Đám cưới và sự văn minh

07:49, 08/11/2020

Những tháng cuối năm, khi tiết trời Thu lãng mạn hay cái se lạnh của mùa Đông chớm đến cũng là khoảng thời gian lý tưởng được những người trẻ tuổi, những người đang yêu mong chờ hơn cả. Bởi đây được xem là thời điểm đẹp nhất trong năm để họ tổ chức lễ cưới, khẳng định tình yêu dành cho nhau. Thế nhưng, tổ chức đám cưới như thế nào vẫn luôn là vấn đề làm “đau đầu” gia chủ. Và đám cưới như thế nào là văn minh, lịch sự có lẽ vẫn sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nhiều người được hỏi cho rằng, đám cưới tổ chức ở nhà hàng, khách sạn, cỗ bàn linh đình là sang, là văn minh, lịch sự. Ngược lại không ít người bảo vệ quan điểm phần lớn trong số đó là sự rình rang, tốn kém, chỉ nhằm mục đích phô trương.

Rõ ràng, việc tổ chức đám cưới hiện nay phản chiếu phần nào nhu cầu, guồng quay của đời sống kinh tế xã hội. Hình thức, quy mô của đám cưới còn là sự thể hiện vị thế xã hội, tiềm lực kinh tế của gia chủ. Không khó để bắt gặp những thông tin về các đám cưới “khủng”, xa xỉ nhan nhản trên mặt các báo và mạng xã hội với ngập tràn siêu xe, vàng ròng hay chỉ riêng tiền trang trí chốn hôn trường cũng đã lên tới hàng tỷ đồng… Một đám cưới như thế là giấc mơ của biết bao người. Đối với người trong cuộc có lẽ họ cảm thấy được thỏa mãn sự kiêu hãnh với những người xung quanh. Thực tế cho thấy, các đám cưới tổ chức linh đình chủ yếu là những người có chức, có quyền, có vị thế trong xã hội. Sự xa hoa của những đám cưới “khủng” cũng đã trở thành áp lực không nhỏ đối với nhiều khách được mời dự tiệc.

Được mời tham dự lễ cưới con trai của một người bạn, chị T.T.N phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên) đã rất lúng túng, chị chia sẻ: Đến nơi, thấy không gian và nghe mọi người kể lại, riêng tiền hoa tươi trang trí tại đám cưới hơn 2 tỷ đồng, tôi đã thực sự bị choáng ngợp. Quà mừng chuẩn bị từ nhà tôi không dám đưa cho chủ nhà. Vì họ đầu tư như thế, mình mà “mừng” như những đám thông thường thì áy náy nhưng “mừng” cho tương xứng thì lại không có khả năng. Hôm đó tôi cứ như gà mắc tóc không biết ứng xử thế nào.

Ngay cả chuyện mời cưới cũng trở thành vấn đề rất đáng bàn trong xã hội hiện nay. Mời cưới vẫn được xem là một trong những công đoạn vất vả nhất với gia chủ nhưng cũng là dịp để chủ nhà bày tỏ thiện ý với những khách mời. Nếu theo lẽ thông thường không nói làm gì. Điều đáng bàn ở đây là trên thực tế, thay vì mời cưới nhiều người đã chuyển thành “phân phát” thiệp cưới. Tôi nghĩ, dùng từ “phân phát” không có gì quá bởi không khó để kể ra các trường hợp gia chủ là những người có vị trí, chức tước gửi thiệp mời cưới tới cấp dưới dựa trên danh sách của từng phòng ban, đơn vị và giao cho ai đó đi phát thiệp. Thế nên mới có chuyện khách được mời cưới và chủ nhà không biết mặt nhau.

Đại đức Thích Chúc Tiếp, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, trụ trì Chùa Huống tặng quà cho đôi bạn trẻ tổ chức lễ Hằng thuận (lễ cưới) tại chùa Huống.

Tuy nhiên sẽ là phiến diện nếu chỉ nhìn việc tổ chức các lễ cưới ở góc độ nói trên, trong khi cuộc sống đang hiện hữu không ít gia đình đã và đang lựa chọn cho mình cách thức đánh dấu ngày chung đôi rất văn minh, tiết kiệm xong vẫn đầy ắp sự ấm áp, viên mãn và đặc biệt ý nghĩa. Khái niệm văn minh trong đám cưới mỗi người một quan điểm khác nhau. Song, UBND tỉnh đã ban hành trong Quyết định số 31/2019/QĐ-UBND ngày 1/11/2019 quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Quy định này nêu rõ, “Thực hành tiết kiệm, không phô trương, lãng phí trong tổ chức việc cưới (việc tang); không lợi dụng việc cưới (việc tang) để nhằm mục đích trục lợi cá nhân; Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, không phô trương… Đồng thời khuyến khích báo hỷ thay mời dự lễ cưới; tổ chức tiệc ngọt, tiệc trà trong lễ cưới; quà tặng, lễ vật truyền thống trong đám cưới đơn giản, trang trọng, mang giá trị tinh thần, không nặng nề giá trị vật chất, phù hợp với điều kiện của đôi nam nữ và hai bên gia đình; Cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, di tích văn hoá, trồng cây lưu niệm tại địa phương trong ngày cưới hay các hình thức tổ chức đám cưới tập thể...

