Chuyện những người “truyền lửa”

11:46, 05/07/2020

Lữ đoàn trưởng Đoàn 6 pháo binh Quân khu 9 - Đại tá Lương Văn Tôn và Chính ủy  Đoàn - Đại tá Bùi Đình Hoạch thông tin: Việc Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân tái bản có bổ sung những nội dung mới vào cuốn Nhật ký Vũ Xuân và các hoạt động truyền thông tại Thái Nguyên quê anh Xuân những ngày hè vừa qua thực sự như tiếp lửa cho các hoạt động của đơn vị trong tháng Bảy - tháng tri ân này…. Vậy là, ngoài đêm Gala Học tập lý tưởng cách mạng của Anh hùng liệt sĩ Vũ Xuân, khởi động xây dựng Nhà tưởng niệm Anh hùng, liệt sĩ của đơn vị, có thêm việc tìm hiểu nội dung mới của nhật ký. Tôi cho rằng, thời đại của Vũ Xuân là của lớp người thắp lửa, còn thế hệ chúng ta về sau là truyền lửa.

Tôi nhớ lại việc truyền lửa của những người làm truyền thông chúng tôi đối với cuốn nhật ký có nội dung sâu sắc - Nhật ký Vũ Xuân ngót 15 năm trước và tự ý thức được cách làm đó là hiệu quả. Đó là một sáng hè năm 2006, khi nhận được cuốn Nhật ký Vũ Xuân, tôi đọc một mạch từ đầu đến cuối và phát hiện tính tư tưởng cách mạng, triết lý sống và tình yêu gia đình, quê hương đến cháy bỏng của tác giả - Chính trị viên Tiểu đoàn Vũ Xuân….

Đã từng thuộc đến nằm lòng “Thép đã tôi thế đấy”; đã đón chờ và say sưa nghiền ngẫm “Nhật ký Nguyễn Văn Thạc, Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, chúng tôi hiểu những giá trị lịch sử và tầm vóc cao đẹp của nhật ký chiến tranh nói chung và Nhật ký Vũ Xuân nói riêng. Anh Đỗ Hà Thái cùng với đồng đội của anh - liệt sĩ Vũ Xuân là những người đã thắp và giữ gìn ngọn lửa, Biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội nhân dân - Đại tá Nguyễn Tiến Hải, đồng đội liệt sĩ… đã bắt đầu truyền lửa, những người làm báo Đảng quê nhà phải làm sao?

Được sự khích lệ của đồng nghiệp, ngay lập tức chúng tôi chọn một kíp khai thác từng khía cạnh của cuốn nhật ký, viết thành loạt bài, đăng liên tục trong 7 kỳ báo. Trong lời dẫn cho việc đăng loạt bài, chúng tôi nhấn mạnh: “Để tiếp lửa truyền thống, cùng tự hào và tôn vinh một con người ưu tú của quê hương…. Báo Thái Nguyên lựa chọn vấn đề nổi bật trong Nhật ký Vũ Xuân để giới thiệu với bạn đọc những trang nhật ký rực lửa của liệt sĩ Xuân”. Các tác giả được chọn cử để thực hiện loạt bài gồm: Hữu Minh, Thu Hường, Ngọc Sơn và một số cây viết của báo tham gia nhiệt thành. Những bài báo mà ngay cái tít đã cuốn hút người đọc: Vũ Xuân mang niềm tin ra trận; Đứa con ngoan của Thái Nguyên, Dâng hiến hết mình; Người chiến sĩ - anh tôi; trận chiến bên bờ Bến Hải;Thái Nguyên trong trái tim anh; Hành trình trở về trong vòng tay đồng đội; Những bài học lịch sử giàu truyền cảm…

Đoàn làm phin Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân phỏng vấn người dân tỉnh Campot (Campuchia) tháng 12-2007.

