Nếu ví các di tích lịch sử, văn hóa là “mỏ vàng lộ thiên” phục vụ cho ngành du lịch phát triển, thì những nét đẹp văn hóa giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số được coi là “kho báu” di sản văn hóa phi vật thể. Chính vì thế mà từ nhiều năm gần đây, “kho báu” di sản văn hóa phi vật thể được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương coi trọng, đánh thức, với mục đích phát huy giá trị của di sản - Bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết.
Để bảo tồn, gìn giữ và phát huy hiệu quả “kho báu” này, Sở đã có nhiều đổi mới trong việc xây dựng chương trình tuyên truyền, biểu diễn, trình diễn nghệ thuật. Nhiều tập quán, tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số được nghệ thuật hóa; sân khấu hóa và lồng ghép với các chủ đề: “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Phòng chống bạo lực gia đình”. Ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh cho biết: Từ năm 2015 đến nay, đơn vị phối hợp cùng các huyện, thành phố và thị xã xây dựng được 50 điểm mô hình, mẫu hình văn hoá, văn nghệ tại 9 huyện, thị và thành phố. Các mô hình, mẫu hình tập hợp được các nghệ nhân, những người có năng khiếu văn nghệ. Họ có đóng góp tích cực trong gìn giữ “kho báu” và phát huy giá trị “kho báu” thông qua mô hình, mẫu hình này.
Không dừng lại ở địa phương, nhiều di sản văn hóa phi vật thể được các nghệ nhân mang đi “đấm xứ người”, như: “Lễ hội cầu mùa” của dân tộc Sán Chay; diễn xướng Then “Cằm then sláng én”; múa “Trống Dao”; Hát soọng cô, múa “Phay u sòi xéo” của dân tộc Sán Dìu… Theo bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa , Thể thao và Du lịch tỉnh: Trong thời gian 5 năm gần đây, ngành đã tổ chức cho nhiều đoàn nghệ nhân tham dự các ngày hội lớn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, như: Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc; Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc; Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao toàn quốc... được tổ chức tại các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Hà Giang. Tham gia các ngày hội lớn, nghệ nhân Thái Nguyên không chỉ “dinh về” nhiều huy chương Vàng, Bạc, Đồng, mà nhân đó giới thiệu đến nhân dân, du khách trong nước, quốc tế những nét đẹp văn hóa độc đáo về phong tục, tập quán của dân tộc mình nói riêng; về quê hương, con người Thái Nguyên nói chung.
Nhiều nghệ nhân tự hào khi được tỉnh tạo điều kiện về sống, trải nghiệm tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Ở đó nghệ nhân tham gia các hoạt động trình diễn nghệ thuật văn hóa dân gian của dân tộc mình. Họ trực tiếp đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy giá trị “kho báu” di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số.