích các nhà văn có thành tựu tiếp tục quan tâm đến mảng đề tài viết cho trẻ em, chúng ta không thể bỏ quên người viết trẻ, bởi họ chính là những người sẽ viết hay nhất về thế hệ mình. Ghi nhận, tôn vinh, khích lệ, trao giải thưởng, mở các lớp bồi dưỡng hay trại sáng tác cho nhà văn quan tâm đến đề tài thiếu nhi là những cách làm quan trọng để thay đổi suy nghĩ của chính người cầm bút, rằng đề tài thiếu nhi "nhỏ mà không nhỏ". Ðã đến lúc Hội Nhà văn Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật địa phương và cơ quan báo chí truyền thông, cần quan tâm mạnh mẽ, thiết thực hơn đến văn học thiếu nhi để từng bước xóa dần khoảng trống đáng lo ngại hiện nay. Một nền văn học thiếu vắng các tác giả, tác phẩm viết cho thiếu nhi là một nền văn học phát triển thiếu cân bằng, hài hòa, là thiệt thòi rất lớn cho bạn đọc nhỏ tuổi, những người sẽ trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.