Tác phẩm đoạt giải của em Nguyễn Ngọc Gia Hân, 12 tuổi, trong cuộc thi Sáng tác nhân vật siêu anh hùng đẩy lùi thiên tai và biến đổi khí hậu đã được chuyển thể thành phim hoạt hình về biến đổi khí hậu nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam giới thiệu một phim hoạt hình mới về biến đổi khí hậu nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất 22-4.
Phim hoạt hình được đặt tên theo nhân vật siêu anh hùng - Hải Mộc Nhi - một em gái có sức mạnh đáng kinh ngạc, có thể thức tỉnh và tập hợp mọi người cùng đoàn kết chống lại biến đổi khí hậu để giải cứu Trái đất. Phim hoạt hình được xây dựng dựa trên cốt truyện và tranh vẽ của bạn Nguyễn Ngọc Gia Hân, 12 tuổi, sống tại Hà Nội.
Nguyễn Ngọc Gia Hân chia sẻ, với câu chuyện này, em muốn nói với mọi người rằng, biến đổi khí hậu đang đe dọa cuộc sống của tất cả chúng ta. Và chỉ khi chúng ta cùng đoàn kết, chung tay góp sức, mới có thể bảo vệ được chính mình. Siêu sức mạnh của Hải Mộc Nhi - siêu sức mạnh của chúng ta - chính là sức mạnh của con Rồng cháu Tiên, siêu sức mạnh của núi rừng và biển cả, vốn đã sẵn có trong mỗi con người Việt Nam.
Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậ. Điều này có thể sẽ hủy hoại nhiều kết quả đã đạt được trong lĩnh vực bảo đảm sự sống và phát triển của trẻ em, cũng như đưa đến nhiều hiểm họa trong tương lai. “Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất năm nay, việc đại dịch Covid-19 đang diễn ra đã cho chúng ta một bài học quý báu về việc phải trân trọng và bảo vệ Trái đất duy nhất mà chúng ta đang có. Điều này cũng nhắc nhở rằng, cuộc sống quý giá biết bao, không khí trong lành quan trọng như thế nào đối với phổi của chúng ta, được sử dụng nước sạch có giá trị thế nào đối với sức khỏe của chúng ta, giúp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh tật - toàn thế giới có thể cùng nhau đoàn kết lại để giải quyết các vấn đề lớn, nhưng chúng ta cần hành động ngay hôm nay để bảo đảm tương lai cho con em chúng ta”, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam, nhận định.
Nguyễn Ngọc Gia Hân giành giải ba trong cuộc khi sáng tác nhân vật siêu anh hùng đẩy lùi thiên tai và biến đổi khí hậu, do UNICEF, Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) và Hội đồng Đội Trung ương phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của nữ nghệ sĩ - ca sĩ Lê Cát Trọng Lý.
Cuộc khi đã kêu gọi trẻ em trên khắp Việt Nam sáng tác một nhân vật siêu anh hùng có thể giải cứu Trái đất và chống lại thiên tai và biến đổi khí hậu. Hải Mộc Nhi đã được DeeDee Animation Studio, một công ty tại Việt Nam, chuyển thể từ cốt truyện thành phim hoạt hình để hỗ trợ UNICEF.
Tác phẩm đạt giải nhất cuộc khi Sáng tác nhân vật siêu anh hùng đẩy lùi thiên tai và biến đổi khí hậu cũng sẽ được chuyển thể thành phim hoạt hình và dự kiến ra mắt giới thiệu vào cuối năm nay.
Theo Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên - Môi trường), chủ đề Ngày Trái đất 22-4-2020 được Liên hợp quốc lựa chọn là “Hành động vì khí hậu”, bởi biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của thế giới trong tương lai.
Ngày Trái Đất được Liên hợp quốc công nhận từ năm 2009, trở thành sự kiện thường niên được cả thế giới tổ chức, nhìn nhận về giá trị môi trường tự nhiên của Trái đất, kêu gọi sự tham gia tích cực của mỗi người để chung tay bảo vệ hành tinh.
Sự kiện Ngày Trái đất 2020 hướng tới xây dựng một thế hệ các nhà hoạt động vì môi trường mới, thu hút hàng triệu người trên toàn thế giới cùng thực hiện các hành động vì môi trường, vì Trái đất.
Có rất nhiều cách để mỗi cá nhân có thể làm giúp bảo vệ và khôi phục Trái đất. Hãy tham gia dọn dẹp, hoặc tham gia các chiến dịch vì khí hậu, thực hiện các sáng kiến khoa học hay tổ chức một sự kiện trong cộng đồng của mình để bảo vệ Trái đất là những hành động thiết thực cần thực hiện ngay bay giờ.
“Thế giới cần bạn và những hành động của bạn” là thông điệp chính của Ngày Trái đất năm 2020 gửi đến toàn thế giới.
Sự kiện Ngày Trái đất đầu tiên được tổ chức vào năm 1970 đã thu hút hàng triệu người dân Mỹ tham gia hưởng ứng, nhận thức về việc bảo vệ Trái đất. Vào ngày 22-4-1970, khoảng 20 triệu người Mỹ (chiếm khoảng 10% dân số Mỹ vào thời điểm đó) đã xuống đường tuần hành tại nhiều thành phố, cùng với các hoạt động của sinh viên được tổ chức tại khuôn viên các trường đại học, để phản đối sự thiếu hiểu biết, nhận thức về môi trường và đòi hỏi một hướng đi mới để bảo vệ hành tinh. Do đó, Ngày Trái đất đầu tiên được ghi nhận là sự kiện khởi động thúc đẩy các phong trào bảo vệ môi trường.