Gắn với lịch sử phát triển của mỗi dân tộc, cùng với tiếng nói, chữ viết thì trang phục luôn là một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa. Theo thời gian, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trang phục truyền thống của các dân tộc đã có một số thay đổi để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Tuy nhiên, đang xuất hiện những biểu hiện đáng lo ngại có thể dẫn tới nguy cơ biến dạng, mai một, thậm chí mất đi những nét đặc sắc riêng có của trang phục truyền thống.
Theo số liệu điều tra mới đây của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thì có tới 40 trong số 54 dân tộc ở Việt Nam ít mặc trang phục truyền thống. Có thể kể đến như đồng bào các dân tộc ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ... ngày càng vắng bóng trang phục truyền thống của dân tộc mình, kể cả vào dịp lễ hội. Cùng với một số địa phương như Nghệ An, Gia Lai…, một số dân tộc ít người của Thái Nguyên cũng đã có biểu hiện không lưu giữ được trang phục truyền thống.
Lâu nay, chúng ta vẫn trân trọng, tôn vinh chiếc áo dài như là một biểu tượng cho văn hóa và tâm hồn người Việt. Song, bộ trang phục này cũng đã bị một số nhà thiết kế làm cho biến dạng, trở thành những sản phẩm thiếu thẩm mỹ, thậm chí lố lăng. Phổ biến nhất là tình trạng cắt xén táo bạo, biến trang phục nền nã, kín đáo trở thành một bộ cánh để khoe thân với phần cổ được khoét sâu, eo xẻ cao, tay áo bị cụt, thậm chí không có. Cá biệt, có những nhà thiết kế đã sử dụng chất liệu vải trong suốt để dựng nên chiếc áo dài "mặc cũng như không"; hoặc xuất hiện những hình ảnh hoa văn, phụ tiết được đặt không đúng vị trí của tà áo, gây phản cảm; hay áo dài lại được ghép đôi “cưỡng bức” với quần sooc, quần âu, tất lưới gợi cảm... làm cho không ít người phẫn nộ với cách hành xử phản văn hóa nêu trên.
Tương tự, việc lạm dụng áo yếm, áo tứ thân, áo bà ba để khoe thân, hoặc làm biến dạng các bộ váy truyền thống của người Thái, Tày, Mường, Dao... thành những sản phẩm thời trang lai căng, kệch cỡm cũng vấp phải sự phản ứng của cộng đồng. Cách đây không lâu, việc một số nghệ sĩ sử dụng khăn Piêu để làm "khố" trong một tiết mục biểu diễn cũng đã khiến các nhà nghiên cứu văn hóa và dư luận rất bất bình.
Có thể thấy, đâu đó đang tồn tại một khoảng trống rất đáng lo ngại trong cung cách ứng xử tùy tiện của một số người với trang phục truyền thống dân tộc. Có khi trang phục truyền thống được cho là lỗi thời, lạc hậu, thiếu tiện dụng nên không chỉ giới trẻ mà cả người lớn tuổi ở một số nơi cũng chẳng mặn mà với những trang phục này. Thay vào đó, hầu hết người dân chọn cách ăn mặc theo kiểu hiện đại, ngay cả trong những ngày lễ hội; việc nhận biết bản sắc, dân tộc qua cách ăn mặc hằng ngày tại không ít địa phương trở nên khó khăn.
Một số bản làng đồng bào dân tộc ít người, rất khó bắt gặp cư dân mặc trang phục truyền thống; công chúng chỉ có thể tiếp xúc với các bộ trang phục truyền thống ở các viện bảo tàng, qua phim ảnh hay sân khấu truyền thống. Song, trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật, các bộ trang phục này cũng được cải biên, cách điệu để phù hợp với sân khấu như tối giản họa tiết, phụ kiện, thay thế chất liệu thích hợp... Nhiều trường hợp, có khi vì thiếu tư liệu gốc hoặc ẩu mà nhiều trang phục truyền thống trình diễn trên sân khấu lại theo lối phô trương, lòe loẹt, thiếu thẩm mỹ, sai lạc về bản sắc dẫn đến những ngộ nhận, nhầm lẫn của công chúng về trang phục của các thế hệ trước. Mặt khác, những năm gần đây nổi lên thái độ ứng xử với trang phục truyền thống qua việc làm mới, cách tân, cải biên làm biến dạng các trang phục truyền thống.
Trao đổi về nguyên nhân của vấn đề này, nhiều chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu cho rằng sự xa rời hoặc thu hẹp của trang phục truyền thống dân tộc trong sinh hoạt cộng đồng xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự phát triển của điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội tác động đến lối sống, thói quen sinh hoạt của người dân. Không phủ nhận, nhờ những nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo của các nhà thiết kế đã cho ra đời nhiều mẫu trang phục độc đáo, sinh động dựa trên mầu sắc, kiểu dáng, chất liệu, hoa văn, họa tiết truyền thống, gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc để trình diễn tại các sàn diễn thời trang hoặc nhan sắc quốc tế, góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của cộng đồng các dân tộc Việt Nam với bạn bè thế giới. Nhưng những tác giả làm được điều đó không nhiều.
Trang phục truyền thống có vai trò như chỉ dấu văn hóa riêng cho mỗi dân tộc, tạo nên sự đa dạng, phong phú trong trang phục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhưng khi bản sắc văn hóa trong trang phục bị phai nhạt, biến dạng, thậm chí bị khước từ khỏi đời sống sẽ là hồi chuông báo động về nguy cơ xa rời các giá trị truyền thống, đánh mất cội nguồn văn hóa.
Để trang phục truyền thống dân tộc có chỗ đứng xứng đáng trong sinh hoạt của cộng đồng thì bên cạnh những kế hoạch, chính sách bài bản, khoa học và các giải pháp khả thi từ phía cơ quan chức năng, rất cần sự hỗ trợ, hợp tác nhiệt thành của cả cộng đồng. Trước hết là việc chính mỗi cộng đồng dân tộc cần chủ động và tự giác coi việc gìn giữ, phát triển trang phục truyền thống của dân tộc mình là việc phải làm cho hiện tại và tương lai.
Chỉ khi mỗi cá nhân cho tới cả cộng đồng nhận thức đúng đắn, tự giác trong ứng xử với trang phục truyền thống thì giá trị văn hóa đặc sắc về trang phục mới được tôn vinh và có vị trí xứng đáng trong đời sống xã hội, góp phần vun đắp và gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc.