Tại khu di sản Huế, nhiều điểm di tích nước lũ tràn vào, ngập sâu như: di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng Cung Huế nước ngập cả mét. Nhiều di tích dọc sông Hương cũng bị ngập nặng.…
Quần thể di tích Cố đô Huế có 29 điểm di tích với gần 500 hạng mục công trình chủ yếu làm từ gỗ. Trong những đợt bão lũ vừa qua, nhiều điểm di tích thuộc Quần thể Di tích cố đô Huế bị xuống cấp nghiêm trọng. Địa phương đã lên phương án bảo vệ chu đáo nhưng nhiều công trình di tích và vùng đệm vẫn bị mưa bão tác động, trong đó các cấu kiện gỗ, vôi vữa bị ngâm lâu trong mưa lũ hư hại, xuống cấp nhanh. Mưa lũ đi qua, tỉnh Thừa Thiên Huế tập trung khôi phục, chống xuống cấp di sản.
Tồn tại gần 1,5 thế kỷ, triều Nguyễn đã để lại cho Cố đô Huế một khối lượng di sản “khổng lồ”, bao gồm hệ thống thành quách, lăng tẩm, đền đài với nhiều loại hình kiến trúc gỗ độc đáo cả về giá trị lịch sử lẫn văn hóa. Trong các đợt bão lũ đầu tháng 10 và tháng 11 vừa qua, mưa lớn kéo dài quá nhiều ngày, ngập lụt diễn ra trên diện rộng ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại khu di sản Huế, nhiều điểm di tích nước lũ tràn vào, ngập sâu như: di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… Các cổng vào khu Hoàng Cung Huế nước ngập cả mét. Nhiều di tích dọc sông Hương cũng bị ngập nặng.…
Chống đỡ di tích trong mùa mưa bão
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết: "Trong quần thể di tích Cố đô Huế thì có rất nhiều công trình, ví dụ như các công trình Phu Văn Lâu, Nghênh Lương Đình… đây là một trong những công trình nằm ở địa bàn rất dễ ảnh hưởng bởi bão, lụt, cho nên chúng tôi có các phương án riêng, triển khai đến các anh em làm việc trực tiếp, giằng chống, cũng như đảm bảo về an toàn trong mùa mưa bão".
Năm 1993, khi Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới, di tích Huế cũng đã ở tình trạng xuống cấp nặng. Với nỗ lực trùng tu, 10 năm sau, di tích Huế được đánh giá vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp. Tuy nhiên, hầu hết các di tích bằng gỗ đã trùng tu trước đây, thời điểm này cũng đã đến thời kỳ hư hỏng.
Ông Nguyễn Tân Quốc Huy, Công ty Cổ phần Tôn tạo di tích Huế cho hay, đây là một thách thức lớn đang đặt ra với các nhà quản lý khi nguồn kinh phí dành cho trùng tu di tích hạn hẹp mà Huế lại thường xuyên chịu ảnh hưởng của mưa bão.
"Các công trình ở trong di tích, công trình nào không đảm bảo, hoặc nguy hiểm trong mưa bão thì mình chằng chống thêm. Ví dụ như: chằng chống mái, cột và một số vị trí xung yếu cũng phải gia cố thêm, các công trình cũ xuống cấp đều gia cố chằng chống thêm. Các giải pháp để gia cố chằng chống thường là các giải pháp mình làm khá kiên cố, ví dụ như mình chống các vị trí xung yếu bằng thép mà dấu ở trong, vẫn đảm bảo thẩm mỹ", ông Huy cho biết thêm.
Các công trình trong hệ thống di tích Huế có kết cấu chính là gỗ và vôi vữa. Dưới tác động của thời tiết, đặc biệt mưa lũ kéo dài như thời gian vừa qua, tất cả các di tích ở Huế bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Lê Công Sơn, Chánh Văn phòng Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế cho biết: bão lũ ngày càng cực đoan chính là một thách thức lớn đối với các di tích và những người làm công tác bảo tồn, quản lý ở cố đô Huế: "Những công trình nào có hiện tượng xuống cấp kết cấu nó bị yếu thì tổ chức giằng chống, rồi chống đỡ và có các biện pháp chủ động để đảm bảo an toàn cho cả công trình và con người trong mưa bão.