Mẹ tôi được chia căn hộ cấp 4 trong khu dãy nhà của đoàn văn công. Gọi thế là vì trước đây dãy nhà này dài 45m, rộng 10m và được chia năm phòng to, mỗi phòng có diện tích 90m2 cho các cô văn công ở. Sau khi đoàn văn công chuyển đi khu nhà được chia cho công nhân viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, cứ ba gia đình một phòng to và chia đều mỗi nhà được 30m2. Để ngăn các nhà, người ta nghĩ ra trát tường đất. Nhà tôi ở giữa nên có tới hai bức tường được trát bằng rơm trộn với đất, hai bức tường có mùi ngai ngái của đất và mùi nồng của rơm in đậm trong ký ức tuổi thơ tôi. Thời bấy giờ có chỗ “chui ra chui vào” là tốt lắm rồi.
Tuổi thơ tôi gắn liền với ngôi nhà có bức tường đất ấy. Trong ngôi nhà đó, tôi và các bạn cùng lớp thường tụ tập học bài với nhau. Mẹ hay lau nhà sạch sẽ nên bọn bạn có thể nằm ngay dưới đất đọc sách, làm bài. Ngoài giờ học, bọn tôi chơi dủ trò: Nhảy dây, trốn tìm…Thích nhất là khi chơi trốn tìm bắt được nhau, kéo nhau đến rách cả áo. Vào những trưa hè nắng gắt, đám con gái rủ nhau ra công viên Lê-nin để nhặt những viên sỏi đều, to bằng đầu ngón tay cái mang về rửa sạch để chơi ô ăn quan. Khi bị bố mẹ phát hiện đi bêu nắng và bị mắng chúng tôi rủ nhau chạy đi trốn. Vui nhất là vào mùa Hè những cơn mưa rào chợt đến. Khi ấy mây đen kéo về đen kịt cả bầu trời, bọn trẻ chúng tôi đều mong mưa thật to để lại được rủ nhau đi tắm mưa, chí chóe vang cả một góc sân khu tập thể. Đó là cả một khoảng trời bình yên, vô tư nhất của tuổi thơ tôi.
Ngôi nhà tuổi thơ đã chứng kiến sự nghèo khó của gia đình tôi. Mẹ vất vả bươn chải để lo cho anh em tôi ăn học. Hằng ngày, sau những giờ học, tôi ra sông Tô Lịch vớt bèo, thái bèo, nấu cám cho lợn ăn giúp mẹ. Chiều chiều lại gánh nước tưới rau ven sông Tô Lịch. Lao động mệt nhọc nhưng nhìn những luống rau xanh mơn mởn tôi lại thấy vui vì đã giúp được ba mẹ việc nhà. Bữa cơm chiều mẹ nấu chỉ có canh rau muống luộc, chút lạc rang và mấy quả cà pháo nhưng chúng tôi vẫn thấy ngon vì bữa cơm đông đủ mọi thành viên trong gia đình. Trong những bữa cơm ấy luôn đầy ắp tiếng cười.
Bức tường đất chỉ đẹp được một thời gian. Sau đó tôi và lũ trẻ nhà bên nghịch ngợm lấy que chọc thủng tường để trò chuyện hoặc đưa những mảnh giấy trao đổi bài với nhau… Lớn lên một chút, tôi rất ngại khi mời các bạn đến chơi vì nhà có hai bức tường bằng đất. Có những chỗ tường còn nhìn thấy cả cọng rơm chìa ra ngoài. Rồi tôi nghĩ ra một sáng kiến. Hôm đó tôi mua rất nhiều báo và tự tay mình đóng đinh để giữ chặt những tờ báo ở trên tường. Tôi đã nhiều lần đóng cả búa vào tay đau điếng. Sau một ngày vất vả, ngôi nhà sáng bừng lên vì hai bức tường bây giờ không phải là tường đất mà được “khoác” lên mình toàn báo. Tối, mẹ đi làm về khen tôi nghĩ ra sáng kiến hay.
