Ngay trung tâm xã Thanh Định (Định Hóa) có một di tích lịch sử quan trọng, đó là nơi ra đời của Tổng cục Cung cấp, tiền thân của Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Bia di tích ở đây ghi rõ: Tại xóm Thẩm Quẩn, xã Thanh Định; đồng chí Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp và cơ quan Tổng cục Cung cấp đã ở, làm việc giúp Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo công tác đảm bảo hậu cần của quân đội trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1950 đến 1954. Cạnh bia Di tích là nhà lưu niệm được xây dựng khang trang, trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh của ngành Hậu cần Quân đội như: Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho đồng chí Trần Đăng Ninh; Bác thăm trường mẫu giáo nội trú đầu tiên của Quân đội ngày 19/5/1953 tại xã Thanh Định; ngôi nhà đồng chí Trần Đăng Ninh và gia đình ở trong những ngày đầu thành lập Tổng cục Cung cấp… Tại đây, chúng tôi còn thấy có nhiều hiện vật quý. Đó là nhật ký của đồng chí Trần Đăng Ninh ghi chép nội dung công việc trong thời gian phụ trách lớp huấn luyện cán bộ cung cấp khóa 1, năm 1951; cặp da dùng đựng công văn, tài liệu bảo đảm hậu cần cho các lực lượng vũ trang trong kháng chiến chống Pháp; một số đồ dùng sinh hoạt của nhân dân xã Thanh Định phục vụ nấu nướng cho cán bộ trong cơ quan của Tổng cục Cung cấp những ngày đầu hoạt động… Cánh đó chừng 50m là khu hầm làm việc của đồng chí Trần Đăng Ninh trong giai đoạn 1950-1954. Công trình đã được tôn tạo và xây dựng lại kiên cố theo đúng thực tế.
Ngược dòng lịch sử, vào tháng 6-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra nghị quyết chấn chỉnh tổ chức Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh và kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự của Trung ương; quy định Bộ Tổng Tư lệnh gồm 3 bộ phận là Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và Tổng cục Cung cấp. Theo Sắc lệnh số 121/SL ngày 11/7/1950 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng cục Cung cấp được thành lập với nhiệm vụ quản trị, trang bị, cấp dưỡng quân đội và sản xuất quốc phòng. Trụ sở đầu tiên của Tổng cục đặt tại xã Thanh Định. Tại đây, Bác đã nhiều lần về thăm và làm việc với các cơ quan chỉ đạo kháng chiến.
Ông Ma Thế Công, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Thanh Định tự hào: Bố tôi là ông Ma Tiến Lợi - đảng viên đầu tiên của xã kể lại, những ngày đầu thành lập Tổng cục Cung cấp, chính quyền và đoàn thể địa phương đã vận động nhân dân ủng hộ hàng vạn lá cọ, cùng tre, nứa; một đội dân công gồm những người tin cậy, hăng hái và có ý thức giữ gìn bí mật được huy động cùng bộ đội xây dựng các công trình. Uỷ ban Kháng chiến hành chính xã còn vận động nhân dân cho bộ đội mượn ruộng sản xuất rau màu, giảm bớt khó khăn về thực phẩm. Theo Lịch sử Đảng bộ xã, năm 1950, Thanh Định đã bán cho Nhà nước 6 tấn thóc khao quân, cho Chính phủ tạm vay 13 tấn; năm 1953 nộp 68 tấn thóc phục vụ kháng chiến. Theo ông Công, để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, trên địa bàn xã khi đó có hình thành trạm tập kết lương thực đặt tại nhà bà Ma Thị Xuân. Nhiều người dân còn tình nguyện đưa trâu lên Tây Bắc để tiếp tế cho bộ đội.
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, xã Thanh Định mới đây đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Năm 2015, địa điểm thành lập Tổng cục Hậu cần Quân đội Nhân dân Việt Nam được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây cùng với quần thể di tích ở ATK Định Hóa trở thành “địa chỉ đỏ” để tham quan và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.