Trong bài “Những bài học lịch sử giàu truyền cảm”, đồng chí Nguyễn Văn Vượng khi đó là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy viết: “Đó là những dòng tâm can cháy bỏng, những sự thật được viết lên trong gian khổ. Ác liệt là sự thật, gian truân, nguy hiểm cũng là sự thật. 30 năm sau, lớp trẻ đã có điều kiện nhìn lại cuộc chiến với diện mạo đúng như nó vốn có. Nhật ký Vũ Xuân là những bài học lịch sử sống động, giàu sức truyền cảm nhất”. Một số bài viết xuất sắc được Hội đồng giải Báo chí Quốc gia lần thứ Nhất (năm 2006) trao giải chính thức. Các tác giả: Hữu Minh, Ngọc Sơn, Thu Hường (Hương Huyền), Anh Tuấn là những người trong nhóm tác giả được nhận giải…

Lúc bấy giờ, đứng trên sân khấu Nhà hát lớn Thủ đô nhận giải, tôi chợt nghĩ về bốn chữ: Hiệu ứng truyền thông. Rằng phải sản xuất phim ký sự tài liệu, bởi trước đó bộ phim tài liệu “Bác Hồ ở chiến khu”do Báo Thái Nguên sản xuất cũng cuốn hút người xem và trở thành tài liệu ngoại khóa của các trường học… Ngay sau đó kịch bản phim “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” được phác thảo với nội dung xuyên suốt là đi lại hành trình đi đánh Mỹ của anh Xuân và qua phim nói được một cách cơ bản về cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc…

Một kíp cán bộ, phóng viên được chọn tham gia làm phim là những người có khả năng thể hiện ý tưởng trên: Vũ Liêu (tập 4), Ngọc Sơn (Tập 3), Thúy Hằng (tập 2), Minh Hằng (tập1, 5), Liêu Chiến (tập 8), Xuân Hòa (tập 7) và Hữu Minh (tập 6)… Có điều lạ là khi đọc lời bình, thấy mỗi tập mang một tên tác giả, Nghệ sĩ ưu tú Trần Đức nói: Tôi không phải đổi giọng cho phù hợp với văn của từng người. Tôi cười vui bảo lại “Vì cảm nhận về nhật ký, tình cảm của các tác giả đối với anh Xuân giống nhau!".

Vẫn trong hành trình truyền lửa ấy, chúng tôi còn đi tiếp ngót 10 năm nữa, để đến ngày 29/4/2015, tại doanh trại Đoàn 6 pháo binh ở An Giang, chúng tôi vui sướng và trào nước mắt cùng đơn vị đón danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho anh Xuân. Và tập 9, 10 ra đời, kể lại hành trình 10 năm tiếp đó qua ngòi bút của Lệ Hằng, Quốc Cường, Thu Hương và những khuôn hình ấn tượng do Anh Tuấn (Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên) ghi lại…

Tôi nghĩ về quan điểm đúng đắn của Đảng ta về sức mạnh tập thể, tuyên truyền tập thể. Thành công nói trên phải chăng là một ví dụ. 14 năm qua tôi đều được tham gia hoặc vòng sơ khảo, hoặc vòng chung khảo Giải báo chí Quốc gia cũng thấy hầu hết giải cao đều thuộc tập thể tác giả qua loạt bài là vậy.

Vẫn tiếp mạch truyền lửa tại Thái Nguyên, ngày 25-6, tại vùng đất phương Nam hào hiệp và mến khách Hậu Giang, 410 CCB thuộc 17 tỉnh thành trở về chiến trường xưa dự các hoạt động tri ân. Hơn 500 cuốn Nhật ký Vũ Xuân vừa tái bản đã đến tay đồng đội của anh Xuân. 5.000 mét vuông đất trên cánh đồng Vịnh Chèo ấp 6, xã Vĩnh Thạnh Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đang được khởi công xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Đoàn 6 pháo binh…

Vâng! Lịch sử luôn ghi công, thế hệ sau luôn biết trân quý những người đã đem lại hạnh phúc cho đất nước!