Toàn huyện Phú Lương có 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Những năm gần đây, với sự vào cuộc đồng bộ của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân, những di sản văn hoá phi vật thể của huyện đã và đang được chú trọng bảo tồn, phát huy theo hướng bền vững.
Trong số những di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn huyện thì có 4 di sản mang giá trị văn hoá đặc trưng của địa phương, gồm: Lễ hội Đền Đuổm; Lễ hội Cầu Mùa, múa Tắc xình, hát Sấng Cọ của người Sán Chay. Còn lại, nghệ thuật khèn Mông và hát dân ca Pả Dung là di sản chung của tỉnh. Nhận thấy đây là tiềm năng để phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện Phú Lương đã có nhiều giải pháp nhằm gìn giữ các giá trị các văn hoá này. Huyện đã xây dựng các dự án: “Bảo tồn, phát huy di tích lịch sử quốc gia, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Đuổm huyện Phú Lương” và “Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Sán Chay gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại xóm Đồng Tâm, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương”…
Để đảm bảo mục tiêu của các dự án, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà huyện chú trọng là công tác trao truyền cho thế hệ sau. Đơn cử như việc bảo tồn di sản văn hoá Lễ hội Đền Đuổm. Từ năm 2018, huyện đã tổ chức 6 đợt tập huấn chuyển giao kịch bản thực hành lễ hội cho gần 400 lượt người dân xã Động Đạt. Nhờ vậy, bắt đầu từ năm 2019, chính quyền và nhân dân xã Động Đạt đã có thể đảm đương hoàn toàn phần lễ và phần hội công việc này. Ông Đỗ Mạnh Cường, xóm Đồng Chằm, xã Động Đạt chia sẻ: Khi được lựa chọn làm Đông Xướng - người đóng vai trò dẫn dắt toàn bộ các nghi lễ tôi cảm thấy rất lo lắng dù đã được học tập và thực hành trước đó. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ chuyên môn, tôi đã hoàn thành tốt vai trò của mình.
Ngoài giải pháp trên, huyện Phú Lương cũng chú trọng xây dựng các tuyến du lịch kết nối các di sản văn hóa trên địa bàn và trong tỉnh. Không chỉ vậy, đầu năm 2019, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với UBND xã Tức Tranh thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp - Du lịch cộng đồng tại xóm Đồng Tâm. Huyện cũng đã hỗ trợ HTX tu sửa 10 nhà sàn, xây mới 2 nhà sàn để phục vụ khách du lịch với kinh phí trên 1 tỷ đồng; vận động người dân chỉnh trang nương chè để phục vụ du khách. Năm 2019, HTX đã đón hàng trăm du khách về nghiên cứu, tham quan, trải nghiệm văn hóa Sán Chay.
Để di sản văn hóa phi vật thể ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, bà Nguyễn Thuý Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trong giai đoạn tới, huyện sẽ tăng cường quảng bá các di sản văn hoá của địa phương trên các phương tiện truyền thông; kết nối với các tuyến du lịch trong và ngoài tỉnh; thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mô hình du lịch tại những điểm có di sản văn hoá phi vật thể. Ngoài ra, huyện cũng sẽ xây dựng các phương án phối hợp để bảo tồn di sản nghệ thuật Khèn Mông và hát dân ca Pả Dung…