Vai trò của sách, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với nhân loại và cuộc sống của mỗi người là điều không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, đời sống xã hội phát triển, cộng với sự bùng nổ của công nghệ số đã khiến nhu cầu đọc sách theo phương pháp truyền thống có nhiều thay đổi, đòi hỏi thị trường sách phải phong phú, đa dạng hơn.
Hai năm trở lại đây, thị trường sách ở Thái Nguyên đã phong phú hơn nhờ sự góp mặt của một số nhà sách mới như: Nhà sách Tiền Phong, Nhà sách tại Trung tâm thương mại Vincom...; cùng với đó là sự mở rộng quy mô của một số hiệu sách đã có từ lâu trên địa bàn T.P Thái Nguyên. Thị hiếu của người đọc đang có sự dịch chuyển; người đọc có “gu” hơn khi chọn lựa các dòng sách là nhận xét của không ít nhân viên bán hàng.
Nhà sách Tiền Phong, có địa chỉ tại 3/1, đường Bắc Kạn (T.P Thái Nguyên), sau khi đi vào hoạt động năm 2018 đã nhanh chóng trở thành điểm đến của nhiều người yêu sách. Nhân viên bán hàng tại đây cho biết: Ngoài sách giáo khoa, dòng sách được khách hàng tìm kiếm phổ biến là về kỹ năng, giúp người đọc “định vị” được giá trị bản thân. Một số cuốn sách được ưa chuộng có thể kể đến: Nhà giả kim; Đắc nhân tâm; Bạn đắt giá bao nhiêu…
Sách chứa đựng tri thức vô tận, có loại sách hàn lâm, nghiên cứu nhưng cũng có rất nhiều sách hướng con người tới những hành vi đúng đắn rất cụ thể trong cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Thắng, tổ 13, phường Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Vợ chồng tôi có thói quen đọc truyện thiếu nhi cho 2 con nhỏ nghe vào các buổi tối. Không chỉ muốn hình thành thói quen đọc sách, đôi khi những câu chuyện phù hợp còn giúp các cháu ngoan hơn.
Là một người mẹ, lại tham gia một số diễn đàn trao đổi về sách, tôi biết không ít các bậc phụ huynh vốn vẫn loay hoay trước câu hỏi nên chiều chuộng, đáp ứng các nhu cầu của con cái hay nghiêm khắc và dạy cho con biết lao động từ nhỏ? Cho đến khi chúng tôi tìm đọc được 2 tập của cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” - cuốn tự truyện về cách giáo dục con của một bà mẹ người Do Thái thì dường như tất cả đã có và thống nhất được câu trả lời cho chính mình… Với những gì đã từng nếm trải trong cuộc đời, tôi hiểu sách không phải là liều “thuốc tiên”, nhưng công dụng giúp con người sống bản lĩnh hơn, khôn ngoan hơn, ý nghĩa hơn...
Cán bộ Thư viện tỉnh sắp xếp sách để luân chuyển về cơ sở (ảnh chụp trước khi có những khuyến cáo về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19).
Thế nhưng trước sự phát triển mạnh như vũ bão của công nghệ số hiện nay, văn hóa nghe, nhìn đã và đang lấn át văn hóa đọc. Tìm đến một chuyên gia trong lĩnh vực này, chúng tôi được Nhà phê bình - PGS.TS Cao Thị Hồng, phụ trách Khoa Báo chí Truyền thông và Văn học, Trường Đại học Khoa học Thái Nguyên, chia sẻ: Thói quen đọc sách đã giảm. Ngay cả sinh viên các trường đại học, thầy cô cũng ít đọc, thậm chí có người cả năm không đọc trọn vẹn cuốn sách nào! Bản thân tôi thì cho rằng, không có gì thay thế được việc tự đọc sách, bởi đó là một hành vi văn hoá và mang đến cho người đọc nhiều giá trị khác khi tự mình đối diện và đối thoại trước trang giấy in những dòng chữ. Đọc sách không đơn thuần để lấy nội dung thông tin như kiểu “robot” nạp điện mà là để nuôi dưỡng tinh thần và tâm hồn, phát triển trí tuệ. Sự cộng hưởng của nhiều tiềm năng ẩn tàng trong con người sẽ được khơi dậy từ văn hoá đọc sách.
Cũng bởi những giá trị tốt đẹp đó mà trong suốt nhiều năm qua, ngành Văn hóa nói chung và lĩnh vực thư viện nói riêng đã có nhiều cố gắng hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của văn hóa đọc. Bên cạnh tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc mỗi năm 1 lần (đã qua 6 lần tổ chức), ngành Văn hóa đã nỗ lực xây dựng thư viện và đẩy mạnh văn hóa đọc. Ông Đỗ Bình Nguyên, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Đến nay, ngoài Thư viện tỉnh và 9 thư viện ở các huyện, thành, thị còn có 25 thư viện cấp xã, hơn 100 tủ sách tại nhà văn hóa các xóm, bản, tổ dân phố và một số nhà sách tại các phân trại của Trại giam Phú Sơn 4.
Những cố gắng ấy là không nhỏ nhưng dường như hiệu quả lại chưa được như mong đợi. Làm thế nào để phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng? Trả lời cho câu hỏi này, Nhà phê bình - PGS.TS Cao Thị Hồng cho rằng: Điều này trước hết phải được làm tốt trong nhà trường thông qua các hoạt động đọc sách thường xuyên và có hệ thống. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức giới thiệu sách hay, sách mới và hướng dẫn đọc cho mọi người; kết nối các tổ chức, cơ quan như nhà trường, nhà xuất bản, những người viết sách, làm sách... cùng vào cuộc; huy động và phát huy khả năng tâm huyết của những nhà giáo, nhà văn, nhà hoạt động xã hội... để họ có thể chia sẻ những điều bổ ích rút ra từ chính kinh nghiệm tự đọc, tự học của mình. Những người làm công tác quản lý cũng cần đổi mới cách làm trong việc tổ chức những Ngày hội sách sao cho chuyên nghiệp, hấp dẫn hơn để thu hút được sự quan tâm của công chúng. Có như vậy hoạt động này mới thực sự mang lại hiệu quả.