Dưới chân Tam Đảo - Núi Hồng

08:14, 15/07/2020

Giữa cái nắng trong veo của tiết trời tháng 7, tôi trở lại Yên Lãng (Đại Từ), nơi chỉ cách tỉnh bạn Tuyên Quang con đèo Khế. Cho xe chạy dọc Quốc lộ 37, cách trung tâm xã chừng 1km, hướng mắt về bên phải, con đường bê tông mới tinh tươm rộng 8m nổi bật giữa cánh đồng lúa đang bén rễ lên xanh. Đi theo tấm biển chỉ dẫn chừng vài trăm mét, Khu Di tích lịch sử truyền thống nơi thành lập Đội Thanh niên xung phong đầu tiên của cả nước hiện ra giữa một không gian rộng lớn dưới chân dãy núi Hồng, nay thuộc xóm Ao Chũng.

May mắn tôi gặp được ông Trương Ngọc Sáng, người đã có hơn 10 năm làm nhiệm vụ trông nom Di tích. Ông cho biết, từ đầu tháng 7 đến nay, có rất nhiều đoàn công tác từ Trung ương đến địa phương đến đây tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ sáng lập lực lượng TNXP Việt Nam. Chính vì thế ông Sáng năng lên quét dọn và thường xuyên có mặt để nếu các đoàn có cần gì ông sẽ sẵn lòng hỗ trợ.
 
Đi hết bậc tam cấp, trên nền trời xanh ngăn ngắt, tượng đài TNXP sừng sững, hiên ngang. Xung quanh đặt tượng 8 anh hùng liệt sĩ tiêu biểu của thanh niên Việt Nam gồm: Lý Tự Trọng, Kim Đồng, Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, Nguyễn Viết Xuân, Nguyễn Văn Trỗi, Đoàn Thị Liên, Kpă KLơng. Đứng cạnh hàng cây Tùng thẳng tắp, trang nghiêm như các TNXP trước giờ xuất quân, tôi nghe như có tiếng rì rào dội về từ ký ức. 
 
70 năm trước, ngày 15/7/1950, để tăng cường hơn nữa lực lượng phục vụ chiến dịch Biên giới, chính tại nơi này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh ra đội TNXP. Khi thành lập Đội TNXP gồm 225 đội viên tuổi từ 18-25. Gần 2 tháng sau khi thành lập, Đội nhận lệnh đi phục vụ Chiến dịch Biên giới. Đêm 16/9/1950, lực lượng TNXP đã dũng cảm vượt qua lửa đạn, bám sát phục vụ bộ đội nổ súng tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Đông Khê, diệt 300 tên địch mở màn cho chiến dịch Biên giới. Tiếp đến là trận Nậm Nang, Cóc Xa, quân ta tiêu diệt 2 binh đoàn giặc. Chiến dịch Biên giới kết thúc thắng lợi cũng là bước mở đầu những trang sử vẻ vang của lực lượng TNXP. 
Đường bê tông rộng 8m chạy qua Khu di tích đang được khẩn trương hoàn thiện.
 
Có tiếng gọi anh Sáng. Là chị Phạm Thị Di, Trưởng xóm Ao Chũng. Chờ chị trao đổi với anh Sáng về việc chuẩn bị bàn ghế hỗ trợ cho đoàn công tác ngày mai sẽ đến thăm Khu Di tích xong, tôi hỏi thăm chị về đời sống của bà con trong xóm. Chị Di nói chuyện hay như cán bộ làm công tác tuyên giáo nhưng đậm vẻ chân chất, thật thà của người nông dân.
 
Chị bảo: Ao Chũng giờ không còn là xóm nghèo đi đâu cũng chỉ là đường lầy thụt và rậm rịt cây bụi nữa. Được sự quan tâm của Nhà nước, của tỉnh, của huyện, của xã nhiều đấy nhưng nếu chỉ biết trông chờ thì không thoát được cảnh nghèo. Nhất là mỗi lần đi ngang qua Khu Di tích, lại nghĩ, các thế hệ xưa máu xương còn không tiếc, hy sinh tất cả để có được hòa bình. Thành quả ấy hôm nay mình đang hưởng, nếu không biết bảo ban nhau thoát được cái đói, cái nghèo thì thật đáng hổ thẹn. Trăm người như một, bà con trong xóm đã đoàn kết nhau lại, chăm chỉ lao động, sản xuất, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật học được từ các lớp tập huấn. Nhờ vậy mà hầu hết các gia đình đều đã có cuộc sống ổn định và khá giả. 8ha ruộng của xóm đều được cấy các giống lúa lai, năng suất cao. Cả xóm có hơn 7ha chè, 100% đều là chè cành giống mới. Không những làm chè giỏi, nhiều hộ còn chăn nuôi quy mô lớn với hàng nghìn con vịt/lứa, như mô hình của gia đình anh Nguyễn Sông Thương là một điển hình.
 
