9 năm liên tục đạt danh hiệu Làng Văn hóa. Thành quả từ sự đồng thuận, chung sức của gần 80 hộ, với hơn 300 nhân khẩu xóm Chính Phú 1, xã Phú Xuyên (Đại Từ). Đặc biệt, 3 năm gần đây, các hộ dân ở xóm đã vận động nhau tạo dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp bằng việc mỗi hộ dành hàng trăn mét vuông đất xung quanh nhà để trồng trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả và rau xanh các loại.
Bằng cách làm này, Chính Phú 1 đã tạo nên nét khác biệt với nhiều làng văn hóa khác ở huyện Đại Từ. Ông Phạm Văn Nguyên, Trưởng xóm tâm đắc: Chúng tôi nhắm tới 3 lợi ích là kinh tế, môi trường và không gian đẹp quanh nhà ở cho từng hộ. Nhận thấy lợi ích nhiều chiều, nên khi xóm phát động, các hộ đều nhiệt tình tham gia. Bà con giúp nhau thiết kế không gian vườn; hỗ trợ nhau vốn vay không lấy lãi để mua vật liệu làm khung giàn treo hoa. Mỗi nhà một cách làm, có thể trồng phong lan, trồng hoa, cây cảnh, trồng cây ăn quả hoặc dành đất trồng rau xanh.
Để có một khuôn viên như vậy, các hộ dân tự dọn lại vườn bãi, chuyển chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực nhà ở. Ông Nguyễn Văn Tiến cho biết: Trước đây, nhiều hộ dân trồng chè vào đến giáp tường nhà, hoặc làm chuồng trại chăn nuôi ngay trước cửa. Vì thế mỗi lần phun thuốc trừ sâu cho cây chè, hoặc bón phân, mùi nồng nặc từ thuốc bảo vệ thực vật và phân bón “lảng vảng” trong nhà vài ba ngày mới đi hết. Với hộ chăn nuôi có đàn lợn từ 30 con trở lên hoặc đàn gà 50 con trở lên mỗi ngày đều phải sống chung với mùi chất thải ô nhiễm. Không chỉ nhà mình bị ảnh hưởng, mà các hộ lân cận cũng phải “chịu trận” do môi trường bị ô nhiễm.
Một trong những hộ đi tiên phong về việc tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp quanh nhà là gia đình ông Đỗ Văn Toàn, Trưởng Ban Công tác Mặt trận. Ông Toàn chia sẻ: Đất tiếp giáp quanh nhà tôi hiện là cây ăn quả và cây cảnh. Trong khuôn viên sân là phong lan các loại. Dù mới làm, nhưng hoa phong lan và cây cảnh cũng đã mang lại cho gia đình một khoản thu nhập nhất định… Để minh chứng lời mình nói, ông đưa chúng tôi đi một vòng quanh nhà, ngắm từng giò lan đổ nụ, cây cảnh mới lên chậu và vườn bưởi vừa độ đậu quả. Ông khoe: Trồng lan và cây cảnh vừa để chơi, vừa để bán. Còn mấy chục gốc cây ăn quả gồm bưởi, cam, mít tôi trồng chủ yếu để tạo cảnh quan môi trường sinh thái trong lành cho chính gia đình mình. Còn kinh tế cơ bản trông vào cây chè, từ 9.000m2 đất trồng chè, thu hoạch cả năm được 2 tấn chè búp khô, với giá bán bình quân 200.000 đồng/kg, tương đương với số tiền 400 triệu đồng.
Gia đình ông Toàn vừa chuyển vào nhà mới hôm trước Tết Nguyên đán năm 2020. Ngôi nhà xây theo kiến trúc hiện đại, người dân địa phương bảo đó là nhà mái Thái, xóm có nhiều hộ xây nhà như vậy. Tôi leo lên một ngọn đồi cao, nhìn xuống thấy từng ngôi nhà xây chắc chắn được bao bọc bởi một khuôn viên đẹp, trông giống như những ngôi biệt thự mini của một làng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Nhìn cảnh ấy có mấy ai biết được vùng đất này xưa kia là rừng hoang, gió hú, được những cư dân vùng Lý Nhân (Hà Nam) theo tiếng gọi của Đảng lên khai phá rừng, mở đất trồng chè, xây dựng khu kinh tế miền núi.
Hồi đó (năm 1965) có 13 gia đình gồng gánh đồ đoàn theo nhau đến đây lập nghiệp. Họ bạt đất, chặt cây rừng dựng lán ở, rồi hằng ngày đi phá đất trồng chè, trồng sắn. Đến năm 1970, cây chè cho thu hoạch, đời sống của cư dân trên vùng đất mới từng bước ổn định. Cùng thời gian, những mái ấm mới mọc lên bởi con cháu khôn lớn, tạo lập hạnh phúc riêng, nhưng cuộc sống cơ bản vẫn trông vào cây chè và chăn nuôi gà, lợn ở quy mô nhỏ. Tuy cuộc sống của mỗi người chưa hết khó khăn, song thành nếp, lớp sau theo lớp trước tự nguyện tham gia đóng góp tiền của, công sức lao động để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, như nhà văn hóa, sân chơi thể thao; hiến đất mở rộng đường và đóng góp tiền đối ứng cùng Nhà nước làm đường bê tông. Ông Lê Hữu Hợi nói phấn chấn: Đường vừa rộng, vừa đẹp, người dân cũng “hứng thú” hơn trong lao động sản xuất, vươn lên làm giàu.
Gia đình ông Hợi là hộ có nhiều chè nhất xóm, với gần 10.000m2, thu hoạch chế biến được 2,5 tấn chè búp khô/năm, tương đương với số tiền 500 triệu đồng. Hiện xóm có 26 ha chè đang cho thu hoạch, chủ yếu là chè cành giống mới như: LDP1, Kim Tuyên, Long Vân. Cuối năm 2019, xóm có 12 hộ được Sở Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ giống, phân bón để trồng mới 1 ha chè giống VN 15 và Hương Bắc Sơn. Hiện chè phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 100%. Ông Nguyễn Văn Dĩnh, một trong những hộ làm chè giỏi cho biết: Gia đình tôi có 7.000m2 đất chè, cũng như các hộ, gia đình tôi sản xuất chè an toàn nên được người tiêu dùng chấp nhận, tin dùng sản phẩm. Còn ông Đỗ Văn Thùy cho biết: Do địa hình đất dốc, nên gia đình tôi cũng như các hộ trồng chè đều tự bỏ tiền xây bể chứa nước, làm giếng khoan và đầu tư xây dựng hệ thống giàn tưới chè. Nhờ đó hơn 7.000m2 đất chè của gia đình tôi cho năng suất ổn định. Một số bãi chè thuận nước tưới được gia đình làm thêm chè vụ Đông.
Một xóm Chính Phú 1 trù phú, xanh tươi, với những người nông dân hiền lành chất pháp. Mỗi người dân trong xóm đều có ý thức chấp hành các quy ước, hương ước chung, góp sức xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và còn hạnh phúc nào hơn khi mỗi ngôi nhà ở nơi đây đều là nơi đáng sống.