Rọi vào quy định có thể thấy, thời gian qua đã có những đám cưới rất văn minh như việc Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức lễ cưới tập thể cho 18 cặp đôi là công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh vào năm 2019. Tại lễ cưới, các cô dâu chú rể khổng chỉ được thực hiện đầy đủ các nghi lễ cưới trang trọng trước sự chứng kiến và cổ vũ của đông đảo khách mời, như: Trao nhẫn, cắt bánh cưới, uống rượu giao bôi…mà các cặp đôi còn được hỗ trợ 100% kinh phí, và nhiều phần quà ý nghĩa. Các cặp đôi cũng thực hiện dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của tỉnh… Theo đồng chí Vũ Duy Hoàng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, hoạt động này được thực hiện với mong muốn chia sẻ những lo toan với công nhân lao động trẻ, đồng thời tạo ra sự lan tỏa trong đoàn viên, công nhân viên chức - lao động và toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh về một mô hình đám cưới văn minh, lịch sự và tiết kiệm. Điều đáng mừng hơn cả là sau hơn 1 năm làm đám cưới, 18 cặp đôi đều đang có cuộc sống hạnh phúc với những thiên thần bé nhỏ đầu tiên.

Hay thời gian gần đây, nhiều cặp đôi thay vì tổ chức lễ cưới theo thông lệ đã cử hành lễ Hằng thuận tại chùa với sự chứng kiến của 2 bên gia đình và bạn bè thân thích. Đại đức Thích Chúc Tiếp, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên, trụ trì Chùa Huống, lý giải: Chữ “Hằng” trong Hằng thuận có nghĩa là mãi mãi, “thuận” là hòa thuận. Lễ Hằng thuận đã có từ rất lâu đời, theo suốt chiều dài của sự phát triển của Phật giáo. Không có tiệc tùng như lễ cưới thông thường, nhưng ở lễ Hằng thuận, cô dâu, chú rể sẽ được ôn lại và nghe giảng giải về đạo lý trong cuộc sống gia đình; cách ứng xử giữa hai vợ chồng; bổn phận của người con dâu, con rể đối với cha mẹ và ngược lại. Đó sẽ là nền tảng để tình cảm của đôi vợ chồng trẻ và 2 bên gia đình luôn bền chặt và thuận hòa.

Bên cạnh đó, cũng không ít bạn trẻ đã truyền cảm hứng cho cộng đồng khi sẵn sàng gác lại việc riêng để chung tay phòng, chống đại dịch COVID-19 trên địa bàn thời gian qua. Trường hợp của chàng trai trẻ Trần Anh Tú, ở phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên), 2 lần hoãn đám cưới trong lúc dịch bệnh hoành hành đã nhận được sự đồng tình của toàn xã hội. Đám cưới của Tú dự định diễn ra từ những tháng đầu năm 2020, song thời điểm đó cả nước đang gồng mình chống dịch, Tú đã xin phép bố mẹ 2 bên được hoãn đám cưới lại vì an toàn của cộng đồng. 2 bạn trẻ chỉ đưa nhau đi làm thủ tục đăng ký kết hôn, nhưng không vì thế mà vơi đi hạnh phúc, ngược lại, những lời ngợi khen, bày tỏ sự ngưỡng mộ và chúc phúc dành cho vợ chồng Tú còn đến từ cả cộng đồng xã hội, từ những người không quen biết. Tú và vợ của mình đã có một khởi đầu cho hành trình hạnh phúc lứa đôi vô cùng ý nghĩa. Và cách hành xử của chàng trai Trần Anh Tú văn minh hơn bất cứ đám cưới xa hoa nào trong thời kỳ cả nước gồng lên chống dịch.

Trộm nghĩ, chỉ cần chúng ta không coi quà mừng cưới và cỗ cưới như một sự “trả nợ miệng”, không lấy sự hào nhoáng làm thước đo vị thế trong xã hội thì chắc chắc những đám cưới văn minh, tiết kiệm sẽ ngày một nhiều hơn. Ở đó, sẽ có nhiều người bớt đi được gánh nặng mang tên “cỗ cưới”.