Phát triển du lịch ở Văn Lăng: Tiềm năng cần đầu tư khai thác

11:28, 30/10/2020

Cách trung tâm huyện Đồng Hỷ hơn 20km, xã Văn Lăng hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch sinh thái - văn hoá, với điểm nhấn là bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Mông xóm Bản Tèn, vẻ đẹp hoang sơ của Hang Chùa và thắng cảnh Thác Tiên. Tuy nhiên, hiện nay, rào cản lớn nhất để phát triển du lịch nơi đây chính là giao thông.

Bản Tèn là xóm đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, có địa hình đồi núi cao, khí hậu mát mẻ và còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông. Đặc biệt, Bản Tèn đã được Nhà nước đầu tư trồng hơn 7ha cây hoa tam giác mạch. Do đó, nơi đây đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với nhiều người trong và ngoài tỉnh.

Nằm ngay dưới xóm Bản Tèn là xóm Vân Khánh nơi có Hang Chùa thuộc ngọn núi Ơn. Qua khảo sát, hang có chiều dài gần 1km và chiều rộng nhất trên 100m. Hang được chia làm 3 tầng, mỗi tầng có thể chứa được khoảng 1.000 người. Hiện nay trong hang vẫn còn chứa nhiều cột đá cao, phiến đá bằng phẳng, cùng hệ thống nhũ đá với nhiều hình dáng, kích thước, màu sắc khác nhau. Qua đó đã làm nên vẻ đẹp hoang sơ, huyền ảo và thơ mộng.

Cùng với Hang Chùa, hiện nay trên địa bàn xã Văn Lăng còn có thắng cảnh Suối Tiên và hang Suối Tiên tại xóm Tân Lập, có thác nước cao hàng chục mét... Thời gian qua, mặc dù chưa được đầu tư, nhưng những điểm du lịch này đã được các chuyên gia hang động, du khách ghé đến. Anh Lưu Văn Hoàn, xã Phú Thịnh (Đại Từ) chia sẻ: Vào mỗi dịp cuối năm tôi và bạn bè thường rủ nhau đến Bản Tèn ngắm hoa tam giác mạch và chụp ảnh. Nơi đây có phong cảnh rất đẹp với nhiều dãy núi đá vôi, bà con đồng bào thân thiện, mến khách.

Đánh giá về tiềm năng phát triển du lịch tại xã Văn Lăng, ông Hoàng Văn Quý, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Qua việc phối hợp đi khảo sát tại Bản Tèn, Hang Chùa và Suối Tiên có thể trở thành một cụm du lịch phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức môi trường sinh thái, hang động và văn hóa của đồng bào dân tộc nơi đây. Từ đây có thể kết nối đến Đền Hích, làng nhà sàn Tân Đô (xã Hoà Bình) và Khu Di chỉ khảo cổ học Thần Sa, xã Thần Sa (Võ Nhai). Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích là danh lam thắng cảnh quốc gia đối với Hang Chùa.

Để phát huy những tiềm năng, lợi thế trên, xã Văn Lăng đã đưa nội dung phát triển du lịch vào nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025 nhằm thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho nhân dân. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay để phát du lịch ở xã đó là hệ thống giao thông còn hết sức khó khăn. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Lăng cho biết: Ngoài Bản Tèn đã được đầu tư đường giao thông thì tuyến đường từ xã đến các điểm Hang Chùa, suối Tiên dài khoảng 3km vẫn là đường đất, nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn. Do vậy, muốn đến được các điểm này, du khách phải men theo suối, leo núi, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Trong khi nguồn ngân sách đầu tư còn hạn hẹp, việc huy động nhân dân đóng góp để làm đường cũng rất khó, bởi đời sống nhân dân còn thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao.

Ông Hoàng Văn Quý cho biết thêm: Để phát triển du lịch ở Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cần sớm có đề án phát triển điểm du lịch; thu hút các nhà đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như đầu tư dịch vụ thương mại (điểm dừng chân, ăn uống...); hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; bồi dưỡng kỹ năng tiếp đón khách du lịch cho người dân...