Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (Phong trào), một phong trào lớn huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện và phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, và toàn dân tham gia. hiệu quả Phong trào từng bước thay đổi diện mạo đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần vùng nông thôn và đô thị theo hướng tích cực, góp phần đảm bảo an sinh xã hội; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân với Đảng, nhà nước.
Điều ghi nhận từ Phong trào là ngày càng có nhiều mô hình về gia đình, khu dân cư văn hóa tiêu biểu xuất sắc được nhân rộng; cảnh quan, đường làng, ngõ xóm, các công trình công cộng từng bước được nâng cấp, hoàn thiện, nhiều khu dân cư, người dân tự tổ chức trồng hoa bên lề đường tạo môi trường phong quang, xanh, sạch, đẹp. Từ chất lượng, hiệu quả Phong trào được nâng cao, tệ nạn xã hội giảm, nhiều khu dân cư không phát sinh tệ nạn xã hội mới, không có người vi phạm pháp luật. Từng cơ sở đã nghiêm túc thực hiện việc rà soát, kiểm tra các hoạt động Phong trào, qua đó kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn cho nhân dân chấp hành đúng quy ước, hương ước cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhất là trong thực hiện bình xét danh hiệu gia đình văn hóa; xóm, tổ dân phố, cơ quan văn hóa được triển khai thực hiện dân chủ, công khai, đúng quy định. Kết quả năm 2019, toàn tỉnh có 291.633 hộ đạt tiêu chí gia đình văn hoá, đạt 90,57%; 2.650 xóm, tổ dân phố được công nhận danh hiệu văn hóa, đạt 91,28%; 1.535 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, đạt 94,4%.
Từ xác định rõ vai trò, tầm quan trọng của Phong trào, nên ngay từ đầu năm, ban chỉ đạo Phong trào các cấp được kiện toàn, củng cố, từng nội dung Phong trào được cụ thể hóa phù hợp với từng khu dân cư. Để nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân, ban chỉ đạo Phong trào đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật Nhà nước, vận động mọi người dân đăng ký tham gia. Trong năm 2019, ban chỉ đạo các cấp đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho gần 200 cán bộ, công chức văn hóa xã về nội dung triển khai thực hiện Phong trào; phát hành hơn 3.000 cuốn sách có chủ đề "Nét đẹp quê hương"; phát hành 3.260 cuốn tài liệu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Phong trào; tổ chức trên 1.000 buổi chiếu phim phục vụ hơn 70.000 lượt nhân dân vùng khó khăn; tổ chức 119 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị; căng treo trên 300 băng rôn tuyên truyền; in ấn cấp phát 2.800 tờ rơi, tờ gấp và sách nghiệp vụ công tác văn hóa. Các huyện, thành phố và thị xã tổ chức trên 1.430 buổi giao lưu văn nghệ quần chúng, 960 giải thể thao quần chúng, thu hút gần 400.000 lượt người tham gia. Các cơ quan chức năng đã phối hợp tổ chức 136 cuộc tuyên truyền, lồng ghép, phổ biến rộng rãi các thông tin về Phong trào xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; xóa giảm nghèo, bảo vệ an ninh trật tự và các văn bản pháp luật của Nhà nước, thu hút gần 10.000 lượt người tham gia. Qua công tác tuyên truyền, nhận thức về Phong trào, ý thức chấp hành pháp luật của người dân được nâng cao, nhất là vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Với vai trò là cơ quan Thường trực ban Chỉ đạo Phong trào, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Sở) chủ động tổ chức các hoạt động khảo sát, đánh giá công tác xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước trên địa bàn tỉnh. Đến năm 2019, trên toàn tỉnh có 2.902 xóm, tổ dân phố xây dựng được hương ước, quy ước, đạt 99,96%, trong đó có 361 hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung. Ông Nguyễn Mạnh Thường, Trưởng Phòng Xây dựng đời sống Văn hóa và Gia đình cho biết: 100% số bản hương ước, quy ước của các xóm, tổ dân phố được sửa đổi, bổ sung đã loại bỏ đi những điểm bất cập, trái quy định pháp luật; đồng thời bổ sung được những điểm mới như tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường tự nhiên. Đặc biệt, các quy định cụ thể về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Những nội dung mới được đưa vào quy ước, hương ước là cơ sở quan trọng cho các địa phương thực hành tiết kiệm, trang trọng, lành mạnh trong các hoạt động nghi lễ có liên quan đến đời sống văn hóa tinh thần, qua đó khơi dậy và phát huy được bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc.
Nổi bật trong Phong trào là hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao tiếp tục được quan tâm đầu tư. Từng địa phương đã có nhiều linh hoạt về xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, như huy động các nguồn lực xã hội, vận động nhân dân tham gia đối ứng cùng Nhà nước xây dựng nhà văn hóa, sân chơi thể thao. Để giảm sức đóng góp, đồng thời khuyến khích, vận động nhân dân tại các khu dân cư trong xây dựng, sửa chữa nâng cấp nhà văn hóa, các địa phương như T.P Thái Nguyên hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà xây mới; huyện Phú Lương hỗ trợ 2 mức: 30 và 35 triệu đồng/nhà xây mới; T.X Phổ Yên hỗ trợ 2 mức: 40 và 50 triệu đồng/nhà xây mới… Đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 180 xã có trung tâm văn hóa - thể thao và nhà văn hóa, đạt 100%; 2.653 xóm, tổ dân phố có nhà văn hóa, đạt 91%. Ngành Văn hóa cũng đã cấp 13 bộ trang thiết bị vui chơi giải trí cho trẻ em và người cao tuổi cho 13 xã đăng ký về đích nông thôn mới năm 2019.
Có nhà văn hóa, sân chơi thể thao, người dân có điều kiện tham gia hội họp, tham gia rèn luyện thể dục, thể thao. Nhờ vậy, phong trào thể dục, thể thao quần chúng trên toàn tỉnh phát triển sâu rộng tới mọi đối tượng, địa bàn với nhiều hình thức hoạt động phong phú. Theo số liệu tổng hợp của Sở: Hiện toàn tỉnh có gần 30% số dân tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên, trong đó có 23% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình thể thao; 100% số trường học các cấp đảm bảo công tác giáo dục thể chất có chất lượng; 85% số trường học các cấp thực hiện chương trình ngoại khoá có nề nếp... Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở, Phó Trưởng ban Thường trực ban Chỉ đạo Phong trào tỉnh: Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vừa là nơi tổ chức hội họp, học tập cộng đồng; truyền tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức khoa học kỹ thuật, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh tới người dân, vừa góp phần tạo sự gắn kết các thành viên trong cộng đồng dân cư, tăng tình đoàn kết xóm làng, nâng cao dân trí cho nhân dân...