Bà Nguyễn Thị Thục Hạnh, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam thông tin cho tôi: Bí thư Trung ương Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam, người được giao thành lập tờ báo Phụ nữ Việt Nam - Nữ Anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân, hy sinh năm 1949 tại xã Mỹ Yên, huyện Đại Từ quê anh… Vâng, việc này tôi cũng đã nghe, nhưng không tường tận lắm. Vậy nên, đúng Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10), tôi trở về Mỹ Yên để tìm hiểu “một góc khuất, một ký ức đáng nhớ” trong trang lịch sử rất hào hùng của mảnh đất dưới tán rừng Tam Đảo…
Đồi Hoàng Ngân ở xóm Bản Quyên, xã Điềm Mặc (Định Hóa). Trước đây quả đồi này mang tên Pù Ngạm Ngà, nơi cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam ở và làm việc giai đoạn 1948-1951. Đồi Hoàng Ngân đã được công nhận là Di tích lịch sử và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. |
Cuối Thu, đang giữa mùa gặt, trừ dẫy Tam Đảo sừng sững, biếc xanh như một bức tường thành xây bằng cây lá che chắn cho các xóm làng dưới chân núi, còn lại là một gam vàng. Màu vàng của lúa xuôi theo các triền ruộng bậc thang; màu vàng của hoa và nắng, rực rỡ. Về đây, cảm xúc bao trùm là về với lịch sử, về với một miền ký ức chưa xa và không thể nào quên đối với chúng tôi.
Mến khách, chân thành và trách nhiệm, dù là ngày nghỉ, nhưng các đồng chí: Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch HĐND xã Mỹ Yên Chu Thị Nhì, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Quang Khê, Phó Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Sáu, Chủ tịch MTTQ xã Hà Văn Công vẫn cùng trao đổi và giúp tôi tiếp cận thông tin. Mỹ Yên là xã Anh hùng, xã An toàn khu, có cả chục di tích cách mạng và kháng chiến nên không mất nhiều thời giờ, chúng tôi xác định ngay việc hy sinh năm 1949 của chị Phạm Thị Vân (Hoàng Ngân) tại đây. Vấn đề còn lại là những người được chứng kiến, được biết sự kiện này năm ấy? Đã hơn 70 năm, một lần nữa viết về Anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân cũng là một sự nhắc nhớ, biết ơn của hậu thế… Câu chuyện xa xưa được các cụ bà Dương Thị Thành (91 tuổi), xóm Đồng Khâm; ông bà Hà Văn Tịch, Nguyễn Thị Cầu (đều 89 tuổi) xóm Cao Chùa kể lại.
Bà Thành kể: Đầu Thu năm 1949 (ngày nào bà không còn nhớ), bà khi ấy là thanh niên, tham gia công tác tuyên truyền trong Hội Phụ nữ Cứu quốc xã, được phân công trong nhóm trông nom thi hài một nữ cán bộ cao cấp có tên là Hoàng Ngân hy sinh lúc chiều. Trong đêm đầu thu trời se lạnh của núi rừng chiến khu, bà cùng mọi người được nghe câu chuyện về đời hoạt động ngắn ngủi nhưng oanh liệt của chị Hoàng Ngân.
Chị là người Hải Phòng, tên là Phạm Thị Vân, bố mẹ làm ăn buôn bán giàu có và tích cực ủng hộ Chính phủ Cụ Hồ. Chị tham gia hoat động cách mạng khi rất trẻ; làm Bí thư Đoàn Hội Phụ nữ Việt Nam (Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam bây giờ) kiêm lãnh đạo Báo Phụ nữ Việt Nam. Chị được đưa về Quân y xá Trần Quốc Toản (tiền thân của Quân y viện 354 bây giờ), đóng ngay xóm Cao Chùa rồi hy sinh. Chị mới 28 tuổi đời, 10 tuổi Đảng. Kháng chiến, nhưng đây là An toàn khu, nhiều cơ quan, đơn vị đóng quân, trong đó có An dưỡng đường số 2 do cụ Đặng Văn Ẩm ủng hộ để chăm sóc thương binh nên việc tổ chức tiễn đưa chị Hoàng Ngân khá trang trọng. Tuy không có cha mẹ, người thân nhưng đông đảo đồng đội, đồng chí, bà con nông dân đã tiễn đưa chị trong niềm tiếc thương vô hạn người con gái kiên trung...
Còn cụ bà Nguyễn Thị Cầu khẳng định: Chị Ngân được mai táng ngay chân đồi Gò Rộc (sau được đặt tên là đồi Hoàng Ngân), các đơn vị đóng quân tại đó như Hội Văn nghệ Cứu quốc, An dưỡng đường số 2, Quân y xá Trần Quốc Toản và nhân dân các xóm, bản trong xã Mỹ Trạng (tên cũ của Mỹ Yên) thường xuyên khói nhang cho người liệt nữ. Khoảng 7 năm sau, nghĩa là vào năm 1956, một đoàn cán bộ về làm việc với xã, cảm ơn chính quyền và đồng bào đã trông nom mộ phần và thờ phụng khói nhang rồi chọn giờ lành đưa hài cốt Anh hùng liệt sĩ Hoàng Ngân về xuôi.
