Nhóm Đình làng Việt đã góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nhiều di sản văn hóa gắn với không gian văn hóa đình làng, không gian văn hóa truyền thống của người Việt.
Đình làng Việt là nhóm hoạt động tự nguyện, do nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình sáng lập, dành cho những người yêu di sản, văn hóa truyền thống của người Việt. Tận dụng tính năng kết nối, chia sẻ của mạng xã hội Facebook, Nhóm Đình làng Việt đã cùng cộng đồng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Hình thành từ năm 2014, nhóm Đình làng Việt là nơi các thành viên chia sẻ thông tin, kiến thức về đình làng như: kiến trúc, chạm khắc, trang trí và những kiến thức về lịch sử, văn hóa của mỗi ngôi đình. Ban đầu từ vài trăm thành viên, đến nay Nhóm Đình làng Việt phát triển nhanh chóng và đã có hơn 16.000 thành viên. Họ là những người đang sinh sống cả ở trong và ngoài nước, thuộc nhiều thành phần trong xã hội, có chung một tình yêu với di sản văn hóa truyền thống dân tộc, đặc biệt là đình làng.
Từ việc tổ chức các chuyến đi điền dã, khảo sát thường xuyên, các thành viên nhóm Đình làng Việt được tiếp cận trực tiếp với di sản, được bàn luận, tìm hiểu về giá trị kiến trúc, văn hóa… Từ đó, nhóm đã thông tin đến cộng đồng những giá trị về văn hóa, lịch sử của các di sản, mặt khác, cảnh báo nguy cơ xuống cấp của các di tích, sự biến dạng di tích do thiên nhiên và con người. Nhiều dự án trùng tu, tôn tạo di tích được các cơ quan chức năng xin ý kiến đóng góp về chuyên môn từ những chuyên gia của Đình làng Việt như Hậu Yên Thế, Trần Trọng Dương, Nguyễn Hoài Nam…
Quản trị viên, sáng lập viên của nhóm Đình Làng Việt, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, cho biết: “Trong nhóm chúng tôi có một số nhà nghiên cứu, trong đó có 2 quản trị viên là Trần Hậu Yên Thế và Trần Trung Hiếu. Kiến trúc sư Trần Trung Hiếu đang kết hợp với các nhà nghiên cứu khác để xuất bản những cuốn sách về đình làng, về phật giáo, về hoa văn biểu tượng.
Còn Trần Hậu Yên Thế năm qua cũng đã xuất bản được một số sách. Anh là người chuyên nghiên cứu về linh vật con nghê, phục dựng thành công nhiều đôi nghê, sư tử trở về văn hóa truyền thống người Việt. Năm nay chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội chúng tôi sẽ ra cuốn sách mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội do nhà xuất bản Hà Nội ấn hành. Chúng tôi sẽ tập trung vào các công trình nghiên cứu hơn ví dụ xuất bản cuốn sách về áo dài nam truyền thống. Chúng tôi đang lên kế hoạch ra mắt bộ sách Đình làng Việt trong năm 2020.”
Không dừng lại ở việc bảo tồn những ngôi đình, nhóm Đình Làng Việt cũng tham gia vào việc bảo tồn nhiều di sản văn hóa như: hát xẩm, ca trù, hát văn, hát xoan, đờn ca tài tử… Thời gian qua, những hoạt động của Nhóm Đình Làng Việt được xã hội đánh giá cao như: Triển lãm đình làng Việt; hội thảo, tọa đàm bảo tồn các di tích; tổ chức các chuyến đi tham quan các di tích cho học sinh, sinh viên; tái hiện không gian Tết Trung thu truyền thống, không Tết Việt xưa ở các bảo tàng, đình làng hay các khu di tích.
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó Ban quản lý phố cổ Hà Nội, cho biết: “Nhóm Đình Làng Việt phối hợp với Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện không những ở trong khu vực phố cổ Hà Nội mà còn ở cả khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nhóm Đình làng Việt cũng hỗ trợ chúng tôi mấy năm nay tổ chức lễ hội đền vua Lê. Hoạt động nổi bật của nhóm Đình làng Việt đó là bảo tồn áo dài nam và trình diễn thời trang áo dài nam, tọa đàm về ái dài nam, triển lãm áo dài nam truyền thống. Trong thời gian tới, Ban quản lý phố cổ Hà Nội và nhóm Đình làng Việt sẽ có nhiều hoạt động, công tác bảo tồn di sản văn hóa, giữ gìn nét đẹp truyền thống văn hóa ông cha xưa.”
Đến nay, Nhóm Đình làng Việt tập hợp được rất nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà báo… Họ có chung sự quan tâm, mong muốn tìm hiểu, học hỏi về giá trị văn hóa của Đình Làng Việt - di sản vốn rất gần gũi, thân thiết trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam.
Nhạc công, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đoàn Lâm, thành viên Nhóm Đình làng Việt, kể: “Tết Kỷ Hợi 2019, nhóm Đình Làng Việt tham gia dựng cây nêu ở đình Lệ Mật. Trong giây phút thiêng liêng ngày Tết, khi chiêng trống nổi lên, thủ từ đình làng Việt cũng ra khấn vái nên tự nhiên tất cả mọi người đều có sự cộng cảm rất đặc biệt, gắn bó, chia sẻ bản sắc văn hóa dân tộc. Chúng tôi rất vui mừng vì thấy mọi người có xu hướng phục cổ, ví dụ dựng cây nêu, mặc áo dài đi lễ.”
Những hoạt động thiết thực vì xã hội của Nhóm Đình làng Việt được các nhà quản lý và chuyên môn coi là một “kênh thông tin” nhanh nhạy và hữu ích để biết được tình hình, thực trạng di tích Đình làng Việt ở khắp mọi nơi trên đất nước. Nhóm Đình làng Việt đã góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của nhiều di sản văn hóa gắn với không gian văn hóa đình làng, không gian văn hóa truyền thống của người Việt.