Những thông tin tiếp theo của chị Di càng làm tôi cảm phục: Xóm có 104 nóc nhà, có tới 5 dân tộc cùng sinh sống. Dù mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán khác nhau, xong nhờ sự đoàn kết nên mọi sự khác biệt đều được xóa nhòa. Xóm hiện nay có tới 2 cơ sở sản xuất cơ khí, 4 cơ sở làm máy say sát, 2 xưởng chế biến gỗ, một công ty sản xuất gạch không nung, một cơ sở kinh doanh dịch vụ tổ chức sự kiện. Không tính một số hộ có máy móc thô sơ, trong xóm có 2 gia đình sắm được máy cày bừa liên hoàn hiện đại, đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa cho cả xóm và các xóm lân cận. 5 gia đình khác đã sắm sửa được ô tô con và ô tô vận tải… Phong trào văn hóa văn nghệ cũng vô cùng phát triển. Xóm còn thành lập cả đội văn nghệ xung kích, trong đó đồng chí Bí thư Chi bộ là nòng cốt, sẵn sàng tham gia giao lưu văn nghệ khi có các đoàn hành hương về thăm Di tích…
 
Mang theo niềm vui của người dân xóm Ao Chũng, tôi đến trụ sở UBND xã. Sự cởi mở và gần gũi của chị Phạm Thị Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã càng làm tôi thêm cảm mến mảnh đất và con người nơi này. Vừa rót nước mời tôi, chị Ngân vồn vã: Mình vừa cùng các đồng chí họp Ban Chấp hành. Sau Đại hội Đảng bộ xã, địa phương muốn nhanh chóng hiện thực hóa từng bước trong Nghị quyết mà Đại hội đã đề ra. Theo đó, năm 2021, Yên Lãng sẽ phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Đến nay xã đã đạt 16/19 tiêu chí. Từ nay đến cuối năm, một tiêu chí nữa sẽ được hoàn thành. Nói về phát triển kinh tế thì cây chè vẫn là mũi nhọn của địa phương nhưng phương thức sản xuất thì đã hoàn toàn đổi khác. Toàn xã hiện có khoảng 320 ha chè, sản lượng bình quân hàng năm đạt trên 3.300 tấn. Trong giai đoạn tiếp theo, xã đặc biệt quan tâm phát triển sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ chỗ không có tiếng trên thị trường, kết thúc nhiệm kỳ 2015-2020, xã đã có 2 làng nghề chè truyền thống Cầu Trà và Yên Từ; năm 2019, hợp tác xã chè Yên Từ cũng đã được thành lập. Đến nay xã có 3 tổ hợp tác với 91 hộ dân tham gia đăng ký sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Trên địa bàn xã hiện có 3 trang trại chăn nuôi theo mô hình khép kín, gần 20 gia trại cho thu nhập ổn định…
 
Tôi đi xuống khu vực phía Nam của xã, là những xóm được dãy núi Tam Đảo bao quanh, hạ tầng nông thôn quả như lời chị Ngân chia sẻ, đường bê tông uốn lượn, cổng làng nghề đẹp đẽ, những sóng chè đẹp tựa những bản nhạc được viết lên từ bàn tay của các nhạc sĩ tài hoa. Có lẽ, nhờ sự ưu ái của thiên nhiên, khí hậu bốn mùa mát mẻ nên ở đây, trừ những con đường và những nóc nhà mái đỏ còn lại một màu xanh mướt. Mặt trời đã đứng bóng mà mây vẫn vấn vương ấp ôm đỉnh núi phía cuối những nương chè.
 
Tận mắt chứng kiến sự đổi thay ở đây và nhìn vào Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 xã, phần nào có thể thấy được sự quyết tâm và một khát khao tiếp nối truyền thống của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Đối với Yên Lãng, những câu thơ của Bác khi xưa dường như không chỉ là Người dành tặng cho lực lượng TNXP, cho thế hệ trẻ Việt Nam mà Người còn tặng cả mình “Không có việc gì khó / Chỉ sợ lòng không bền / Đào núi và lấp biển / Quyết chí ắt làm nên”.