Nhờ đồng nghiệp Hải Phòng quê hương liệt sĩ giới thiệu, chúng tôi tìm hiểu từ các bài báo, cuốn sách, cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cũng như đời sống riêng tư của chị Hoàng Ngân dần dần rõ nét.... Chị Hoàng Ngân tên thật là Phạm Thị Vân, sinh năm 1921, con gái nhà tư sản dân tộc ở Hải Phòng, tham gia giúp đỡ cách mạng tên là Phạm Trung Long. Được Bí thư Thành ủy Hải Phòng Tô Hiệu, các nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ giác ngộ, năm 14 tuổi chị làm liên lạc cho Xứ ủy Bắc Kỳ; 18 tuổi chị gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, thoát ly gia đình, tham gia Thành ủy Hải Phòng và được Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ Hoàng Văn Thụ giao làm công tác phụ vận, binh vận, xây dựng cơ sở cách mạng ở Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Đông...
Năm 1941, chị được cử tham dự lớp tập huấn tổ chức đội và cách đánh du kích tại Đông Triều. Nhờ được học Trường nữ sinh Thành Trung, tài liệu chữ Hán, chữ Pháp chị dịch ra tiếng Việt cho lớp học. Từ kiến thức được học, sau này chị thành lập Đội du kích đường 5 mang tên Hoàng Ngân, làm khiếp vía kẻ thù. Tháng 5-1944, chị bị giặc bắt, kết án 12 năm tù và biệt giam tại Hỏa Lò. Tháng 3-1945, Phạm Thị Vân được bố trí vượt ngục thành công nhưng sức khỏe hao tổn do giặc tra tấn cực hình.
Cách mạng Tháng Tám thành công, chị chính thức mang bí danh Hoàng Ngân, được bầu vào Thường vụ Khu ủy Liên khu 3, phụ trách dân vận và phụ vận. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, Hoàng Ngân cùng cơ quan chuyển lên An toàn khu Đại Từ, Thái Nguyên và tại đây, Hoàng Ngân được bầu làm Bí thư đầu tiên của Trung ương Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam (Trung ương Hội LHPN ngày nay). Năm 1948, trước yêu cầu của cách mạng cần có một cơ quan tuyên truyền của nữ giới nước nhà, Hoàng Ngân được giao thành lập và xuất bản tờ báo Phụ nữ Việt Nam và chị được cử phụ trách tờ báo. Hoàng Ngân hy sinh đầu Thu năm 1949 tại Mỹ Yên (Đại Từ)
Nhắn bạn Việc nước xưa nay có bại thành Miễn sao giữ trọn được thanh danh Phục thù chí lớn không hề nản Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành Thân dẫu lao tù lâm cảnh hiểm Chí còn theo dõi buổi tung hoành Bạn hỡi gần xa hăng chiến đấu Trước sau xin giữ tấm lòng thành. |
Tình yêu lứa đôi của nhà lãnh đạo Hoàng Văn Thụ và cô gái trẻ xinh đẹp vốn là tiểu thư khuê các có lòng yêu nước nồng nàn, nghị lực và ý chí Phạm Thị Vân được kể lại vô cùng cao đẹp, thấm đẫm đức hy sinh và cống hiến. Họ cùng nhau chiến đấu, tình yêu nảy nở, son sắt lời thề. Anh Thụ báo về bản Phạc Lạn, huyên Văn Lăng, tỉnh Lạng Sơn và bố anh, ông giáo làng Hoàng Khải Lan xuống Hải Phòng xin ông bà Phạm Trung Long cho đôi trẻ kết tóc trăm năm. Thương Hoàng Văn Thụ, Hoàng Ngân, các đồng chí lãnh đạo cao cấp: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đã đính hôn cho họ, chờ dịp làm lễ cưới. Hoàng Văn Thụ và Hoàng Ngân đều bị Pháp bắt và giam cầm ở Hỏa Lò (Hà Nội). Một sớm tháng 5-1944, giặc đã xử bắn anh Thụ tại trường bắn Tương Mai trong niềm thương đến nát lòng của Hoàng Ngân và đồng chí. Trong lá thư để lại cho người vợ chưa cưới có mấy câu thơ nổi tiếng của người cộng sản “Việc nước xưa nay có bại, thành / Miễn sao giữ trọn được thanh danh / Phục thù chí lớn không hề nản / Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành”.
Bà Hà Thị Cầu mau mải đưa chúng tôi xuống triền đồi Gò Rộc (Đồi Hoàng Ngân) và chỉ nơi Bí thư Trung ương Đoàn Phụ nữ Cứu quốc Việt Nam nghỉ ngơi sau 14 năm lăn lộn gây dựng phong trào cách mạng, chịu cực hình, tù đầy, tra tấn, những đau thương mất mát và những thời khắc hạnh phúc ngắn ngủi. Chị nằm đây 7 mùa hoa sim nở, đầu gối non thiêng Tam Đảo mắt nhìn về xuôi, xa xăm, thân thương. Mùa Thu năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho các cơ quan xin phép đồng bào chiến khu đưa chị về yên nghỉ bên anh Hoàng Văn Thụ tại Nghĩa trang Mai Dịch…
Đứng trên mảnh đất ghi dấu một thời, trong tôi như một cuộn phim quay chậm kể về người phụ nữ Anh hùng, về một thời oanh liệt đã qua… Nghe từ gió rừng Tam Đảo khi chiều xuống tiếng thì thầm của người xưa vọng nói về.