Phát huy sức mạnh cộng đồng trong bảo vệ di tích

08:30, 17/03/2020

Vẳng nghe lời thơ cất lên trong trẻo giữa núi rừng Việt Bắc: “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng” (thơ Tố Hữu). Vời vợi xa mà gần gũi, thân thương giữa thủ đô gió ngàn Định Hoá. Bởi những năm tháng hào hùng dân tộc đã đi vào sử xanh, nhưng đọng lại, vẹn nguyên dưới tán cọ, rừng vầu từng mái lán đơn sơ có gió rừng thầm thì kể chuyện.  

Trên địa bàn của tỉnh có 810 di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê, bảo vệ theo quy định của Luật Di sản văn hoá, trong đó có 510 di tích lịch sử; riêng huyện Định Hoá có 128 điểm di tích, trong đó có 17 di tích xếp hạng Quốc gia, 6 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Bà Trần Thị Nhiện, Trường Phòng Quản lý Di sản văn hoá (Sở Văn Hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Xác định giá trị của hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, từ nhiều năm nay, tỉnh đã quan tâm thực hiện các dự án đầu tư, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích. Điều đó được thể hiện thông qua các hoạt động tổ chức sưu tầm tư liệu, hiện vật; gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tọa đàm, hội thảo khoa học, lập hồ sơ khoa học di tích và trình cấp có thẩm quyền xếp hạng. Đặc biệt là sự tham gia vào cuộc của cộng đồng dân cư, đã góp phần quan trọng cùng các cấp, ngành chức năng trong công tác tôn tạo; quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Chúng tôi xúc động khi tận mắt chứng kiến những người dân có nhà ở gần di tích lịch sử cách mạng, đã coi việc chăm nom di tích như việc của nhà mình. Ví như tại Di tích lán Khau Tý (Điềm Mặc), nơi Bác Hồ chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi về ATK lãnh đạo nhân dân ta thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chúng tôi được ông Nông Đình Dược, người dân xóm Bản Quyên cho biết: Xóm thường xuyên tổ chức cho nhân dân làm vệ sinh môi trường quanh khu vực Di tích. Và chúng tôi đã làm việc đó bằng tất cả niềm tự hào… Còn đồng chí Ma Đình Soạn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Trên địa bàn xã có 24 di tích lịch sử cách mạng. Hầu hết các di tích đều có sự tham gia hiến đất, hiến công và tham gia bảo vệ di tích, làm sạch đẹp môi trường của nhân dân địa phương.

Về xóm Thẩm Tẳng, xã Định Biên, thăm Di tích lịch sử kháng chiến Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam (1950-1954), chúng tôi gặp bà Triệu Thị Cần đang lúi húi quét dọn, rồi mang nhang, đèn, oản, hoa quả đến thắp hương tại Di tích. Bà Cần cho biết: Nhà tôi ở giáp với Di tích, nên mùng Một, ngày Rằm đều làm như vậy…

Thuận đường, chúng tôi đến thăm Di tích lịch sử kháng chiến “Cục Tác chiến” - Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam ở xóm Bảo Biên 1, xã Bảo Linh, chúng tôi gặp ông Ma Công Tinh cùng một số người dân địa phương đang phát dọn cỏ dọc bên đường vào Di tích. Khi được hỏi, ông Tinh cho biết: Di tích nằm ở địa phương, tức là nằm ở lòng dân, nên chúng tôi tự vận động nhau cùng tham gia gìn giữ cảnh quan môi trường, bảo đảm sạch, đẹp, phong quang, sẵn sàng đón khách. Nhất là với thế hệ trẻ, các học sinh, sinh viên thì đây là một trong những địa chỉ đỏ cho các cháu học tập, nghiên cứu và tiếp nối truyền thống yêu nước của cha ông mình. Và khi đến xóm Phú Hà, thăm Di tích lịch sử Thẩm Khen (Phú Đình) - nơi đồng chí Phạm Văn Đồng từng ở và làm việc, ông Nguyễn Văn Bình, người dân tham gia trông coi Di tích tự hào: Để Di tích luôn sạch, đẹp, tạo ấn tượng tốt trong lòng du khách, mỗi ngày, tôi đều quyét dọn từng bậc đá lên xuống khu nhà và các tuyến đường nội bộ trong khuôn viên Di tích.

Tất cả họ - những người dân nơi thủ đô gió ngàn Định Hoá luôn biết trân trọng, coi di tích lịch sử cách mạng là tài sản quý giá của toàn dân. Nên tự nhắc nhở nhau tích cực tham gia với các cơ quan chức năng cùng gìn giữ, tôn tạo, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử cách mạng.