Tôi lớn lên trong ngôi nhà đơn sơ và giản dị với những bức tường báo ấy. Ngôi nhà còn chứng kiến những đêm dài thao thức, những mộng mơ mới lớn khi trái tim đập rộn ràng bởi một ánh mắt vô tình… Cái tuổi hồn nhiên trong trẻo, ai mà không nhung nhớ, nên ai cũng mong ước về lại những ngày xưa của mình dù chỉ một lần.
Trong những tháng ngày thơ ấu, có lẽ ấn tượng nhất trong tôi là ngày em tôi chào đời. Niềm hạnh phúc hân hoan trên nét mặt cả gia đình. Ngày đón em ở bệnh viện về có lẽ vui nhất là tôi…Tôi không khéo dỗ trẻ nhưng rất thích bế em đi chơi. Những lúc em quấy khóc tôi chẳng biết làm thế nào để em nín nên đưa em đến bức tường báo, chỉ cho em những bức ảnh trên tường, lạ lùng là chỉ cần nhìn bức ảnh ấy em chẳng còn khóc nữa. Lớn lên, khi chưa đi học em đã biết đọc. Em đọc những hàng chữ trên “bức tường báo” mà tôi đã dạy em. Lúc đầu em đọc những chữ cái in to, sau đọc cả những hàng chữ nhỏ. Và tôi tự nhủ “bức tường báo” cũng có nhiều tác dụng. Thời gian trôi đi thật nhanh, 17 năm sau, ngôi nhà có hai bức tường báo đã được chứng kiến niềm vui khi em tôi nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Đó là ngày không bao giờ tôi quên được. Vào một buổi tối, khi cả nhà bắt đầu bữa tối thì bác đưa thư tới. Em tôi mở thư ra và không tin vào mắt mình. Em tôi đọc thư cho cả nhà nghe, mẹ tôi òa lên khóc, giọt nước mắt mừng vui. Cả nhà tôi vui quá chẳng ăn được bữa cơm tối mà cứ nhìn nhau cười trong cùng hạnh phúc.
Khi trưởng thành tôi có bạn trai. Bạn tôi hay bảo cho đến nhà chơi nhưng tôi ngại vì có hai bức tường báo. Sau một thời gian dài tôi mới tự tin cho bạn đến nhà. Mỗi khi chờ tôi, bạn hay đứng đọc báo ở trên tường như đọc bản tin vậy. Lúc đầu tôi cũng thấy ngường ngượng, nhưng bạn tôi hài hước nói “đến nhà cậu tôi biết được nhiều thông tin qua báo chí”. Và bạn tôi tỏ ý rất thích “bức tường báo” này. Cứ khoảng ba hay bốn tháng tôi lại bỏ toàn bộ báo cũ xuống và đóng báo mới lên, bởi thế hai bức tường lúc nào cũng sáng sủa và thơm mùi báo… Sau này hai nhà kề bên bán đi chỗ khác, những gia đình mới về xây lại, họ phá tường cũ đi xây tường gạch. Trong thời gian nhà họ xây dựng, hai đầu hồi nhà tôi hở những khoảng trống. Hôm trời nắng, những tia nắng chiếu chéo xuống đậu vào ô cửa sổ, những hôm trời mưa xô chậu hứng ở dưới đất, hứng cả ở trên giường. Những giọt mưa rơi xuống xô, xuống chậu kêu lộp bộp trong đêm mưa làm cả nhà tôi mất ngủ…Tôi có một tuổi thơ vất vả nhưng tôi vẫn yêu ngôi nhà đơn sơ và mộc mạc của mình, vẫn thấy ngôi nhà thân yêu của tôi là… nhà đẹp. Trong đó có hai bức tường dán báo, cái giường mộc mạc, cái tủ áo đơn sơ, cái bàn học bình dị và từng đồ dùng hàng ngày đã gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu.
Cuộc đời có mấy ai “sướng từ trong trứng sướng ra”. Nhưng tôi có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp. Giờ anh em tôi đã trưởng thành và xây lại nhà trên nền ngôi nhà cấp 4 năm nào. Những lúc rảnh rỗi, tôi lại ngồi thật lâu để hình dung lại ngôi nhà của mấy chục năm về trước…