Nỗi niềm di tích

07:30, 20/11/2019

Hiện trên địa bàn tỉnh ta có 778 di tích lịch sử, văn hoá. Theo phân cấp quản lý khai thác, phát huy giá trị di tích: Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gồm 16 di tích, do Ban Quản lý di tích lịch sử, sinh thái ATK Định Hoá quản lý; cấp huyện, thành phố và thị xã quản lý 249 di tích đã được xếp hạng Quốc gia và cấp tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn quản lý 513 di tích đã được kiểm kê, phúc tra…  

Một ghi nhận trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh ta thời gian qua là hiệu lực công tác quản lý Nhà nước được nâng cao, nhân dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện tham gia bảo vệ di tích. Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong 3 năm gần đây, Sở đã lập hồ sơ khoa học, trình cấp có thẩm quyền quyết định xếp hạng 40 di tích cấp tỉnh, 6 di tích Quốc gia, đây là cơ sở quan trọng để thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Theo đó, tính đến tháng 11-2019, trên địa bàn tỉnh có 1 khu di tích Quốc gia đặc biệt; 49 di tích Quốc gia; 205 di tích cấp tỉnh đã được lập hồ sơ khoa học xếp hạng theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa.

Từ năm 2016 đến nay, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 37 hồ sơ dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Tổng kinh phí được huy động đạt trên 100 tỷ đồng, trong đó từ ngân sách Nhà nước hơn 12,3 tỷ đồng, còn lại từ nguồn vốn huy động xã hội hoá và nguồn vốn hợp pháp khác. Nhiều di tích được tôn tạo với nguồn kinh phí xã hội hoá lớn, như: Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong Đại đội 915 hy sinh tại Lưu Xá, phường Gia Sàng (T.P phố Thái Nguyên) huy động xã hội hoá với tổng số tiền hơn 73 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục công trình trong khuôn viên Di tích; Địa điểm Trường Đảng Nguyễn Ai Quốc, xã Bình Thành (Định Hóa) do cán bộ, giảng viên, học viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ủng hộ xây dựng; Địa điểm thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương, xã Điềm Mặc (Định Hoá) do cán bộ, viên chức, người lao động của đơn vị này tự nguyện quyên góp, ủng hộ.

Tuy nhiên, còn có nhiều di tích đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng nguồn kinh phí chống xuống cấp cho di tích hạn chế, dẫn đến việc di tích bị hư hại song không được đầu tư tôn tạo; hoặc đã có sự đầu tư nhưng chưa đủ để bảo tồn di tích. Điển hình như Di tích đình Xuân La, đình Phương Độ, xã Xuân Phương (Phú Bình); Khu di tích lịch sử tiêu biểu thờ Vua Lý Nam Đế tại xã Tiên Phong (T.X Phổ Yên)... Đặc biệt là một số di tích lịch sử kháng chiến ở ATK Định Hoá được làm bằng vật liệu tự nhiên là tre, vầu, lá cọ, nên công trình có tuổi thọ không cao. Trước di tích lán ở và làm việc của Tổng Bí thư Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng làm việc tại Nà Mòn, xã Phú Đình được Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử sinh thái ATK Định Hoá treo biển: “Di tích hư hỏng do mưa bão, tạm dừng hoạt động”. Ông Nguyễn Văn Nương, Phó Trưởng Ban Phụ trách cho biết: Do thiệt hại quá nặng, Ban Quản lý buộc phải làm vậy, vì nếu sửa chữa sẽ cần một khoản kinh phí rất lớn. 

Đưa chúng tôi đến tham quan đền Mục, chùa Hương Ấp, chùa Mãn Tăng, ông Hà Trọng Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phong chỉ cho chúng tôi xem trong di tích có nhiều cột mọt, mục, mái bị mưa dột, tường nứt, vữa bở rơi xuống nền và đang chờ… dự án tu bổ, tôn tạo. Nói về việc di tích xuống cấp, bà Vũ Thị Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Minh (Võ Nhai) không giấu diếm: Trên địa bàn xã có Di tích đình Làng Vàng, thờ Thành hoàng Dương Tự Minh. Tháng 9-2019, đình được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, nhưng địa phương chưa có kinh phí xây dựng tường rào bảo vệ. Dời Võ Nhai, chúng tôi đến huyện Phú Lương, thăm Địa điểm Xưởng Quân giới - nơi chế tạo thành công súng Bazôka ở đồi Tây Máy, thị trấn Giang Tiên. Một di sản Quốc gia gần như không phát huy được giá trị bởi thiếu vắng bóng nhân dân, du khách đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng Phòng Văn hoá Thông tin huyện đúc kết: Địa điểm Xưởng Quân giới đang trong tình trạng xuống cấp, về mùa mưa, nhiều hạng mục công trình trong khuôn viên Di tích bị ngập sâu trong nước.

Còn rất nhiều di tích lịch sử, văn hoá đã và đang xuống cấp, nhưng nguồn kinh phí sửa chữa, tu bổ, tôn tạo từ Nhà nước hạn chế. Bởi thế rất cần sự chung tay đóng góp của người dân, chia sẻ cùng Nhà nước về kinh phí tu sửa, tôn tạo để di tích trường tồn cùng thời gian.