Người tâm huyết giữ gìn trang phục truyền thống dân tộc Dao

07:55, 24/05/2020

Sự phát triển của xã hội hiện nay, khiến nhiều nét văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số dần bị mai một. Để gìn giữ nét văn hóa tự làm trang phục của dân tộc mình, bà Bàn Thị Hồng (72 tuổi) người dân tộc Dao Cốc Mùn, xóm Làng Gày, xã Phúc Chu (Định Hóa) đã mở câu lạc bộ dạy làm trang phục truyền thống, vận động nhiều người dân tộc Dao tham gia.

Là người nặng lòng, yêu văn hóa dân tộc, hơn 60 năm nay, bà Bàn Thị Hồng vẫn cần mẫn dệt, thêu trang phục truyền thống của đồng bào mình. Dù cánh tay đã mỏi, mắt đã mờ, nhưng bà vẫn chưa thôi duy trì công việc thêu dệt. Hằng ngày, bà làm công việc đồng áng, tranh thủ thời gian rảnh, bà lại thêu trang phục và dạy cách thêu cho những người muốn học. Bà Hồng kể lại, ngày xưa, nhà bà nghèo lắm, bố mẹ bà lên huyện Định Hóa định cư trên núi cao, gia đình bà ai cũng phải tự làm quần áo thì mới có cái mặc. Sau này, gia đình được Nhà nước vận động chuyển xuống xóm Làng Gày, xã Phúc Chu, sinh sống đến tận bây giờ. Bắt đầu từ nhỏ, bà đã học thêu hoa văn trên trang phục cho mình, hơn 10 tuổi, bà đã tự thêu những bộ quần áo để mặc trong ngày thường và thêu riêng 1 bộ để mặc trong lễ cưới.

Hiện nay, cuộc sống của gia đình bà và nhiều người dân tộc Dao đã ổn định, kinh tế ngày càng đi lên. Tuy nhiên, cũng vì chính thế mà việc tự làm trang phục truyền thống dân tộc bị mai một, ngày càng ít người trẻ có thể tự may trang phục cho mình. Không muốn nét đẹp này bị mất đi, bà Hồng đã thành lập Câu lạc bộ Làm trang phục truyền thống dân tộc Dao, thu hút gần chục người tham gia.

Chị Đặng Thị Huệ, xóm Làng Gày, chia sẻ: Do bố mẹ mất sớm nên tôi thiệt thòi hơn với mọi người là không được dạy làm trang phục truyền thống. Biết được bà Hồng mở lớp dạy thêu nên tôi tham gia ngay. Qua gần 1 tháng học, đến nay, tôi đã thêu được hầu hết họa tiết trên bộ quần áo.

Làm trang phục truyền thống của người Dao Cốc Mùn không hề đơn giản vì người dạy không có mẫu mà tất cả các đường kim, mũi chỉ đều được nhớ trong đầu và truyền lại qua các đời. Cách thêu họa tiết cũng có đôi chút đặc biệt, người Dao sẽ thêu bên mặt trong của trang phục, họa tiết sẽ được hiện lên mặt ngoài. Đường kim, mũi chỉ cũng phải rất cẩn thận vì chỉ cần sai 1 sợi chỉ cũng sẽ làm trang phục mất đi sự hoàn hảo. Người Dao Cốc Mùn sử dụng vải lanh làm từ sợi cây đay sau đó được nhuộm bằng nhựa cây chàm để cho ra màu tím than. Những họa tiết, hoa văn trên trang phục người Dao Cốc Mùn được dệt nên từ những sợi len với đủ sắc màu xanh, đỏ, trắng, vàng... Họa tiết hoa văn thêu thường là hình ngôi nhà, chuồng trại, hoa lá, cây cối, chim muông, mặt trời... với ý nghĩa hòa hợp với thiên nhiên, gắn bó với cuộc sống của người Dao. Để tự làm một bộ trang phục hoàn chỉnh gồm: Áo, áo yếm, quần, khăn đội đầu, thường khoảng gần 3 tháng mới hoàn thành.

Bà Hồng tâm sự: Phụ nữ người Dao ai cũng được bà và mẹ truyền dạy lại cách thêu thùa quần áo, khăn, mũ cho các thành viên trong gia đình. Khi con gái đi lấy chồng, nàng dâu phải biết thêu quần áo cho chồng, con và gia đình chồng. Giờ cuộc sống hiện đại, không mặc trang phục dân tộc thường xuyên nhưng trong dịp lễ, Tết cũng nên mặc trang phục của dân tộc mình. Tôi mở Câu lạc bộ Làm trang phục truyền thống với mong muốn góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc Dao Cốc Mùn.