Mục tiêu của ngành du lịch tỉnh đón trên 3,6 triệu lượt du khách năm 2020; tổng doanh thu của các doanh nghiệp trên địa bàn đạt trên 460 tỷ đồng sẽ khó hoàn thành bởi ảnh hưởng đại dịch COVID - 19. Tuy nhiên, khó khăn cũng là thời điểm để các đơn vị có thêm sự chuẩn bị tốt hơn về cơ sở vật chất cũng như nâng cao trình độ cho nhân lực.
Những tháng đầu năm, vào mùa du lịch trọng điểm thì hàng loạt các hoạt động lễ hội văn hóa, thể thao đã phải tạm dừng tổ chức. Và dự kiến Festival Trà 2020 tổ chức vào tháng Tư năm nay cũng phải tạm hoãn. Tuy nhiên sau hụt hẫng ban đầu vì không có khách, nhiều doanh nhân trong ngành du lịch đã trấn tĩnh, cho rằng đây là phương thuốc thử về khả năng, năng lực đối với từng đơn vị; đồng thời là cơ hội cho nhà quản lý, các doanh nhân ngành du lịch kiểm lại mình. Để từ đó có ý thức đoàn kết, củng cố, tạo chuỗi liên kết, xây dựng tuor tuyến, tìm ra các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn đối với du khách để sẵn sàng vào cuộc, khôi phục nhanh thị trường du lịch khi dịch COVID - 19 đi qua.
Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Ngành đã xây dựng được Kế hoạch kích cầu du lịch, khôi phục thị trường khách hậu dịch COVID - 19. Với thông điệp “Thái Nguyên an toàn”, Ngành hướng dẫn các đơn vị hoạt động kinh doanh du lịch tham gia thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Vận động các đơn vị tham gia chương trình kích cầu du lịch; đăng ký chương trình khuyến mãi du lịch nội địa với Tổng cục Du lịch và Hiệp Hội Du lịch Việt Nam; đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh trên toàn quốc.
Tuy nhiên, trong thời gian dịch đang diễn biến phức tạp, hầu hết các đơn vị làm du lịch chấp nhận hủy hợp đồng; không nhận hợp đồng mới vì chưa biết đến khi nào dịch mới chấm dứt. Do vậy việc cần làm lúc này đối với các doanh nghiệp, doanh nhân trong lĩnh vực du lịch là tập trung xây dựng hình ảnh của đơn vị thông qua cách ứng xử có văn hóa, như vui vẻ chấp nhận hủy hợp đồng tuor tuyến, lưu trú, ẩm thực. Trong thời gian từ tháng 3 về trước, cho dù lượng khách giảm đến 90%, nhưng hầu hết các đơn vị đều chấp hành tốt việc tham gia phòng, chống dịch. Một số lượng khách không đáng kể có nguyện vọng tiếp tục được tham quan các điểm đến; thưởng thức ẩm thực và lưu trú vẫn được đáp ứng với thái độ phục vụ chân tình nhất, và phục vụ trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cho du khách và người phục vụ. Đặc biệt, kể từ ngày 1-4, thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ, toàn bộ các đơn vị hoạt động trên lĩnh vực du lịch chấp hành không đón khách. Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, Giám đốc Công ty Thái Hải chia sẻ: "Khi dịch mới xảy ra, cơ sở không có khách, tôi đã khuyên người lao động trong Công ty có thể trở về quê để phòng tránh dịch bệnh. Nhưng tất cả đã ở lại, cùng Ban Giám đốc chia sẻ khó khăn, củng cố lại cơ sở vật chất, tự học thêm kỹ năng giao tiếp, ứng xử với du khách trong nước, quốc tế".
Bàn về khôi phục thị trường du lịch hậu COVID - 19, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Công ty TNHH tranh đá quý Dũng Tân tự tin: "Trước dịch, vào các ngày nghỉ cuối tuần, bình quân Công ty đón tiếp gần 20.000 lượt khách/ngày. Nhưng tại thời điểm này Công ty không có khách và đóng cửa. Tuy nhiên chúng tôi vẫn giữ nguyên toàn bộ lực lượng lao động, tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, vật lực, sẵn sàng đón tiếp du khách ngay sau công bố hết dịch...". Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Thương mại Hà Lan cho biết: "Là đơn vị làm dịch vụ vận chuyển khách, chúng tôi sẵn sàng giảm cước phí cho du khách. Chúng tôi cũng sẵn sàng bắt tay hợp tác với các đơn vị làm du lịch và các điểm đến, miễn sao bảo đảm được tốt nhất quyền lợi cho du khách". Còn ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Nhà hàng Thu viên cho biết: Sự hợp tác trong làm du lịch là giải pháp mang lại hiệu quả cao nhất cho các bên. Vì lợi ích cho khách hàng, chúng tôi sẵn sàng giảm giá đến 20% cho thực khách. Với ông Nguyễn Văn Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch - Khách sạn Hồ Núi Cốc tâm huyết: Lúc này lợi nhuận không đặt lên hàng đầu, mà các doanh nhân tăng cường hơn nữa tinh thần đoàn kết, liên kết, chia sẻ khó khăn để cùng tạo dựng Thái nguyên trở thành một điểm đến an toàn, lý tưởng. Về kích cầu du lịch, đơn vị sẵn sàng giảm 30% giá vé vào cổng thậm chí là 50% và hơn nữa.
Chia sẻ gánh nặng kinh tế với các doanh nghiệp, Nhà nước đã có chỉ đạo cho các địa phương thực hiện miễn, giảm thuế; lùi thời hạn nộp thuế, nộp bảo hiểm xã hội cho các đơn vị. Ông Đỗ Trọng Hiệp, Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Thái Nguyên tâm huyết: Ngành du lịch chúng tôi đã không đơn độc trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID - 19. Nhưng đây là thời điểm để các doanh nhân ngành du lịch thể hiện ý thức, trách nhiệm trước cộng đồng xã hội. Là cơ hội khẳng định được vị trí của mình trên thương trường; thể hiện được uy tín, mối quan hệ bền chặt của đơn vị khi tham gia liên kết, kích cầu du lịch.