Ngày thơ lục bát Việt Nam và lễ ra mắt tập thơ "Lộc phát Canh Tý - 2020" diễn ra ngày 22/9 tại Hà Nội, với sự tham gia của đại diện các Câu lạc bộ thơ lục bát đến từ T.P Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ...
Sự kiện do Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam phối hợp với Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam và Câu lạc bộ “Trái tim Người lính” tổ chức nhân Ngày thơ lục bát Việt Nam, ngày 6/8 (âm lịch) hàng năm.
Theo Ban tổ chức, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên Ngày thơ lục bát năm nay không diễn ra rầm rộ như mọi năm mà chỉ kỷ niệm trong phạm vi nhỏ, với sự tham gia của đại diện các câu lạc bộ thơ lục bát ở một số địa phương.
Để chuẩn bị cho Ngày thơ lục bát lần thứ 12, năm 2020, Ban Điều hành Cộng đồng Mạng Lục Bát Việt Nam đã phối hợp với một số câu lạc bộ thơ, tổ chức tuyển chọn và biên soạn ấn phẩm “Lộc phát Canh Tý - 2020” phục vụ cho các nghi lễ trong Ngày hội lục bát. Tập thơ có sự góp mặt của hàng trăm tác giả, do nhà thơ Trương Nam Chi làm Chủ biên (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông ấn hành).
Nhà thơ Đặng Vương Hưng, Phó Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị, đại diện Ban tổ chức Ngày hội cho biết, ở Việt Nam có một thể thơ đặc biệt là thể thơ lục bát (trên 6 dưới 8), thể thơ truyền thống của dân tộc. Hàng ngàn năm qua, thơ lục bát trong các làn điệu ca dao, dân ca, lời ru… đã "ngấm" vào người Việt từ thuở lọt lòng đến khi trưởng thành. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khi nhớ về quê hương đất nước cũng đều nhớ đến thơ lục bát, vì lục bát là xương sống của rất nhiều làn điệu dân ca, ca dao Việt Nam…
Từ ý nghĩa đó, cách đây 12 năm (năm 2009), nhà thơ Đặng Vương Hưng cùng một nhóm những người yêu thơ lục bát đã thành lập website Lục Bát Việt Nam (http://www.lucbat.com/) để tạo một diễn đàn trên internet, tôn vinh thể thơ thuần Việt - thơ lục bát, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và đậm đà bản sắc dân tộc. Trong 12 năm qua, website đã quy tụ hàng ngàn cây bút sáng tác lục bát từ khắp mọi miền đất nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đăng tải hàng vạn bài thơ, bài nghiên cứu về lục bát xưa và nay.
Cùng với sự hình thành và phát triển của website Lục Bát Việt Nam, các câu lạc bộ thơ lục bát ở nhiều tỉnh thành trên cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được thành lập... Nhiều câu lạc bộ có hàng trăm thành viên với những hoạt động thiết thực và hiệu quả.
Nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, website Lục Bát Việt Nam đã phối hợp với Báo Người Cao tuổi tổ chức Cuộc thi thơ lục bát mang chủ đề “Ngàn năm hồn Việt”, gây tiếng vang lớn trong dư luận xã hội.
Từ năm 2012-2018, Cuộc thi thơ lục bát với tên gọi “Tổ quốc và Đạo pháp” do Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo; Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ cố vấn chuyên môn và giám khảo, website Lục Bát Việt Nam cùng Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam là cơ quan thường trực. Cuộc thi được tổ chức với quy mô toàn quốc đã nhận được đánh giá cao từ dư luận.
Đặc biệt, trong năm Kỷ Hợi - 2019, lần đầu tiên website Lục Bát Việt Nam đã phối hợp với Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội đồng Thơ - Hội Nhà văn Việt Nam và một số cơ quan đơn vị, tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Thơ Lục Bát với Di sản văn hóa dân tộc”. Kỷ yếu Hội thảo đã tập hợp được hơn 30 bài tham luận, nghiên cứu chuyên sâu về thơ lục bát xưa và nay, của các tác giả đến từ mọi miền đất nước và người Việt ở nước ngoài.
Khi mạng xã hội Facebook phát triển mạnh, Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã khởi xướng việc thành lập Nhóm Lục Bát Việt Nam trên mạng xã hội này để những người yêu thơ lục bát dễ dàng đăng tải các sáng tác mới và tương tác. Hiện nay, Nhóm Lục Bát Việt Nam trên Facebook đã thu hút được gần một vạn thành viên tự nguyện và nhiệt tình tham gia. Cả website Lục Bát Việt Nam và nhóm Facebook Lục Bát Việt Nam cùng nỗ lực xây dựng một Cộng đồng mạng Lục Bát Việt Nam, sử dụng chung một logo nhận diện nhằm chung tay, góp sức để quảng bá, bảo tồn và phát huy thơ lục bát - một thể thơ thuần Việt, đồng thời phấn đấu để thơ lục bát sớm được Nhà nước công nhận là "Quốc Thi", tiến tới được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Từ năm 2009 đến nay, website Lục Bát Việt Nam đã phối hợp với nhiều cơ quan báo chí có uy tín tổ chức Lễ hội Lục Bát, kết hợp với việc sắp đặt các “Lục Bát quán” giới thiệu đặc sản văn hóa các vùng miền… Qua 12 năm tổ chức, Ngày thơ lục bát đã dần trở thành một sự kiện văn hóa của năm, góp phần tích cực vào việc tôn vinh truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc và ngày càng được những người yêu thơ cả nước quan tâm…