Những hiện vật Cách mạng quý tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

14:35, 19/08/2020

Ý nghĩa trọng đại của mốc son lịch sử mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc đã khẳng định những giá trị vô giá của tài liệu, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Trong suốt quá trình hoạt động, từ Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đến nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, cơ quan này luôn chú trọng, ưu tiên nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá tri của khối tài liệu hiện vật quý này. 

Khối tài liệu, hiện vật vô giá

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ gần 250.000 tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật đặc biệt quý hiếm. Đến nay 20 hiện vật trong số đó đã được công nhận (trong tổng số 188) là Bảo vật quốc gia.

Những tài liệu, hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam, về lãnh tụ Hồ Chí Minh, về giai đoạn trước và về sự kiện Cách mạng Tháng Tám 1945 có vị trí đặc biệt tại Bảo tàng. Khối tài liệu, hiện vật quan trọng cho thấy logic phát triển của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đang được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo quản tốt và phát huy giá trị nhiều mặt. 


 '

Cuốn Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng.

Khối tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với quá trình hoạt động cách mạng của Người từ khi ra đi tìm đường cứu nước (ngày 5-6-1911), quá trình tiếp thu và truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, quá trình chuẩn bị về chính trị, xây dựng tổ chức và lực lượng để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930). Hiện vật tiêu biểu trong giai đoạn này là cuốn sách “Đường Kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Nhiều hiện vật khác gắn với những hoạt động khi Người về nước (ngày 28-1-1941), trực tiếp cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 thắng lợi.

 Một số hiện vật Cách mạng Tháng Tám tại Bảo tàng.

Khối tài liệu, hiện vật về các Nghị quyết, chỉ thị, sách, báo của Đảng có số lượng lớn. Đây là những sử liệu gốc bao gồm các sách, báo, truyền đơn, nghị quyết, chỉ thị… của Đảng lãnh đạo các phong trào cách mạng giai đoạn để tiến đến Cách mạng Tháng Tám 1945. Trong số đó có nhiều tài liệu, hiện vật có vai trò và ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc Cách mạng như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, bản Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, bên cạnh đó là các loại truyền đơn, báo chí của Đảng trong thời kỳ còn hoạt động bí mật trước năm 1945… Đó là những vũ khí sắc bén của Đảng để kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh và kiên quyết vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi trong Tháng Tám 1945. 

Bên cạnh đó còn có khối tài liệu, hiện vật về hoạt động của các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng và các tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng. Đây là những tài liệu hiện vật có số lượng lớn, phong phú về loại hình gồm: sách, tài liệu, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt… Những tài liệu, hiện vật này minh chứng cho tính nhân dân của Đảng, tác phong giản dị, tinh thần chiến đấu hy sinh bất khuất của các đồng chí cán bộ lãnh đạo, tấm lòng của nhân dân với cách mạng, với cán bộ Đảng… gây nhiều xúc động cho người xem.

Một trong số ít mảng tài liệu, hiện vật được khai thác nhiều nhất

Nội dung trưng bày về Cách mạng Tháng Tám 1945 là một trong số ít mảng tài liệu, hiện vật luôn được khai thác nhiều để phục vụ các chương trình giáo dục, thuyết trình, hội thảo, tọa đàm… và được lập kế hoạch truyền thông trong những dịp kỷ niệm.

Các trưng bày chuyên đề dành riêng giới thiệu về Cách mạng Tháng Tám hoặc các trưng bày chuyên đề mà tài liệu, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám đóng vai trò chủ đạo thường xuyên được tổ chức.

Trong trưng bày thường trực, mảng nội dung này được chú trọng và là một trong những điểm nhấn đậm nét với nội dung phong phú và không gian trưng bày xứng đáng trong Bảo tàng, thể hiện đầy đủ, khoa học diễn tiến của các giai đoạn cách mạng: Chuẩn bị lực lượng, các cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên khắp cả nước, sự kiện Tuyên ngôn độc lập, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên trên cả nước… 

Một gian trưng bày về thời kỳ thành lập Đảng ở Bảo tàng.

Với tiềm năng và lợi thế mạnh mẽ đang là đơn vị đầu ngành lưu trữ, sưu tập tài liệu, hiện vật phong phú, đa dạng và có giá trị về Cách mạng Tháng Tám 1945, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tiếp tục nỗ lực nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn, và phát huy giá trị khối di sản này trong thời gian tới.

TS Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết: “Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sẽ tiếp tục xúc tiến mạnh mẽ nhiều công tác nghiệp vụ để bảo quản, giới thiệu, phát huy ngày càng tốt hơn khối tư liệu, hiện vật phong phú về giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc, về Cách mạng Tháng Tám 1945 cũng  như cả tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung. Công việc khá nhiều: Tăng cường nghiên cứu, sưu tập, tư liệu hóa, số hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu theo từng chủ đề, dưới nhiều cách tiếp cận và cách thức khác nhau; từng bước đưa sưu tập hoặc giới thiệu những giá trị của sưu tập tới rộng rãi công chúng thông qua các trưng bày chuyên đề hoặc qua các loại ấn phẩm, sản phẩm truyền thông.

Bên cạnh đó, Bảo tàng sẽ tiếp tục xây dựng và mở rộng phạm vi các chương trình giáo dục, giao lưu, tọa đàm chuyên đề, đặc biệt là chương trình “Câu lạc bộ Em yêu lịch sử" đang hoạt động khá hiệu quả hiện nay.

Tất cả các hoạt động trên tạo nền tảng cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng cả nước hướng tới các dịp tổ chức kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám 1945 và Quốc khánh 2-9, trong tầm nhìn đến ngày kỷ niệm tròn 100 năm mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc”.